Kỳ 1: Chuyện chưa kể về đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông
Kỳ 2: Lai lịch tướng cướp Trần Văn Rốp
Cuộc đụng độ trên bến đò Phú Hữu
Lại nói về bà Tám Lũy, dẫu lần “ăn hàng” nào cũng trót lọt nhưng nghề trộm vặt chẳng kiếm đủ tiền cho mỗi lần sát phạt, nữ quái nghĩ ngay tới việc thay đổi phương thức làm ăn.
Vào những năm 1979– 1980, Tám Lũy một mặt móc nối với một số đối tượng đầu trộm đuôi cướp trong dòng tộc tổ chức đưa người vượt biên nhằm cướp vàng bạc, mặt khác rong ruổi trên các con sông tìm tàu thuyền đưa người vượt biên dùng súng khống chế cướp tài sản.
Với chiêu thức này, Tám Lũy không chỉ “sống khỏe” mà còn thả sức sát phạt thâu đêm suốt sáng.
Khi Việc kiểm soát tình trạng vượt biên ngày càng được siết chặt. Đứng trước nguy cơ “chết đói”, Tám Lũy tính đến phương án làm ăn lâu dài, kiểu “ăn chắc mặc bền” đó là cướp tài sản của những người dân quanh vùng.
Dẫu có chút nguy hiểm vì dễ bị nhận dạng nhưng nếu tuyển được tay chân trung thành thì có biết mười mươi nhưng không bắt được quả tang cũng khó định tội. Bà ta đã nghĩ tới việc đưa những đứa con mình đi cướp.
Tám Lũy có 13 người con thì tất cả đều ít nhiều vướng vào cảnh tù tội, hung tàn nhất là Tùng “sát thủ”.
Không được học hành, tuổi thơ của Tùng và các anh chị em là những ngày mắt tròn mắt dẹt nhìn những con xúc xắc đủ màu trên tay mẹ, nghe đủ tiếng chửi thề, thấy đủ các mánh khóe, và hàng trăm trò lừa gạt.
Tất cả những thói hư tật xấu đều được lưu giữ trong trí nhớ non nớt trẻ thơ mà sau này chúng dùng làm “kim chỉ nam” cho cuộc sống. Dù còn nhỏ nhưng Tùng đã hăm hở thu gom súng đạn về “căn cứ địa” ở cầu Cháy cất giấu.
Khi việc thu lợi từ những người vượt biên giảm sút, Tám Lũy tập hợp các con lại thành một băng cướp gia đình tính chuyện làm ăn lâu dài.
Vào mùa thu hoạch lúa, ban ngày băng cướp chia ra làm nhiều nhóm rong ruổi trên sông rình sơ hở của người dân bốc trộm lúa, ban đêm đột nhập vào các thuyền buôn, lẻn vào nhà dùng súng không chế cướp tài sản.
Khi các con đã thuần thục nghề, Tám Lũy nhường vị trí chủ soái cho Tùng. Tùng chứng tỏ mình là kẻ vô cùng máu lạnh, sẵn sàng nhả đạn khi bị chống trả. Với kiểu giết người không chút biến sắc, hắn được đàn em tôn vinh là Tùng “sát thủ”.
Không như mẹ chỉ tuyển dụng đàn em trong dòng tộc, Tùng “sát thủ” chiêu mộ thêm những tên tội phạm cộm cán bên ngoài như Út Xuân, Năm Chiến, Minh Đô… vào băng nhóm bổ sung sức mạnh cũng là để phô trương thanh thế.
Với cách lãnh đạo trên, chỉ hai năm (1981-1982) hoạt động, hắn đã cùng đàn em thực hiện hàng loạt vụ án trên sông rạch thuộc các xã Đại Phước, Phú Hữu, Phước Khánh (huyện Long Thành thời đó).
Sau một thời gian dài “làm mưa làm gió” cũng bị điểm mặt, bị lực lượng CA tỉnh trấn áp gắt gao. Thấy không thể làm ăn như trước, hắn gọi Sanh (em ruột Tùng) bàn tính chuyển lên bờ làm ăn.
Đầu 1982, Tùng cùng đồng bọn vào một tiệm may nổi tiếng giàu có nhất nhì Đại Phước. Qua thăm dò chúng biết được K, con trai ông chủ tiệm may sắp làm đám cưới, hẳn trong nhà sẽ tích trữ không ít vàng bạc.
Sau khi nghiên cứu địa hình, đúng vào đêm có đoàn hát ở TP về xã biểu diễn, người dân kéo đi nghe hát xóm làng vắng tanh. Tùng, Sanh cùng đồng bọn mới ra tay hành động.
Sanh ôm khẩu M16 đứng ngoài cảnh giới, cho Tùng vào tiệm may gí khẩu AK vào đầu ông chủ tiệm ra lệnh: “Đưa hết tiền vàng ra đây, chậm tao bắn”. Nói dứt lời hắn chĩa súng vào K bóp cò.
Tiếng súng làm lực lượng dân quân bảo vệ đoàn hát gần đó giật mình. Trong chốc lát hàng chục dân quân, cảnh sát đến bao vây băng cướp.
Đứng cảnh giới bên ngoài, Sanh hét lên: “Anh Tư (Tùng) không xong rồi, chuồn thôi!”, cả bọn nhảy lên chiếc ghe chờ sẵn phía cửa sau tháo chạy...
Vụ cướp bất thành, lại suýt chết hụt, Tùng gọi Hoàng “phổi”, đứa em hắn tâm đắc nhất lại nói: “Cướp trên cạn hóa ra chẳng dễ ăn, bị phát hiện là toi đời như chơi.
Tư tính tụi mình nên cải thiện thủy lực cho tốt, làm ăn trên sông vẫn hơn”. Đêm hôm đó cặp đôi “sát thủ” này “chụm đầu” vạch kế hoạch cướp ghe, tàu.
Đêm Phú Hữu một ngày đầu tháng 8-1982, trời mưa lất phất khiến không gian càng thêm vắng lặng.
Trên bến đò anh Sài (CA xã) và anh Quân (du kích) vai mang súng vẫn chăm chú làm nhiệm vụ canh giữ hàng chục chiếc ghe, thuyền vượt biên trái phép bị thu hồi neo đậu gần bờ. Cách đó chừng 50m bốn bóng đen đang thầm thì lên kế hoạch gây án.
Khoảng 5 phút sau, hai thanh niên khoác áo mưa che hai khẩu tiểu liên đầy ắp đạn trong người từ từ tiến lại nơi hai người đang làm nhiệm vụ. Tùng “sát thủ” giả vờ hỏi: “Anh chỉ giúp đường ra bến đò Phước Khánh?”.
Người CA không chút nghi ngờ đưa tay chỉ đường. Chỉ trong tích tắc, Tùng rút ngay khẩu AK nhằm ngực anh bắn. Anh Sài hi sinh tại chỗ.
Ngay lúc đó hắn và Hoàng lao về phía người du kích đang đứng trên mũi ghe nổ súng, bị trúng đạn anh ngã sấp xuống sàn ghe bị thương nặng.
Loạt đạn đã đánh động lực lượng CA canh gác gần đó. Thấy bất lợi, chúng bỏ luôn việc cướp ghe, lẩn vào bóng đêm mất dạng.
Sự trả thù hèn hạ
Khi CA đang ráo riết điều tra truy tìm kẻ bắn súng kinh hoàng trên bến đò Phú Hữu thì Tùng “sát thủ” lại tiếp tục bắn chết một cán bộ thanh tra xã Đại Phước do nghi ngờ người này theo dõi, cản trở công việc làm ăn của hắn.
CA tỉnh Đồng Nai tăng cường lực lượng trinh sát hỗ trợ CA địa phương phá án. Sau nhiều tháng theo chân những tên cướp nhà Tám Lũy và thu thập chứng cớ, trinh sát xác định chúng là thủ phạm gây ra những vụ án trên.
Đêm 4-10-1982, hàng chục chiến sĩ trinh sát, CA, dân quân... ngâm mình dưới dòng nước lạnh giá, bí mật mai phục xung quanh khu Cầu Cháy, hang ổ của băng Tám Lũy.
Trời mờ sáng, có tiếng động cơ từ phía sông Cầu Cháy vọng về. Ba phút sau một mũi thuyền nhẹ nhàng len lõi qua những bụi dừa nước tấp vào bờ. Trên xuồng, Tùng và Hoàng nhìn lưới, cùng hàng chục kg tôm cá thu được mặt đầy hả hê.
Hoàng nhảy phóc lên bờ cột xuồng, Tùng đang lấy thế nhảy theo thì bị trinh sát từ bốn phía ập vào quật ngã. Chúng bị giải về CA huyện Long Thành điều tra nhưng chỉ 24h sau đã trốn thoát khỏi trại.
Trong suốt thời gian trốn nã, cặp đôi này tiếp tục gây ra hàng loạt vụ cướp, giết khác.
Thời còn sống với cha (ấp Thị Cầu) Tùng hay chơi với anh Phạm Văn Tiếp ở nhà đối diện, nhưng lớn lên mỗi người một chí hướng.
Trong khi anh Tiếp chịu khó rèn luyện, học hỏi trở thành chiến sĩ CA nhiệt huyết năng nổ thì Tùng lại ngập chìm trong bài bạc trộm cắp, trốn tránh đi nghĩa vụ quân sự. Bị chính người bạn gọi lên xử lý, truy bắt nhiều lần hắn đâm ra thù hận.
Khi các anh chị em lần lượt bị xử lý, bắt giam và biết anh Tiếp tham gia vụ bắt hắn, hắn càng quyết tâm trả thù anh Tiếp.
Ngày 28-2-1983, đang nằm ở nhà thì Hoàng “phổi” chạy vào cấp báo: “ Tiếp hết ca trực đang về nhà ăn cơm. Nghe nói chút nữa sẽ đi thị sát tình hình ở ấp Thị Cầu.
Mặt còn ngái ngủ, nhưng nghe nói đến Tiếp, Tùng “sát thủ” tỉnh hẳn: “Việc này để tao, mày quay lại sòng bài để khỏi bị nghi ngờ”.
Hắn chồm khỏi giường vớ ngay khẩu AK, rồi đi tắt đường ra trước cổng nhà thờ Đại Phước, nằm phục sẵn ở bờ ruộng cặp theo mé lộ chạy ngang nhà anh Tiếp. Trước khi đi hắn gọi Út Xuân, Minh Đô đi theo hỗ trợ.
Nhà anh Tiếp ở trên dốc cao nên mọi cử động vào đều nằm trong tầm quan sát của Tùng. Sau khi ăn cơm, anh Tiếp dắt xe đạp ra cổng đi về hướng ngã ba Đại Phước. Cách đó không xa, tên Tùng tay lăm lăm khẩu AK.
Khi khoảng cách giữa hắn và người CA chừng 5m, Tùng “sát thủ” nhảy ngay lên đường nhằm vào người anh nhả đạn. Cự li bắn quá gần, đột ngột 5 viên đạn xuyên thấu vào ngực, anh Tiếp hy sinh tại chỗ.
Tùng và các đàn em rút xuống ghe máy tẩu thoát theo sông Ông Kèo.
Tội ác của Tùng còn được nhân theo hàng loạt vụ cướp trong suốt 3 năm kế nghiệp mẹ. Nhưng kẻ gây ra tội ác cuối cùng cũng phải trả giá.
Kỳ 4: Cái giá phải trả cho tướng cướp và cuộc “ngưu tầm ngưu” của kẻ nối ngôi