Điều tra viên chiếm giữ 700 triệu đồng không bị khởi tố?

Một điều tra viên Công an huyện Nam Đàn, Nghệ An đã chiếm giữ 700 triệu đồng của gia đình phạm nhân.

Đại úy Nguyễn Đức Kiên- Điều tra viên (ĐTV) Công an  huyện Nam Đàn, Nghệ An đã chiếm giữ 700 triệu đồng của gia đình  phạm nhân Nguyễn Thị Yến rồi chi  trả cho một số cá nhân nằm ngoài vụ án nhưng cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an (CA) tỉnh Nghệ An lại Quyết định không khởi tố vụ án này.

Khiếu nại Quyết định này, vợ chồng chị Yến đang chờ sự vào cuộc lần hai của VKSNDTC.

Lấy tiền bị can, trả cho người thân

Vụ việc xảy ra vào tháng 4/2011 khi ĐTV Kiên được phân công điều tra vụ án “chứa mại dâm”; “hiếp dâm”; “bắt giữ người trái pháp luật”… mà Nguyễn Thị Yến là một trong những bị can của vụ án.

Theo tố cáo của bị can Yến thì khi đó ĐTV Kiên là người trực tiếp điều tra vụ án nên đã dùng  nhiều biện pháp như: cắt tiếp tế, bỏ đói, bỏ rét, dọa nạt… chị Yến để buộc phải đồng ý để ĐTV này tạm giữ số tiền vừa bán nhà xong rồi thực hiện ủy quyền để “phân phát” cho một số người.

Kết quả, chị Thơm - người mua nhà của chị Yến - đã phải mang 700 triệu đến nộp cho CA huyện Nam Đàn. 17h ngày 7/4/2011, ĐTV Kiên lập “biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu” (700 triệu) của bị can Yến.

Số tiền trên là tài sản hợp pháp của vợ chồng chị Yến, không liên quan gì đến vụ án do ĐTV Kiên đang điều tra nhưng ĐTV này vẫn đứng ra “tiếp nhận” và giao cho thủ quỹ của cơ quan (chính là vợ ĐTV Kiên) “tạm giữ”.

Cầm được tiền, ĐTV Kiên liền chi gần hết số tiền trên cho hàng loạt người, trong đó có khoản chi cho gia đình anh Nguyễn Anh Tuân (họ hàng bên vợ ĐTV Kiên) 300 triệu đồng mặc dù gia đình bị can Yến không nợ nần gì anh Tuân.

Hành vi trên của ĐTV Kiên không chỉ sai về quy trình, nghiệp vụ công tác mà còn có biểu hiện của việc lạm quyền, mang mục đích vụ lợi cho người thân, gây thiệt hại lớn cho bị can và gia đình bị can khiến Cục Điều tra - VKSNDTC phải vào cuộc.

Sau khi tiến hành xác minh và kết luận một số vấn đề, cơ quan này đã chuyển hồ sơ để CA tỉnh Nghệ An “tiếp tục xem xét, xử lý”. Nhưng vào tháng 7/2013 thì Cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An có quyết định không khởi tố vụ án với lý do “không đủ dấu hiệu cấu thành tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Gần 5 tháng sau kể từ ngày ký, Cơ quan CSĐT CA mới giao quyết định này cho chị Yến.

Có dấu hiệu bao che?

Không tỏ ra bất ngờ trước Quyết định “không khởi tố” trên đây, ông Nguyễn Văn Đông - chồng chị Yến - cho hay: Trong quá trình gửi đơn tố cáo, tôi đã nhận thấy dấu hiệu bao che cho ĐTV Kiên.

Được biết, vợ chồng ông Đông đã khiếu nại Quyết định không khởi tố trên đến VKSND tỉnh Nghệ An và VKSNDTC, đề nghị VKSNDTC tiếp tục xác minh, điều tra vụ việc sai phạm rất “nhạy cảm” liên quan đến nhiều cán bộ công an này.

Còn cách đây gần 1 năm, khi vào cuộc để xác minh đơn tố cáo của vợ chồng ông Đông, các ĐTV của Cục Điều tra VKSNDTC đã làm việc trực tiếp với phạm nhân Yến tại trại giam và lấy lời khai của nhiều nhân chứng khác. Sau đó, cơ quan này đã có kết luận khá chi tiết về một số sai phạm của ĐTV Kiên. Ra Quyết định không khởi tố, không biết Cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An có tham khảo và căn cứ vào kết luận này?

Theo thông tin chúng tôi có được thì tại Kết luận này, Cục Điều tra VKSNDTC đã khẳng định rõ việc Đại úy Nguyễn Đức Kiên không được CA huyện Nam Đàn giao xác minh đơn thư liên quan đến nợ nần của bị can Yến.

Cơ quan này cũng xác định việc bị can Yến bị đòi nợ là có thật nhưng đây chỉ là tranh chấp dân sự, không đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự. Lẽ ra phải hướng dẫn công dân gửi đơn đến Tòa án giải quyết dân sự thì một số cán bộ CA huyện Nam Đàn lại đứng ra giải quyết, dùng tiền thu của gia đình bị can để trả cho một số người là không đúng thẩm quyền; việc ông Nguyễn Văn Trường (chú vợ ĐTV Kiên) đưa cho Yến 239 triệu để làm thủ tục xuất khẩu lao động là 1 vụ việc khác (Bản án có hiệu lực xác định 2 gia đình đều là bị hại trong một vụ án lừa đảo - PV) nhưng CA huyện Nam Đàn lại tác động để Yến trả ông Trường 300 triệu là không đúng quy định.

Không có quy định nào cho phép ĐTV Nguyễn Đức Kiên thu giữ tiền ngoài vụ án; trích xuất bị can Yến ra khỏi buồng giam, gặp gỡ một số người để bán nhà, giải quyết chuyện tiền nong…, rồi phải trả 300 triệu cho người mà mình không nợ tiền.

Việc “thu nợ” này rõ ràng đã vượt quá quyền hạn của một ĐTV, gây thiệt hại cho gia đình bị can gần 700 triệu đồng. Trong khi đó, người nhà ĐTV lại được “biếu không” 300 triệu. Không hiểu Cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An cho rằng “không cấu thành tội phạm” với lý do cụ thể như thế nào?

Một số luật sư cho rằng, nếu có yếu tố “tư lợi” thì vụ việc không chỉ có dấu hiệu của tội “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” mà còn là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Thiết nghĩ, đây là một khía cạnh mà VKSNDTC cần xem xét khi giải quyết khiếu nại trong thời gian tới đây.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại