Ép cung Nguyễn Thanh Chấn: 'Không thể là cái kim mà giấu được'

Nếu như Viện KSND làm hết trách nhiệm của mình thì đã không thể nào dẫn tới việc ép cung đến như vậy. Không thể là cái kim mà giấu được.

>> Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM

Dư luận đang sôi sục về vụ án sai của ông Nguyễn Thanh Chấn. Trong nghị trường không khí cũng nóng với phát biểu thẳng thắn của ông Nguyễn Mạnh Cường (đại biểu QH tỉnh Quảng Bình).

Tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 7/11, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về vấn đề phòng chống tội phạm, tham nhũng, công tác của Tòa án, Viện Kiểm sát… Vụ án “giết người” oan sai hơn 10 năm trời cũng lác đác có những ý kiến nhắc đến nhưng rất “nhẹ nhàng”. Các trả lời của tư lệnh ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án cũng không chi tiết.

Toàn văn phát biểu tâm huyết nhất về vụ án oan 10 năm 1

Nỗi đau của người bị oan không ngôn ngữ nào tả hết.

Sau đây là nội dung bài phát biểu tâm huyết, thẳng thắn và đáng chú ý nhất của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) về vụ án này trên báo Gia Đình & Xã Hội:

“Đây không phải vụ án oan duy nhất, trước đó có những vụ người bị oan bị kết án đến mức chung thân hoặc tử hình. Dẫu biết rằng án oan sai không phải hiện tượng cá biệt chỉ có ở Việt Nam, mà cả ở những nước phát triển có nền tư pháp mạnh. Tuy nhiên, phải thấy rằng hậu quả của nó gây ra là vô cùng nghiêm trọng, không chỉ gây mất mát về thể chất, tinh thần, sự nghiệp, gia đình không thể bù đắp được…, đặc biệt là làm mất đi lòng tin của người dân vào các cơ quan tư pháp, làm đổ vỡ mọi thành tích, cố gắng mà các cơ quan tư pháp đạt được.

Tôi đánh giá rất cao sự thẳng thắn, khẩn trương, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo đứng đầu các cơ quan tư pháp khi giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, qua vụ việc này, dù cá biệt, nhưng Quốc hội và các cơ quan tư pháp rất cần một sự nhìn nhận, nghiêm túc, khách quan để hệ thống tư pháp, hoạt động tư pháp sớm có điều chỉnh, thay đổi cần thiết và rút ra những bài học kinh nghiệm.

Tôi đồng ý với đánh giá của Bộ trưởng Trần Đại Quang khi trả lời báo chí là pháp luật hình sự của Nhà nước ta rất đầy đủ, chặt chẽ, nếu để xảy ra oan sai thì đó là điều rất đáng tiếc, phải điều tra làm rõ nguyên nhân oan sai, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân của cơ quan thi hành tố tụng đã điều tra, xét xử oan. Tôi cho rằng pháp luật hình sự của chúng ta còn có thể có những khiếm khuyết, vấn đề ở đây là nhận thức, tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy trình tố tụng… Tôi hoàn toàn không có ý định lấy một vụ án cụ thể để đánh giá về các cơ quan tư pháp, vì như vậy là không hợp lý.

Nhưng tôi lại nhận thấy, những hạn chế trong vụ án này có nhiều nét chung so với các hạn chế đang xảy ra, vẫn tồn tại trong hệ thống tư pháp.

Thứ nhất là liên quan đến hoạt động tố tụng, cần quan tâm đến nhận thức của những người thi hành, những người nắm giữ, định đoạt sinh mệnh của người khác, phải quán triệt các nguyên tắc, quy định tố tụng hình sự…

Phải làm rõ cả những chứng cứ xác định có tội và vô tội. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta thường chỉ quan tâm đến chứng cứ có tội, chứ chứng cứ vô tội rất ít được quan tâm, như vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Tôi cũng đánh giá cao Viện trưởng Viện KSND Tối cao, nhưng tôi không cho rằng đây là hành động dũng cảm. Nếu nói như thế thì khó thuyết phục người dân, đây phải là trách nhiệm, nghĩa vụ. Oan sai rõ ràng như vậy thì phải kháng nghị.

Tôi nhận thấy ở vụ án này, nếu đúng như dư luận thì có ép cung, chúng ta phải làm rõ.

Nếu như Viện KSND làm hết trách nhiệm của mình thì đã không thể nào dẫn tới việc ép cung đến như vậy. Không thể là cái kim mà giấu được.

Vấn đề quan trọng nữa là vai trò của luật sư. Đã có quy định luật sư tham gia tố tụng từ khi tạm giữ đến xét xử nhưng thực tiễn việc tạo điều kiện thực sự cho luật sư tham gia trong hoạt động tố tụng vẫn còn hạn chế. Việc đó cũng ảnh hưởng đến oan sai.

Rồi tòa án có thực sự căn cứ vào các nội dung tranh tụng tại tòa để đưa ra các phán quyết của mình hay không. Tôi tin rằng, tất cả những vấn đề này, nếu làm tốt đã không xảy ra những vụ việc oan sai đáng tiếc.

Trong vụ việc này, ông Chấn may mắn còn được tạo điều kiện đưa các đơn khiếu nại, kêu oan.

Rồi có vấn đề trình độ, đạo đức của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán vì nắm giữ, định đoạt sinh mạng người khác.

Qua vụ việc này, việc chúng ta cần làm là không chỉ giải quyết một vụ việc cụ thể"...

Trong khi đó, Viện trưởng Viện KSND  đã bày tỏ lời cảm ơn trước sự quan tâm của dư luận và các đại biểu. Trước ý kiến cho rằng Viện KSND Tối cao phải kháng nghị giám đốc thẩm chứ không phải tái thẩm, ông Nguyễn Hòa Bình nói: “Việc tái thẩm hay giám đốc thẩm thì kết quả cuối cùng cũng như nhau, chỉ khác về điều kiện. Sở dĩ Viện KSND Tối cao kháng nghị tái thẩm là vì xuất hiện tình tiết mới. Đó là đơn tố giác của bà vợ ông Nguyễn Thanh Chấn, sau đó cơ quan điều tra đã vận động hung thủ Chung ra đầu thú. Đây là tình tiết mới. Kháng nghị tái thẩm hay giám đốc thẩm thì đều sẽ phải xử lý dứt điểm vụ việc này”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì đánh giá: “Tôi tin rằng với việc làm trên thì nhân dân càng thêm tin yêu và quý các đồng chí nhiều hơn. Bởi vì chúng ta làm sai, dám dũng cảm nhận sai, bởi việc sai này còn liên quan đến nhiều người về trách nhiệm rất lớn nếu chúng ta xác minh sau này, nhưng tất cả các ngành các đồng chí đồng tình là phải minh oan cho họ, dù 100 năm chúng ta sai vẫn phải sửa thì phải lấy lại lòng tin cho nhân dân”.

Bộ trưởng Công an không nhắc đến vụ án này khi trả lời trước Quốc hội. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình thì chỉ cho biết, Tòa án Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cáo vì có cơ sở.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại