"Hacker làng" lừa đảo tiền tỷ, vung tiền đi vũ trường, bao gái

Đình Thức |

Trong hai năm, huyện Duy Xuyên có đến 100 hacker bị bắt với 20 vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khiến vị Phó trưởng Công an huyện phải thốt lên: Nạn hacker lây lan như dịch bệnh.

Lừa tiền như trò đùa

Thiếu tá Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng Công an huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), lần giở chồng hồ sơ với hơn 100 đối tượng đã bị công an địa phương và các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội… bắt giữ rồi thở dài.

Ông Trung là người trực tiếp điều tra, phối hợp với Công an các tỉnh triệt phá 20 vụ lừa đảo qua mạng do các đối tượng ở huyện Duy Xuyên thực hiện.

“Toàn các thanh niên trẻ. Đứa già nhất mới 28 tuổi, đứa trẻ nhất mới 16.

Mỗi lần có công văn đề nghị phối hợp của các tỉnh bạn về Duy Xuyên thì hết 90% là để xác minh thân nhân, phối hợp điều tra bắt tụi hacker lừa đảo này. Đồng nghiệp các tỉnh nửa đùa, nửa thật gọi huyện chúng tôi là “hang ổ hacker lừa đảo”.

Tụi nó lên mạng, lừa tiền người ta mà coi đó như trò đùa. Chúng nghĩ rằng nạn nhân không biết mặt mình thì sẽ không thể nào bị bắt.

Mà cái trò lừa đảo qua mạng của tụi nó khởi đầu cũng từ những trò đùa vui ở các quán internet.

Mới nhất, một đứa sinh viên Cao đẳng năm nhất bị Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ vì lừa của người ta hơn 300 triệu đồng”, Thiếu tá Trung buồn bã nói.

Đối tượng Lương Thái Vỹ khi bị bắt đã lừa đảo được hơn 300 triệu đồng
Đối tượng Lương Thái Vỹ khi bị bắt đã lừa đảo được hơn 300 triệu đồng

Đối tượng mới nhất ở “hang ổ hacker lừa đảo” vừa bị bắt ngày 6-1 vừa qua là Lương Thái Vỹ (SN 1997, trú thị trấn Nam Phước).

Khi bị bắt, Vỹ sợ hãi khai: “Lúc đầu em chỉ nhắn tin lừa thử người lạ cho vui. Có người tưởng thật gửi thẻ cào điện thoại cho em nên em nạp vào tài khoản game để chơi.

Sau này cứ thiếu tiền là em lại nhắn tin cho hàng loạt người để mồi chài. Số tiền em lừa được cứ thế ngày càng nhiều. Em cũng không thống kê được mà chỉ biết tiêu xài, chơi bời, nhậu nhẹt”.

Thiếu tá Trung cho hay, các đối tượng bị bắt đều khai nhận ban đầu chỉ thực hiện hành vi lừa đảo cho vui.

“Có vụ cả nhóm 5 đứa đều đang là học sinh lớp 12. Cả 5 đứa đều là học sinh khá, giỏi, hạnh kiểm tốt.

Tụi nó ở xã Duy Trinh về thuê trọ ở Thị trấn Nam Phước để đi học. Ngoài giờ trên lớp thì cả 5 đứa đều đóng cửa phòng ôn bài.

Nhìn vậy, ai cũng tưởng bọn chúng ngoan, chăm học. Đến khi Công an Đà Nẵng ập vào bắt giữ thì 5 cậu học sinh đã “ôn bài” được gần 150 triệu đồng.

Khi bị bắt, cả 5 đứa khai thấy mấy anh ngoài tiệm net làm nên học theo để trêu đùa người lạ. Có người dính bẫy gửi tiền cho chúng nên nó ham, làm thật”, ông Trung kể.

Theo ông Trung, vụ rúng động nhất là vụ Công an Hà Nội bắt nhóm 9 đối tượng trong vòng 4 tháng lừa được gần 9 tỉ đồng.

Sập bẫy vì lòng tham

Thiếu tá Trung cho hay tình trạng sử dụng mạng internet, vi tính, viễn thông để lừa đảo ở Duy Xuyên rộ lên từ năm 2013.

“Chúng khai suốt ngày chơi game nên có đứa nhận được tin nhắn trúng thưởng của hãng game, nhận được quà thật.

Tụi nó mày mò, làm quen với một người trên mạng rồi thuê người này lập một trang web có nội dung ăn theo các chương trình trúng thưởng. Chúng lấy thông tin nạn nhân trên mạng xã hội rồi nhắn đến họ.

Ban đầu, chúng lừa thẻ cào điện thoại, thẻ game vài trăm ngàn. Bọn chúng chơi với nhau, thấy dễ ăn quá nên dạy nhau cách lừa đảo. Đứa này mách nước cho đứa kia rồi lập thành nhóm để lừa người với số tiền ngày càng lớn.

Nạn hacker này nó lây lan như dịch bệnh. Đứa này thấy đứa kia lừa được tiền cũng tò mò học theo, nâng cấp chiêu thức và số tiền thì ngày càng lớn”, Thiếu tá Trung nói.

Thiếu tá Trung: Nạn hacker lừa đảo lây lan như dịch bệnh
Thiếu tá Trung: "Nạn hacker lừa đảo lây lan như dịch bệnh"

Theo ông Trung, công thức lừa đảo của các đối tượng này vô cùng đơn giản.

“Bọn chúng lập một trang web bất kỳ. Nội dung trang web quảng cáo về chương trình tri ân khách hàng của công ty nào đó. Trước thì chúng thuê người lập web, bây giờ thì đứa nào cũng biết làm.

Tiếp đến chúng tìm được số điện thoại trên mạng xã hội rồi bắt đầu nhắn tin đến với các nội dung như:

“Bạn là 1 trong 5 đã trúng giải thưởng của chương trình tri ân khách hàng của công ty chúng tôi. Phần thưởng của bạn là chiếc xe SH trị giá 100 triệu đồng và 70 triệu đồng tiền mặt. Bạn vui lòng liên hệ số điện thoại XXX để được hướng dẫn nhận giải”.

Khi có người sập bẫy và gọi lại, chúng yêu cầu làm thủ tục trong đó phải nộp phí, thuế VAT trị giá khoảng 10% của giải thưởng.

Chúng còn phân chia công việc, đứa làm giám đốc, đứa làm thư ký và cả đóng vai người từng trúng thưởng để dụ dỗ nạn nhân.

Nhờ chiêu này, chúng lừa được nạn nhân dễ dàng. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng nhiều người sập bẫy vì lòng tham”, Thiếu tá Trung bày tỏ.


Các quán internet thường được các đối tượng sử dụng làm nơi để tiến hành các vụ lừa đảo

Các quán internet thường được các đối tượng sử dụng làm nơi để tiến hành các vụ lừa đảo

Hồ sơ của công an huyện Duy Xuyên cho thấy, nạn nhân của các “hacker làng” này rất đa dạng, từ bà nội trợ, nhân viên văn phòng, công chức cho đến tiến sĩ, thạc sĩ và cả Kiểm sát viên, thậm chí là cán bộ công an.

“Nhiều người biết mình bị lừa nhưng không trình báo, phối hợp điều tra vì xấu hổ”, ông Trung chia sẻ.

Tiêu tiền như nước

Theo chỉ dẫn của ông Trung, PV tìm đến nhà của đối tượng Nguyễn Văn Hải (xã Duy Trinh). Hải bị bắt tháng 11-2015 cùng 4 bạn học khi đang chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ 1.

Căn nhà cấp 4 của bố mẹ Hải đóng cửa kín mít. Hàng xóm cho biết hai vợ chồng đi làm thuê, tối mịt mới về.

“Từ ngày thằng Hải với thằng Sĩ (Nguyễn Văn Sĩ, em họ Hải) bị bắt thì họ ít nói chuyện với người khác lắm.

Nhà họ cũng khó khăn nhưng thằng Hải học giỏi. Ai cũng mong năm nay nó đỗ đại học vậy mà giờ đang ngồi trong tù.

Tôi nghe nói nó lừa được hơn 100 triệu nhưng hình như tiêu xài hoang phí đâu đó chứ cũng không cho bố mẹ gì cả. Nhà nó mấy năm nay có sắm sửa cái gì mới đâu”, một ngươi hàng xóm gia đình Hải nói.

Thiếu tá Trung cho hay, tất cả các đối tượng lừa đảo qua mạng bị bắt đều tiêu hết tiền lừa được.

“Tụi nó lừa tiền dễ quá nên đâu biết quý. Cả mấy thằng thuê ô tô đi ngông nghênh giữa thị trấn, lái ra Đà Nẵng chơi.

Vô vũ trường uống chai rượu mấy chục triệu, bao gái, hút hít hết cả. Có bọn lừa được của người ta 9 tỷ đồng nhưng khi bị bắt chỉ còn vài triệu. Mà gia đình tụi nó toàn có hoàn cảnh khó khăn”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, Công an huyện Duy Xuyên đã tuyên truyền đến người dân, nhà trường để phụ huynh và thầy cô quản lý con em mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại