Nhiều người dân đã làm đơn tố cáo ông Phong đánh đập, hành hạ công nhân, chém người gây thương tích.
Người dân bức xúc trong cuộc họp
Ông Trần Tấn Phong, chủ xưởng gỗ Tấn Phong (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) đã đối xử với công nhân trong xưởng rất hà khắc. Chế độ ăn uống kham khổ, làm việc nặng nhọc, bị nhốt trong những khung sắt hàn kín...
Những hành vi của ông Phong được người dân báo lên chính quyền xã nhiều lần nhưng không thấy xử lý. Chỉ đến khi có một công nhân tử vong trong quá trình chạy trốn thì sự việc mới được cơ quan chức năng lưu tâm. Trước khi ông Phong bị bắt vài ngày tại xã Thanh An bất ngờ xuất hiện rất nhiều tờ rơi với nội dung duy nhất là bênh vực ông Phong, lên án một số báo đã đưa tin sai lệch, người dân cung cấp thông tin sai vì tư thù cá nhân.
Đặc biệt, trong tờ rơi này có những lời lẽ miệt thị những người dân đã tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của chủ xưởng gỗ Tấn Phong khiến dư luận địa phương rất bức xúc. Người dân yêu cầu một cuộc họp do ban lãnh đạo xã chủ trì trả lời những thắc mắc của người dân.
Chiều 6/7, hơn một trăm người dân đã có mặt tại nhà văn hóa ấp Cà Tong trong tâm trạng bức xúc. Đại diện UBND xã Thanh An là Trưởng công an xã Trần Đại Lượng. Những câu hỏi của người dân xoay quanh câu chuyện ông Phong đánh đập công nhân, nhốt công nhân. Những công nhân bỏ trốn khỏi xưởng gỗ bị gia đình ông Phong cầm gậy gộc mã tấu... truy lùng gây mất trật tự tại địa phương.
Sự việc xảy ra trong thời gian dài, người dân nhiều lần tố cáo nhưng tại sao không thấy chính quyền xã có biện pháp ngăn chặn. Trả lời những thắc mắc của người dân ông Trần Đại Lượng không đi thẳng vào vấn đề mà vòng vo, ông cho rằng mình không hề hay biết sự việc lại nghiêm trọng như người dân đã nhiều lần trình báo. Khi nhận được một số thông tin của người dân chính quyền xã đã xử lý thích đáng.
Tiếp xúc với PV, một người dân trong cuộc họp bức xúc cho biết: "Trước ngày ông Phong bị cơ quan điều tra bắt giữ tại xã Thanh Phong xuất hiện một tờ rơi có nội dung hoàn toàn sai sự thật. Tờ rơi này lên tiếng bênh vực kẻ ngược đãi công nhân, nhiều lần đe dọa người dân, lời lẽ trong tờ rơi có ý chửi người dân chúng tôi là nói điều ngang ngược, ngậm máu phun người vu khống người tốt.
Điều đáng nói là trong cuộc họp hội đồng nhân dân xã một vị lãnh đạo của xã Thanh An đã phát tờ rơi này cho 25 đại biểu có mặt trong hội trường đọc. Không rõ họ hành động như vậy là có ý gì, chẳng lẽ họ muốn bênh vực cho ông Phong. Bây giờ ông Phong bị bắt rồi, trước sau gì mọi chuyện cũng sẽ sáng tỏ".
Trao đổi với PV, một vị đại biểu dự cuộc họp HĐND xã xác nhận trước đó, lúc họp có nhận được tờ rơi do một vị lãnh đạo của xã phát để "tham khảo". Cuộc họp dân chiều ngày 6/7 diễn ra căng thẳng, trước nhiều câu hỏi bức xúc của người dân xã Thanh An. Tuy nhiên nhiều câu trả lời của đại diện chính quyền xã khiến người người có mặt trong cuộc họp dân không hài lòng. Những người dự họp cho rằng, đại diện chính quyền xã đang né tránh trách nhiệm khi để sự việc chủ xưởng gỗ Thanh Phong ngược đãi công nhân trong một thời gian dài.
Chủ xưởng gỗ quản lý công nhân theo kiểu... "ông trùm"
Chính vì không chịu nổi cách quản lý lao động như "thời trung cổ" của ông Phong rất nhiều công nhân đã bỏ trốn khỏi "địa ngục". Theo chị N.T.T. (34 tuổi, ở gần xưởng gỗ Thanh Phong), những đêm nghe tiếng chân người chạy hấp tấp, tiếng chó sủa kèm theo tiếng la hét thì biết có người liều mình trốn khỏi xưởng bị ông Phong dẫn người truy tìm. Ngoài những khu đất trống, ông Phong còn hay vào làm phiền người dân xung quanh.
Chị T. cho biết: "Nhiều lúc mình đi ra xem thì thấy ông Phong cùng rất nhiều người tay cầm mã tấu, gậy gộc, mấy con chó săn lục sục tìm kiếm. Bản thân tôi tuy cũng sợ ông ta nhưng càng tội nghiệp những công nhân bỏ trốn hơn. Tôi từng giúp vài công nhân bỏ trốn nên bị ông Phong gọi điện đe dọa".
Chị T. cho biết thêm nếu công nhân nào trốn thoát được thì không sao, người nào bị ông Phong bắt được thì sẽ bị đánh đập, hành hung rất dã man. Sau một lần cứu được một công nhân thoát khỏi xưởng gỗ, chị phát hiện không biết ai đã đặt bàn chông trước nhà chị khiến chị lo lắng một thời gian dài.
Theo một người từng làm việc trong xưởng gỗ Thanh Phong cho biết khi có người bỏ trốn ông Phong sẽ huy động người đi tìm. Trong đó có vài công nhân được trang bị gậy ra ngoài tìm kiếm, nếu không tìm thấy người bỏ trốn thì bản thân công nhân tìm kiếm sẽ bị trừ lương. Thêm vào đó, khi làm hỏng đồ dùng trong xưởng người lao động bị chủ bắt đền, phạt nặng. Một tấm tôn giá vài trăm nghìn đồng (chưa hư hẳn) ông Phong bắt đền 4 triệu đồng rồi trừ vào lương, người làm hỏng không "yên tâm" làm việc trừ nợ sau đó đã bỏ trốn.
Ngoài việc đối xử "tàn độc" với người lao động trong xưởng gỗ của mình, tại địa phương ông Phong cũng nổi tiếng là người có "máu mặt". Không những đe dọa những người giúp đỡ công nhân trốn thoát, ông Phong còn có lần đánh cả người dân "không liên quan".
Vài năm trước, khi ông Phong và người của mình cầm mã tấu xông vào một quán cà phê chém người. Mặc dù có hai người không liên quan tới vụ việc vẫn bị người của ông Phong chém nhầm. Anh T.V.Đ. (33 tuổi, ngụ ấp Cà Tong) cho biết: "Chính tôi là nạn nhân trong vụ việc đó, sau khi bị người của ông Phong chém vào đầu, xã có mời hai bên lên giải hòa và bồi thường cho tôi 3 triệu đồng. Tuy nhiên bạn ngồi cùng bàn của tôi tên K. cũng bị đám người này đánh gẫy sống mũi, nhưng không được xin lỗi hay bồi thường".
Việc cơ quan CSĐT công an huyện Dầu Tiếng đã bắt giữ ông Trần Thanh Phong để điều tra về hành vi giữ người trái pháp luật, nhiều người dân tại xã Thanh Phong tỏ ra vui mừng. Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn cơ quan điều tra làm rõ nhiều vấn đề về phía chính quyền cơ sở. Chia sẻ với PV, một số người dân địa phương cho rằng phía chính quyền xã ít nhiều đã thiếu quyết liệt trong vụ việc này... khiến cho các công nhân trong xưởng phải chịu cực khổ, người dân địa phương hoang mang trong thời gian dài.
“Bí ẩn” về những tờ rơi
Khi PV nói về việc người của xã đã dẫn một PV của một tờ báo phía Nam vào trong xưởng gỗ Thanh Phong quan sát hiện trường, viết bài bênh vực cho ông Phong khiến dư luận địa phương bức xúc, ông Trần Đại Lượng, Trưởng công an xã Thanh An cho biết, hôm đó ông đi họp nên không được biết và cũng chưa được ai báo cáo về việc này.
Theo tìm hiểu của PV, tờ rơi bênh vực ông Phong có nội dung tương tự như một bài báo một phóng viên viết bênh vực ông Phong. Tuy nhiên câu cú, văn phong cũng như cách trình bày của tờ đơn này dài dòng hơn, giọng điệu "giang hồ" hơn nhiều.