Trong vụ thảm sát ở Bình Phước, bà Vũ Thị Thi - mẹ của bị cáo Vũ Văn Tiến - cũng là một người gánh chịu nhiều nỗi đau.
Ngày 24 tháng Chạp, tôi lục lại danh bạ điện thoại để gọi hỏi thăm những người mà mình quý mến. Nhưng rồi, người mà tôi quyết định gọi đầu tiên là bà Vũ Thị Thi (56 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM).
Trước khi bấm phím gọi, tôi đắn đo, suy nghĩ phải hỏi như thế nào để không khiến bà bật khóc như những lần trước.
Nhưng dù cố gắng cách nào, khi nghe tôi nhắc đến Tiến, bà Thi vẫn bật khóc nức nở: “Giờ gia đình tôi như chết theo thằng Tiến.
Đêm nào ông ấy (cha của Tiến - PV) cũng buồn bã, đập đầu vào vách tường trách bản thân”...
Kết thúc cuộc nói chuyện, trong đầu tôi tưởng tượng ra khung cảnh căn nhà trọ lạnh lẽo, chiếc tivi đã hỏng màu và 2 người đang quạnh hiu trước những ngày Tết.
Tôi quyết định phóng xe lên dãy nhà trọ mà ở đó, người mẹ của Tiến đang chịu áp lực dư luận, sự đau đớn từ số phận...
Đúng như tôi dự đoán, bà Thi ngồi một góc, chồng ngồi góc khác. Không khí trong nhà khá nặng nề. Phía bếp, mấy cọng ngò héo khô, bịch bún lạnh ngắt dường như đã ôi thiu.
Vừa thấy tôi, bà Thi hỏi một cách vội vã: “Chú biết cách nào để giúp con tôi không bị tử hình?”.
Hình ảnh ấy khiến tôi ám ảnh, Tết này có một người mẹ vẫn bấu víu hy vọng giúp con thoát án tử, dù hy vọng đó khá mỏng manh.
Tôi không dám lắc đầu để rồi dập tắt ngọn lửa hy vọng của bà. Tôi hứa trong tối cùng ngày sẽ kết nối với một số luật sư để tham vấn.
Còn nhớ, đêm trước khi xét xử vụ án, tôi có gọi cho mẹ Tiến. Bà nhất quyết phải đến dự phiên tòa, đến để được nhìn con dẫu biết rằng áp lực dư luận rất khủng khiếp.
Tình thương con cái vượt qua mọi sự sợ hãi. Từ khi phát hiện Tiến liên quan đến vụ thảm sát Bình Phước, không đêm nào bà Thi ngủ yên giấc.
Theo số liệu công bố của Viện Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm - Học viện CSND, Bộ Công an, gần 70% vụ án hình sự (trên 10.000 vụ) có đối tượng tội phạm là thanh, thiếu niên.
Tôi trích lượt số liệu này để thấy rằng Tiến và Nguyễn Hải Dương (kẻ chủ mưu gây ra vụ thảm sát Bình Phước) chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Điều này cho thấy tội phạm ngày càng trẻ hóa.
Tôi cũng trạc tuổi Tiến và Dương nên phần nào hiểu được sự hận thù, yêu đương của Dương, cũng như suy nghĩ nông cạn của Tiến khi xem đồng tiền lớn hơn cả tính mạng con người.
Tôi chợt nhớ một người bạn tháng trước chia tay người yêu. Cô nàng không ít lần đòi tự sát, thậm chí còn có suy nghĩ muốn trả thù người yêu cũ.
May mắn thay, người bạn ấy đã được kéo ra khỏi sự hận thù, dành thời gian làm những công việc ý nghĩa để quên mối tình cũ.
Tôi không biết thế hệ trước chúng tôi, người ta yêu nhau như thế nào nhưng tôi liên tưởng đến bài thơ của Đỗ Trung Quân:
“Mối tình đầu của tôi có gì?/ Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp/ Là áo người trắng cả giấc ngủ mê/ Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp/ Giữa giờ chơi mang đến lại.... mang về”.
Đó là cách yêu mà thời nay hiếm thấy.
Rất nhiều người bạn của tôi yêu nhau dăm ba ngày đã sống thử rồi chia tay một cách vô tội vạ.
Không ít bạn sinh viên vừa mới lên TP HCM để học đại học đã sa chân vào vòng lao lý vì yêu, vì túng thiếu nên làm liều, bỏ mất cơ hội tương lai.
Một năm qua, theo dõi vụ thảm sát Bình Phước để đưa tin, tôi nhận ra không ít bậc phụ huynh lo lắng cho tương lai con mình.
Họ sợ một ngày nọ con mình bỗng dưng thành kẻ phạm tội. Họ sợ phải rơi vào hoàn cảnh của bà Thi, đêm đêm giật mình, cặp mắt thâm quầng thương con…
Tôi bất chợt nghĩ: Từ câu chuyện Bình Phước, có nên xây dựng những lớp học cách yêu, cách chia tay?
Những bậc phụ huynh cũng nên dành chút thời gian trong ngày để quan tâm, chăm sóc con cái. Nhịp sống khiến con người ngày càng sống nhanh, hãy dừng đôi chút để yêu thương nhau...