Đại úy Võ Tấn Thành (bí danh Hai Thành, SN 1936, quê Bến Tre, sau này mang cấp hàm Trung tá và chuyển sang làm Chánh án TAND quận Tân Bình, TP.HCM) nguyên là Đội trưởng săn bắt cướp đầu tiên của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM.
Ngày 23/11, đồng chí Võ Tấn Thành đã qua đời tại nhà riêng ở P.8, Q.Tân Bình.
Trong cuộc đời vị đại úy Hai Thành, những chiến công gắn liền với các vụ án chấn động dư luận đã làm nên tên tuổi của một người đội trưởng săn bắt cướp.
Cuộc gặp mặt định mệnh với một "gái bán hoa" trong đêm mưa đã khiến vị đại úy triệt phá nhiều băng cướp táo tợn tại Sài Gòn lúc bấy giờ.
Vào một đêm mùa thu năm 1977, khi đang cải trang, đạp xe xích lô, huýt sáo, rong ruổi trinh sát trên đường Nguyễn Du, quận 1, đại úy Thành bắt gặp một cô gái vừa khóc vừa lao từ gốc cây ra mời đi...vui vẻ.
Dưới ánh đèn đường màu vàng, trời mưa lất phất, anh vẫn hỏi nguyên nhân vì sao cô gái khóc thì được biết cô vừa bị nhóm côn đồ cướp hết số tiền "bán hoa" từ chiều. Ngay sau đó, người con gái này lại tiếp tục gạ gẫm Đại úy Hai Thành vui vẻ ngay tại gốc cây để cô có tiền mua thuốc cho mẹ già.
Nhìn người con gái xinh đẹp với vẻ mặt bất cần đời, vị đại úy bảo cô lên xe để anh đưa về nhà nói chuyện. Nghe theo lời chỉ dẫn của cô gái bán hoa, anh Hai Thành đạp xe vòng qua nhiều con hẻm ngoằn ngoèo rồi dừng lại trước một căn lều lụp xụp, rách nát bên bờ kênh Nhiêu Lộc ở quận 3.
Ấn tượng đập vào mắt lúc ấy đối với người Đội trưởng săn bắt cướp là hình ảnh người đàn bà ngoài 60 tuổi nằm co ro, thỉnh thoảng lại ho sù sụ, một đứa trẻ khoảng 4 tuổi đang nằm ngủ ngon lành bên cạnh.
Trong ánh sáng nhập nhòe của cây nến đã cháy gần hết, vị đại úy trong vai một anh xích lô ngồi xuống chiếc chiếu nát bươm cố quan sát nhưng không thể nhìn thấy rõ mọi thứ.
Chẳng hề ngại ngùng, người con gái bán hoa đẩy đứa trẻ vào sát bà già rồi nằm xuống thoát y ngay trước mắt nhưng anh ngăn lại.
Đêm ấy trong căn lều xiêu vẹo, Đại úy Hai Thành đã nghe cô gái bán hoa giãi bày về cuộc đời và sự sa ngã vào con đường nhơ nhớp của mình.
Cô gái kể, tên là Trà My, 20 tuổi, đã từng đi kinh tế mới nhưng vì cuộc sống quá khổ và bệnh tật nên cùng mẹ già trở về thành phố sống lay lắt qua ngày.
Biết mình có chút nhan sắc nên Trà My đã đi phụ bán hàng ở một quán bar. Chính tại môi trường đầy phức tạp này, Trà My bị 1 thanh niên dụ dỗ mất đời con gái.
Cay đắng hơn là sau khi chiếm đoạt được Trà My, gã Sở Khanh này đã bí mật "sang tay" cô cho một gã đàn ông khác để rồi từ lúc nào cô trở thành trò mua vui cho 4 tên côn đồ mà sau mới biết đó là những tên cướp khét tiếng ở Sài Gòn.
Khốn nạn nhất là những tên cướp vờ săn đón cô, mua sắm cho cô vòng vàng, dây chuyền rồi tiếc của nên thuê người đóng giả người yêu đến quán bar đánh ghen, cướp lại sạch sẽ và cướp luôn những thứ mà cô dành dụm được.
Từ khi bị đánh ghen, bọn chúng đe dọa sẽ búng dao lam vào mặt nếu thấy Trà My ở bất cứ quán bar nào nên cô gái lo sợ đành ra đứng đường bán cái tự có để kiếm ít tiền lo cho mẹ già và con nhỏ.
Người con gái làm nghề "buôn phấn bán hương" cũng chia sẻ cho đến lúc gặp Đại úy Hai Thành, mặc dù mới vào nghề hơn 1 tuần nhưng cũng đã từng gặp phải côn đồ trấn lột sạch số tiền kiếm được sau khi đã "no xôi chán chè".
Thương hoàn cảnh của Trà My, đại úy Hai Thành cho cô hai chục đồng chi tiêu rồi rời khỏi túp lều của gia đình Trà My với bao tâm trạng nặng lòng.
Ít ai biết rằng từ cuộc gặp gỡ định mệnh đó mà sau này, trong vai “người tình”, Trà My đã giúp Đại úy Võ Tấn Thành triệt phá những băng cướp khét tiếng ở đất Sài Gòn 1 thời.
Xem thêm kỳ 2: Hằng "người nhện" đã bị bắt giữa đường phố Sài Gòn như thế nào?
Tổng hợp