Nỗi bất hạnh của người mẹ tuổi "xế chiều"
Bà Nguyễn Thị Sê (80 tuổi) sống cùng gia đình con trai Nguyễn Văn Nghĩa tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà vẫn còn khỏe mạnh, tinh anh, sống hòa đồng, được bà con chòm xóm quý mến.
Đáng lẽ mỗi dịp tết đến xuân về bà sẽ được vui vầy bên con cháu, sống an hưởng nốt những năm tháng cuối đời trong tình thân ấm áp.
Nhưng cơn ác mộng của gia đình bà lại đến vào đúng cái tết năm 2015, chỉ vì túng quẫn bởi nợ nần mà một người con chính bà dứt ruột sinh ra đã nhẫn tâm sát hại mẹ ruột của mình để cướp tài sản.
Bị cáo trong vụ án là Nguyễn Thị Phin (57 tuổi) là con thứ 2 trong 6 người con của bà Sê.
Theo cáo trạng, vào 7h ngày 18/2 (ngày 30 Tết), Phin đến nhà em trai là Nguyễn Văn Nghĩa chơi. Tại đây, ông Nghĩa nhờ Phin ở nhà chăm sóc mẹ là bà Sê để đi chúc Tết.
Đến trưa, Phin nảy sinh ý định giết bà Sê để cướp tài sản, trang trải nợ nần. Nghĩ là làm, Phin xuống bếp lấy 1 cái chày gỗ đến phòng ngủ đập vào đầu bà Sê khiến nạn nhân ngã vật xuống nền nhà tử vong.
Sau đó đối tượng mở tủ lấy 3 triệu đồng cùng nhiều trang sức bằng vàng (trị giá khoảng 105 triệu đồng) rồi mang đi bán lấy tiền tiêu xài, đóng hụi và trả nợ.
Sau khi vụ án xảy ra, trong đám tang, nhiều người thấy Phin vẫn khóc thương mẹ già và rất bình tĩnh như mình là người vô tội. Khi đi ra ngoài, Phin luôn tỏ vẻ không sợ hãi để chứng tỏ mình chẳng liên quan gì đến cái chết của mẹ.
Ngày 26/2, Nguyễn Thị Phin bị cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ.
Bị cáo Nguyễn Thị Phin
Giọt nước mắt tình thân
Ngày 25/9, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử lưu động, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Phin tù chung thân về 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.
Trước tòa, bị cáo Phin không kể chi tiết nào về việc ra tay giết hại mẹ, mà ngơ ngẩn như người mất hồn. Bị cáo đã chọn cách im lặng, để mặc mọi sự phán xét của pháp luật, sự phán xét của tòa án lương tâm và sự chỉ trích của những người tham dự phiên tòa.
Tòa hỏi bị cáo Phin: “Bị cáo dùng chày đánh mẹ đến chết phải không?”.
Suy nghĩ một lúc lâu, bị cáo đáp: “Mọi sự xảy ra như trong cáo trạng nêu, bị cáo không có gì để nói nữa”.
Tòa hỏi: “Bị cáo có thấy hối hận không?”.
“Xin hãy xử bị cáo đúng tội để mẹ bị cáo được thanh thản nơi suối vàng” - bị cáo Phin trả lời.
Nhìn chị gái run rẩy trước vành móng ngựa, ông Nghĩa xót xa, một mực cầu xin: “Xin tòa hãy thương tình mà tha thứ cho lỗi lầm của chị ấy. Chị ấy vốn không được bình thường như mọi người.
Mẹ đã mất rồi, chúng tôi không muốn mất thêm chị nữa. Hãy để chị có thời gian sám hối về tội lỗi của mình”.
Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo của ông lão qua độ tuổi ngũ tuần, làm cho bất kể ai trong khán phòng chứng kiến đều không khỏi xúc động.
"Khi vừa tròn 18 tuổi, chị tôi gặp một anh kỹ sư xây dựng và đem lòng yêu say đắm. Nhưng vì khác đạo nên gia đình ra sức ngăn cản. Khi tình yêu tan vỡ cũng là lúc chị tôi bắt đầu ngây dại, mắc bệnh thần kinh hoang tưởng.
Năm 20 tuổi, chị tôi mới lập gia đình với anh P., một người đàn ông trung niên, đem lòng thương cảm cho hoàn cảnh của chị.
Hơn 2 năm sau, họ có với nhau 2 con trai. Tuy nhiên, vì không chịu đựng được tính khí thất thường của chị nên khi mới sinh con thứ 2 được 1 tháng, anh P. đã bỏ đi biệt xứ.
Từ đó, chị trở nên ngây dại, đi lang thang khắp nơi, bỏ lại 2 con cho mẹ tôi cưu mang. Mỗi khi được đưa về nhà, ban ngày chị cười nói vui vẻ và giúp đỡ những người xung quanh nhiệt tình, nhưng ban đêm lại hay mê sảng.
Cuộc đời chị tôi cứ trôi qua với nhiều sóng gió...". Người em trai chợt dừng câu chuyện bởi tiếng nấc nghẹn trong cổ họng.
Thường ngày, Phin nhận giữ trẻ tại nhà cho một số hộ dân trong xóm. Theo nhận xét của nhiều người dân xung quanh, Phin vốn hiền lành nhưng chậm tính.
Vì quá thương con gái chịu thiệt thòi hơn các anh chị em, bà Xê đã xây cho Phin một căn nhà rất khang trang ở gần nhà bà và thường xuyên cho con gái tiền sinh hoạt, trả nợ. Do nghiện lô đề nên Phin nợ tiền nhiều người.
Với số nợ đến gần 100 triệu đồng, bị chủ nợ hối thúc chuyện nợ nần ngày tết đến, Phin đã ra tay sát hại mẹ để cướp tài sản trả nợ.
Giờ nghị án, ông Nghĩa cố gắng lại gần người chị như đang ngây dại của mình, nói một vài lời động viên an ủi. Ông vừa khóc, vừa bảo: “Cuộc đời chị ấy gắn với nhiều cú sốc nên chị ấy đáng thương hơn đáng trách”.
Tòa tuyên án, thấy bị cáo Phin thoát bản án tử hình, gia đình bị cáo thở phào nhẹ nhõm, có người khóc nấc, có người nở nụ cười mãn nguyện.
Họ khóc vì những lỗi lầm bị cáo đã gây ra, cười vì chí ít phần đời còn lại của bị cáo, gia đình họ vẫn có thể gặp và nói chuyện với nhau, dù chỉ là trong giây lát qua cánh cửa trại giam.