Tin nhắn lúc 23h. Bao giờ cũng vậy. Từ lâu đã vậy. Lời nhắn vỏn vẹn có ngần ấy từ, ngoài ra không có thêm bất cứ một con chữ nào khác. Tôi tôn trọng bạn nên chẳng bao giờ hỏi lại, chỉ biết đằng sau mấy từ ngắn gọn đó nhưng chứa đựng một thông tin vô cùng đặc biệt: Đêm nay sẽ thi hành án tử hình với một hoặc nhiều tử tù.
Dẫu biết thế, suốt từ lúc lúc nhận được tin nhắn, trong đầu tôi cứ lởn vởn những câu hỏi: Đêm nay có mấy bị án bị giải ra pháp trường, đã phạm tội gì, họ sẽ viết gì cho người thân trước giờ ra pháp trường, vào khoảnh khắc bị buộc vào cọc và đội xạ thủ dàn hàng ngang phía trước, trời có mưa không, tử tù có đủ sức để lê những bước cuối cùng tới cọc bắn…
Dù chưa biết cụ thể tử tù đó là ai nhưng tôi bắt đầu phác họa những câu hỏi cần thiết để trò chuyện. Hầu như các cuộc nói chuyện đều diễn ra suôn sẻ. Tử tù trả lời một cách bình thản những câu hỏi đơn giản của tôi. Nhưng cũng có tử tù chỉ nhìn tôi cười gằn, đáp cộc lốc bằng những từ có hoặc không. Tôi hiểu, đó là quyền của họ, cái quyền được im lặng trước khi chết.
Tôi đi ngủ sớm, với ý nghĩ sẽ cố chợp mắt một lúc để có sức hành nghề đêm nay. Giấc ngủ đến không hề dễ dàng chút nào. Hình ảnh về những lần thi hành án trước đó trôi một cách chậm chạp trong suy nghĩ của tôi. Có một cái gì đó vừa hồi hộp, vừa phập phồng cứ cồn lên trong tôi. Bao đêm rồi nhỉ, tôi không nhớ nữa. Nhưng những đêm như thế chẳng bao giờ tôi có thể quen được.
Đồng hồ báo thức vang lên vào lúc 2h sáng. Tôi bật dậy như lò xo, rửa mặt, thay quần áo, kiểm tra lại máy ảnh, máy ghi âm rồi lặng lẽ dắt xe máy ra khỏi nhà. Vợ tôi xuống khóa cửa, nhìn tôi ái ngại: “Anh nhớ mặc thêm áo khoác. Đi đường Cầu Giấy cho đông người, đỡ nguy hiểm. Đi cẩn thận nhé!”. Tôi biết, vợ tôi dù đã quen với những chuyến đi đêm của tôi, nhưng khi nhìn thấy tôi lầm lũi dắt xe ra khỏi nhà, chắc chắn cô ấy chẳng bao giờ yên tâm được. Và kể từ lúc đó, cô ấy cũng sẽ thức tới sáng.
Những lần khác, tôi có thể đi cùng với các anh bên tòa án hay kỹ thuật hình sự, nhưng đêm hôm lòng vòng xe máy đến điểm hẹn thấy cũng mất thời gian nên những lần sau, tôi chủ động phóng xe vào Trại tạm giam Hà Nội. Quãng đường từ nhà tôi vào đó chừng 6, 7km. Không gần mà cũng chẳng xa. Tôi cho xe chạy chầm chậm, qua Deawoo, xuống Cầu Giấy… Con đường hàng ngày vốn chật chội, vậy mà vào lúc này có vẻ phong quang.
Thành phố đang vùi trong giấc ngủ sau một ngày mệt nhoài. Hầu như không có ai đi lại vào giờ này. Đã chớm đông, hơi lạnh bủa vây khắp ngả. Lác đác mấy giọt mưa táp vào mặt. Tôi tỉnh ngủ hẳn, hướng tầm mắt về phía trước. Qua Cầu Giấy, người đi lại nhiều hơn. Phiên chợ đêm bắt đầu hoạt động. Từng chiếc xe chất đầy rau xanh, hoa quả đứng nép vào hai bên đường. Mọi người lặng lẽ mua bán rồi tản về các con đường vắng.
Từ Cầu Diễn, rẽ trái vào xã Xuân Phương, nơi có Trại tạm giam Hà Nội cũng hơn 2km nữa. Đường tối om, không một bóng người và xe cộ. Chiếc xe máy chồm lên liên tục bởi những ổ gà và vũng nước. Có tiếng chó sủa giữa đêm nghe gai gai. Tôi lẩm nhẩm, mong sao quãng đường ngắn lại và chiếc xe không bị hỏng hóc gì.
Vào tới trại thì cũng gần 3h sáng. Từ xa, tôi đã nhìn thấy những bụm sáng vàng vọt phía ngoài cổng trại. Vậy là cuộc hành trình giữa đêm của tôi đã hoàn thành một nửa. Cậu lính trẻ bảo vệ sau khi kiểm tra giấy tờ, nhìn tôi kỹ một lượt rồi bảo: Vẫn còn sớm mà. Anh cho xe vào sâu bên trong nhé! Tôi cười, cảm ơn rồi dắt xe vào.
Một lúc sau thì những người trong Hội đồng thi hành án tử hình cũng có mặt, gồm cán bộ Trại tạm giam, đại diện Công an, Tòa án, Kiểm sát, chính quyền địa phương, cán bộ kỹ thuật hình sự…
Tất cả các khuôn mặt đều tỉnh táo bởi họ sắp phải thi hành một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đêm nay chỉ thi hành án tử hình với bị án Trương Ngọc Điệp (30 tuổi), nhà ở Ba Vì, Hà Nội bị tuyên phạt tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Những lần khác, thường thi hành án 2 hoặc 3 tử tù. Cá biệt có lần 7 tử tù cùng một lúc, đó là tử tù Vũ Xuân Trường cùng đồng bọn trong đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia.
Ngay từ lúc bị giải từ xà lim ra khu vực làm việc của Hội đồng thi hành án, tôi đã thấy vẻ mặt đầy lo âu của Trương Ngọc Điệp. Tiếng xích sắt dưới chân và ở hai tay va vào nhau, tạo ra những âm thanh sắc lạnh giữa đêm. Từng bước, từng bước, tử tù lê chân qua hai lần cổng bảo vệ. Điệp đã thay bộ quần áo kẻ sọc mới, còn rõ nếp gấp. Khuôn mặt xám ngoét, hai mắt nhìn vô định và đôi vai thỉnh thoảng rung lên như người bị cảm lạnh. Đi bên cạnh Điệp, một chiến sĩ bảo vệ của Trại tạm giam nói khẽ: “Bình tĩnh nhé. Đi trả án hôm nay là được ngày đấy!”.
Điệp khẽ vâng rồi lại lê từng bước. Tiếng xích chân va đập trên lối đi nghe rõ hơn. Các thủ tục thi hành án tử hình diễn ra ngay sau đó. Dưới ánh điện, tử tù Trương Ngọc Điệp có vẻ nhỏ bé hơn.
Trước đó hơn một năm, khi Điệp bị Công an quận Long Biên bắt, tôi cũng đã có mặt tại thời điểm đó, hỏi chuyện về những tội ác Điệp đã thực hiện cũng như trở lại ngôi nhà nạn nhân sát đường tàu để hình dung lại toàn bộ vụ án. Đồ đạc trong gian phòng nhỏ đã được kê dọn lại, nhưng khi nhìn qua ô cửa nhỏ, tôi vẫn thấy rờn rợn. Cảm giác như mùi máu người vẫn chưa hết, còn vương vất quanh đây. Dạo đó, Điệp có vẻ cao lớn, nước da sáng và ánh mắt tinh nhanh. Còn lúc này, sau những ngày tháng bị cùm chân trong xà lim khiến Điệp tiều tụy trông thấy.
Xong phần thủ tục, tử tù được ăn bữa cuối cùng và viết thư về cho người thân. Một khoảng thời gian cực kỳ hiếm hoi để tôi có thể nói chuyện với bị án. Bát phở nghi ngút khói. Bên cạnh là cốc trà nóng, một bao thuốc lá Vinataba, một mảnh giấy và cây bút bi. Điệp không đụng đũa, chỉ rít liền hai điếu thuốc. Khói thuốc mù mịt một góc hành lang.
Tôi ngồi sát cạnh, muốn hỏi Điệp vài câu hoặc nếu tử tù có ý định nhắn lại gì cho người thân, tôi sẽ giúp. Điệp lại nhìn tôi. Không trả lời bất cứ một câu hỏi gì. Đó là tử tù duy nhất và lầu đầu tiên đã không nói chuyện với tôi trước lúc ra pháp trường.
Cả mảnh giấy trắng trước mặt nữa. Điệp cầm bút, mấy lần định viết điều gì đó, nhưng rồi lại buông bút, mặt thừ ra. Mười lăm phút trôi qua. Khoảng thời gian quý báu dành cho tử tù đã hết. Cái chết đang nhích lại gần. Hai chiến sĩ bảo vệ dìu bị án ra xe ô tô để tới trường bắn. Điệp rít nốt điếu thuốc rồi đứng dậy. Ngay lập tức, Điệp khuỵu xuống, hai chiến sĩ bảo vệ liền xốc nách hai bên đưa ra xe.
Những chiếc xe lao nhanh ra trường bắn. Trương Ngọc Điệp bị cột chặt vào cọc tre bằng những sợi dây thừng chắc chắn, hai mắt bịt băng đen. Rồi đội xạ thủ gồm 6 người dàn hàng ngang phía trước, cách tử tù vài mét. Sau tiếng hô đanh gọn của người đội trưởng, những phát đạn vang lên, dội vào sớm mai.
Sau khi cán bộ kỹ thuật hình sự khám nghiệm, xác định tử tù đã chết hoàn toàn, người ta cho xác vào quan tài rồi lê trên cỏ để tới cái huyệt đã đào sẵn từ chiều tối hôm trước. Những bó hương được đốt lên, loang trong không gian. Những tấm vải liệm màu trắng bị gió thốc vào, bay phần phật trên mặt đất. Những giọt mưa lúc này cũng nặng hơn, dày hơn.
Tôi nhìn đồng hồ, 5h55’. Một ngày mới sắp bắt đầu.
Những người thi hành nhiệm vụ đặc biệt ấy đã lên xe ôtô trở về Trại tạm giam. Những chiếc xẻng hất đất nhanh xuống huyệt và chỉ hai mươi phút sau, công việc cũng hoàn tất. Lại những bó hương đốt lên, như để xua đi cái cảm giác lạnh lẽo, thê lương. Tôi đứng trong chiếc lều bạt dựng tạm ở gần đó, nơi những thành viên Hội đồng thi hành án vừa làm việc, nghe rõ tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái và cảm giác rõ hơn về cái lạnh đang ngấm vào da thịt.
Đến hôm nay, hình ảnh về những đêm như thế với tôi vẫn như một sự ám ảnh đau buồn. Kể từ ngày đó, tôi không có ý định trở lại pháp trường thêm lần nào nữa, một phần vì đã chứng kiến nhiều tử tù ra đi như thế, với những thủ tục lặp đi lặp lại, một phần vì từ nay, việc thi hành án tử hình được thay thế bằng tiêm thuốc độc. Rõ ràng, sự nhân đạo được đặt lên trên, bởi tử tù đã được nhận đặc ân cuối cùng trước khi trả món nợ đời mình. Đó là đón nhận cái chết sạch sẽ và không đau đớn. Những xạ thủ cũng không bị áp lực sau mỗi lần hành quyết. Và những viên đạn bắn tử tù cũng sẽ được dùng vào những việc khác hữu ích hơn.