Vào ngành tòa án năm 1988, 16 năm làm công tác xét xử, nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan chưa từng có một lá đơn khiếu nại. Năm 2005, chị xét xử vụ án tranh chấp về thừa kế, nguyên đơn nhiều lần có ý "đi cửa sau", nhưng chị Loan vẫn kiên quyết từ chối và bác đơn kiện.
Tức tối vì không mua chuộc được thẩm phán, kẻ sát nhân đã ra tay trả thù bằng cách tạt axít khiến chị bị bỏng nặng.
Trải qua 41 ca phẫu thuật và dự kiến sẽ quay trở lại làm việc trong năm nay, nghị lực sống của chị khiến nhiều người phải nể phục.
Đòn trả thù tàn độc của kẻ thua kiện
Tôi đến gặp nữ thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1965) tại nhà riêng của chị ở ngõ 279, Đội Cấn, Hà Nội trong buổi sáng trời mưa lạnh. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng tôi vẫn không thể kìm nén được cảm xúc khi chị thổ lộ với tôi về những gì chị đã trải qua.
Trong đó có sự đau đớn về thể xác và cả tinh thần, mà hiện tại những vết thương đó vẫn đang hành hạ chị. Trong suốt buổi tiếp xúc với tôi, chị luôn nở nụ cười hiền hậu và một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.
Tháng 6/2005, thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan được TAND quận Đống Đa giao xét xử vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị T. ở tập thể Văn Chương Hà Nội, khởi kiện ông Nguyễn Văn V. là anh chồng bà T. Bà T. có ủy quyền cho Nguyễn Tiến Dũng ở 167, ngõ Văn Chương, Khâm Thiên, Hà Nội làm đại diện cho nguyên đơn tham gia tố tụng.
Mặc dù Dũng đã tìm cách "đi cửa sau", nhờ nhiều người tác động, nhưng HĐXX sơ thẩm vẫn bác đơn kiện của bà T. Dũng đã làm đơn kháng cáo và vụ án sắp được TAND TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm. Là người có học vấn, có hiểu biết, đáng lẽ Dũng phải xem xét, nghiên cứu việc mình làm đúng hay sai, trái lại Dũng đã lên kế hoạch dã man nhằm trả thù chị Loan - thẩm phán chủ toạ phiên toà sơ thẩm.
Không cần chờ đến ngày xét xử phúc thẩm, Dũng đi mua một lọ axít để sẵn ở nhà rồi thuê Phạm Ngọc Hải (trú tại ngõ 108, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) ra tay. Dũng yêu cầu Hải phải hắt thẳng lọ axít vào mặt chị Loan. Ban đầu Hải từ chối vì biết làm như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm, nhưng do Hải còn nợ tiền Dũng nên Dũng đã ép Hải phải ra tay bằng được.
Ám ảnh tiếng kêu thất thanh của vợ
Đến sáng ngày 25/7/2005, chờ đúng thời điểm chị Loan vừa dắt xe ra khỏi nhà để đến cơ quan làm việc, Hải mặc bộ quần áo mưa tiến tới hắt thẳng lọ axít vào mặt chị Loan. Ngay sau đó hắn nhảy lên xe máy của Dũng đã chờ sẵn ở phía ngoài, rồ ga chạy thoát thân, mặc cho nạn nhân giãy giụa gào thét trong đau đớn.
Nghe tiếng kêu thất thanh của vợ, anh Điệp và mọi người trong nhà chạy ào ra. Dù vô cùng bàng hoàng khi nhìn thấy cảnh tượng khủng khiếp và sự đau đớn tột cùng mà vợ mình đang phải chịu đựng, anh Điệp vẫn cố trấn tĩnh để đưa vợ đi cấp cứu tại bệnh viện Xanhpôn.
Tại đây, chị Loan đã được các y bác sĩ cứu chữa rất tận tình. Trong cơn hoạn nạn mới hiểu hết lòng nhau. Vốn là bạn học của nhau từ thời tiểu học, nên tình yêu anh Điệp dành cho vợ như càng nhân lên gấp bội khi chị gặp tai hoạ. Suốt thời gian chị nằm viện điều trị, anh Điệp dồn hết tình yêu thương, luôn ở bên chăm sóc và động viên vợ.
Nhớ lại những giây phút kinh hoàng và cả sự tàn phá khủng khiếp của axít, chị Loan kể: "Trong cơn hoảng loạn và quá đau đớn, người đầu tiên tôi gọi là: Anh Điệp ơi!, đúng hơn là tôi kêu thất thanh khi bọn chúng đổ chai axít thẳng vào mặt tôi. Nghe tiếng kêu của tôi anh chạy ra và rất nhanh anh đã sơ cứu, giội nhiều nước vào người cho tôi nếu không có lẽ tôi đã mất mạng từ hồi đó.
Cho đến tận bây giờ, đã gần 8 năm trôi qua nhưng chồng tôi vẫn bị ám ảnh bởi tiếng kêu thất thanh đó của tôi. Còn cô con gái của tôi, cháu còn quá nhỏ nên không biết điều gì đã xảy ra, cháu vẫn hồn nhiên và luôn miệng nói: Mẹ đi làm quần áo bẩn lắm (ý nói hôm mẹ bị tạt axít cháy quần áo lấm lem).
Khi tôi vào viện cấp cứu, hai môi cứ dính chặn lại với nhau, chồng tôi phải gỡ từng li từng tí một, cứ gỡ được chút, máu tươi lại ứa ra, đầu tóc tôi dính bết hết cả, phải cắt trọc. Sau đó tôi được đưa xuống Viện bỏng quốc gia. Các bác sĩ Viện bỏng cũng rất nhiệt tình cứu chữa cho tôi. Sau khi phẫu thuật tôi phải nằm bất động 72 giờ, mọi sinh hoạt đều qua ống xông, với thời gian điều trị là 61 ngày. Hơn hai tháng sau tôi được rút các ống xông ra, tôi đã gọi điện ngay cho hai con vì nhớ chúng quá. Lúc này vết thương của tôi đã tạm ổn, gia đình mới đưa hai con vào thăm mẹ...".
Nói đến đây chị bật khóc khiến tôi cũng không giữ được cảm xúc, rồi chính chị lại động viên tôi rằng: "Ở đời mình gặp một người không tốt ở chỗ này thì ngay sau đó mình sẽ gặp được một người tốt bụng ở chỗ khác. Nhờ đọc văn Lỗ Tấn mà tôi sống được đến ngày hôm nay đấy!", rồi chị lại cười rất thoải mái. Trong đôi mắt sáng của chị, lại long lanh những ánh hào quang và hy vọng. Quay lại chuyện cô con gái của chị sau khi khóc, rồi thấy anh trai mình gọi "mẹ ơi", và có lẽ con gái chị đã nhận ra giọng nói của mẹ, khi đó bé mới chịu cho mẹ bế. Ngồi vào lòng mẹ bé bi bô nói: "Mặt mẹ bị làm sao đấy? sao bẩn thế này?...".
Không đầu hàng số phận!
Sau khi điều trị 61 ngày tại Việt Nam, chị cùng chồng sang Singapore để chữa bệnh và xin bảo lưu kết quả thi cao học. Tất cả gác lại dành thời gian cho việc chữa trị các vết thương khủng khiếp trên cơ thể.
Chị nhớ lại: "Lần đầu tiên khi các bác sĩ lấy đi lớp da bị tạt axít ra khỏi khuôn mặt tôi, đau đớn lắm! Đó là vết đau về thể xác mà tôi đã phải chịu rất nhiều lần. Bù lại, những lúc đau đớn tưởng kiệt sức như vậy, tôi luôn có chồng, hai con, gia đình và bè bạn bên tôi, động viên tôi vượt qua những thời khắc kinh hoàng đó".
Từ năm 2005, đến nay chị Loan đã trải qua 41 ca phẫu thuật cả trong nước và ngoài nước. Mặc dù mang trên mình thương tật 60%, nhưng nữ thẩm phán Kim Loan vẫn tự tin vào cuộc sống, vẫn không ngừng phấn đấu rèn luyện và học tập. Ba năm đi học cao học chị đều phải mang "trang phục hồi giáo" để che đi khuôn mặt do axít tàn phá và tránh sự tò mò của mọi người xung quanh. Chị đến lớp đều đặn, chăm học và hoàn thành tấm bằng thạc sĩ năm 2009.
Hiện nay, ngoài thời gian đọc sách báo, nghiên cứu về ngành luật, chị Loan kiên trì dành ra 10 tiếng mỗi ngày để tập luyện, giúp các cơ trở lại mềm mại hơn và bớt đau đớn hơn. Anh Điệp chia sẻ: "Nếu ai nhận chữa trị khuôn mặt cho vợ tôi, tôi luôn sẵn sàng đưa vợ đi tiếp để khắc phục hậu quả tàn khốc mà kẻ sát nhân đã gây ra cho vợ tôi. Dù đã hồi phục nhiều nhưng hiện mỗi lần nhìn gương mặt vợ, tôi lại thấy đau nhói trong tim. Tôi hận một kẻ có học như Dũng mà làm trò táng tận lương tâm đến vậy. Hắn gây ra tội ác hắn phải chịu hình phạt quy định của pháp luật, nhưng tôi nhận thấy chế tài đối với những kẻ như Dũng, Hải là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe".
Nghĩa vợ tình chồng đã giúp chị Loan đứng vững tới ngày hôm nay, hiện chị Loan đang sống hạnh phúc bên chồng con. Khi được hỏi kế hoạch trong tương lai của chị thế nào? Hướng ánh mắt sáng long lanh về phía tôi, chị Loan đáp: "Tôi không bao giờ đầu hàng số phận kể cả kẻ phạm tội, tôi sẽ quay lại làm việc vào năm 2013".
Những lời nói đanh thép của chị Loan khiến tôi không thể cầm lòng được. Tôi thầm cảm phục chị - một nghị lực phi thường!
"Đây không phải mẹ Loan..."
"61 ngày tôi nằm viện điều trị là 61 ngày con tôi vắng bàn tay mẹ, thiếu cha bởi anh ấy luôn ở bên tôi. Nhìn bọn trẻ gầy guộc, tôi không cầm được nước mắt. Lúc đó con gái tôi mới được hơn 2 tuổi, vì quá nhớ con, tôi thèm cảm giác ôm cháu vào lòng, nhưng cháu đã khóc không cho tôi bế và nói: Đây không phải mẹ Loan, mẹ Loan khác cơ…" - Chị Loan bật khóc khi nhớ lại giây phút gặp lại hai đứa con thân yêu của mình sau hơn hai tháng cách biệt.
Cần được vinh danh
Ông Vũ Việt Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ 1A-VKSND tối cao chia sẻ: "Với những cán bộ ngành tư pháp gặp rủi ro phát sinh từ hoạt động nghiệp vụ như thẩm phán Kim Loan rất xứng đáng được Đảng và Nhà nước vinh danh".