Sáng nay, 21/11, tại Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TAND tối cao) Trương Hòa Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn. Một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm là vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ở Việt Yên, Bắc Giang).
Ông Nguyễn Thanh Chấn (Ảnh: Tuấn Nam)
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) về vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho hay: "Sau khi xét xử, gia đình ông Chấn đã có đơn kêu oan. Gần đây, có xuất hiện việc, ngày 4/11, Viện trưởng VKSND tối cao đã có quyết định kháng nghị tái thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm đối với ông Chấn. TAND tối cao đã xét xử tái thẩm và Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị, hủy án điều tra lại vụ án. Hiện các thủ tục tố tụng đang được tiến hành để Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện việc điều tra lại và vụ án đã được chuyển sang Cơ quan điều tra".
Ông Trương Hòa Bình chia sẻ: "Trong những năm gần đây, các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý giải quyết trên 100.000 vụ án hình sự, việc đấu tranh vạch trần tội phạm hết sức khó khăn vất vả. Tuy nhiên trên thực tế do nguyên nhân khác nhau để xảy ra oan sai. Gần đây có dư luận rằng vụ oán ông Chấn là sai có ép cung, nhục hình. Trên thực tế, ngay cả ở các nước tiên tiến cũng không tránh khỏi oan sai và Việt Nam không tránh khỏi thực tế đó. Việc để oan sai ơ rmức án cao nhất là không chấ nhận được. Còn việc ông Chấn có oan sai hay không thì phải tiến hành xác định theo quy định của pháp luật. Còn dư luận chỉ là dư luận nhưng những người có trách nhiệm phải xem xét kịp thời.
Về vấn đề có ép cung nhục hình, nếu có thì không thể chấp nhận được và nếu có thì cũng phải được chứng minh. Vấn đề hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công an đã cho tiến hành kiểm điểm lại vụ việc này. Nếu có ép cung nhục hình thì những người trực tiếp tham gia và giám sát quá trình điều tra phải chịu trách nhiệm.
Việc HĐXX có phát hiện ra ép cung hay không rất khó. Dù không phát hiện ra ép cung nhưng việc xét xử để xảy ra oan sai thì cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu cán bộ nào vi phạm đều phải được xử lý theo mức độ vi phạm. Nếu thực sự có oan sai thì tùy theo từng giai đoạn, thuộc trách nhiệm của cơ quan nào thì người đứng đầu phải có trách nhiệm".
Trong câu hỏi của mình, để tránh việc ép cung trong điều tra, đại biểu Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên) đã "đề xuất" nên lắp camera tất cả các buổi hỏi cung. Vị đại biểu này cũng đề nghị đối với Bộ Công an: "Đề nghị không để Công an tỉnh Bắc Giang điều tra lại vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn nữa mà để cơ quan điều tra của Bộ Công an điều tra. Thứ hai là đề nghị không suy luận theo hướng bất lợi cho bị can rằng nếu Lý Nguyễn Chung không phải là hung thủ thì ông Chấn là hung thủ. Thứ ba là khẩn trương điều tra thông tin về việc ép cung. Thứ tư là đề nghị chỉ đạo rà soát tất cả những vụ kêu oan đối với những bị án bị tử hình".
Trước đó, ngày 4/11, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 01/QĐKNTT-VKSTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn; cùng ngày, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể đã ký Quyết định số 04/QĐTĐC-THA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình
Đến ngày 5/11, Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định pháp luật, “khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan”.
Ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng: “Nếu Tòa án kết luận phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan, thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường Nhà nước cho người bị kết tội oan; điều tra, xử lý nghiêm người phạm tội; đồng thời, phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn theo quy định của pháp luật”.
Chiều 6/11, tại TAND tối cao, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao gồm 15 thẩm phán đã xét xử tái thẩm vụ án mạng gây chấn động dư luận tại Bắc Giang hồi năm 2003 liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn.
Theo đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị từ Viện KSND tối cao và đã quyết định: Huỷ bản án phúc thẩm, sơ thẩm để điều tra lại từ đầu.
Liên quan đến vụ án trở về sau 10 năm tù này, cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Lý Nguyễn Chung (SN 1988, ở xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) về tội Giết người và tội Cướp tài sản. Đồng thời, cơ quan này cũng ra quyết định bắt khẩn cấp đối với Lý Văn Chúc (là bố đẻ của Lý Nguyễn Chung) để điều tra tội "Đe dọa giết người".