Tuy nhiên, trong mỗi cuộc “trà dư tửu hậu”, chuyện đời, chuyện nghề của của họ đôi khi lãng mạn, và cười ra nước mắt. Thường xuyên đi bắt người (tội phạm - PV), nhưng cũng có khi chính các trinh sát hình sự lại phải… tra tay vào còng vì những nhầm lẫn.
Đội H88 huyền thoại
Trong lực lượng cảnh sát hình sự cả nước, cái tên Nguyễn Trường Tam không hề xa lạ. Anh chính là Đội trưởng đầu tiên của Đội H88 huyền thoại (đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang). Vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tội phạm đất Cảng nổi lên như một thế lực đen hùng hậu. Các băng nhóm giang hồ tranh giành địa bàn với những thủ đoạn tàn độc. Súng K54, K59, lựu đạn được chúng đưa ra để thi nhau “lấy số” với các băng nhóm khác. Chúng sẵn sàng gí súng vào đầu những người đi xe xịn để cướp. Có trường hợp người bị cướp tiếc của chống cự đã bị chúng bắn.
Trước tình hình đó, Công an Hải Phòng thành lập lực lượng cảnh sát đặc biệt mang tên H88. Đội H88 quy tụ những trinh sát giỏi nhất, gan dạ nhất của lực lượng Công an Hải Phòng, tạo nên một “quả đấm thép” đánh vào các băng nhóm giang hồ đất Cảng.
Khi đó, Nguyễn Trường Tam là Đội trưởng Đội H88 đã cùng đồng đội lập nên hàng chục chiến công xuất sắc. Chỉ một thời gian ngắn, Đội H88 lần lượt triệt xóa các băng nhóm tôi phạm khét tiếng như Nhật “Xoăn”, Đông “Động”, Tuyết “Băng Kốc”, Tuyến “Lợn”, Lợi “Ét”, Cu Nên, Dung “Hà” hay Lâm “Già”… Tham gia hầu hết những chuyên án lớn của Đội H88, Đội trưởng Nguyễn Trường Tam trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các băng nhóm tội phạm và là hình mẫu lý tưởng của các trinh sát hình sự cả nước noi theo.
Người Đội trưởng H88 năm xưa nay là thượng tá Nguyễn Trường Tam – Phó phòng Truy nã tội phạm (Công an Hải Phòng). Trong câu chuyện kể với đồng nghiệp và các thế hệ trinh sát sau này, thượng tá Trường Tam luôn nhắc nhở đồng đội về tính sáng tạo, mưu trí trước mọi tình huống của người chiến sĩ trinh sát bởi có muôn vàn tình huống xảy đến trong quá trình truy bắt tội phạm. Tuy vậy, trong mỗi cuộc “trà dư tửu hậu”, cánh trinh sát thế hệ hậu sinh cứ đòi ông kể về lần ông… bị công an bắt.
Bắt gọn tên tướng cướp và… 2 đồng đội
Thượng tá Nguyễn Trường Tam nhớ lại, đó là lần anh cùng đồng đội truy bắt tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm là Vũ Tiến Mạnh, còn gọi là Mạnh "bí", ở xóm 8, xã Dư Hàng Kênh, huyện An Hải (nay là phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân).
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ở Hải Phòng nổi lên một toán cướp hoạt động theo kiểu băng nhóm xã hội đen do Mạnh “bí” cầm đầu. Nhóm cướp của Mạnh "bí" chuyên phục trên quốc lộ 5 và các đường liên huyện để ào ra đe doạ, cưỡng đoạt, cướp xe máy và sẵn sàng nhả đạn khi nạn nhân chống đối hoặc phát hiện người truy đuổi. Nói đến Mạnh “bí” thì bất cứ lái xe đường dài nào thời đó thường xuyên đi qua quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng cũng đều sợ dù chẳng ai biết mặt hắn. Trước, trong và sau Tết Nhâm Thân - 1992, Mạnh gây ra một loạt vụ cướp xe máy ở Hải Phòng. Đặc biệt là các vụ: Cướp xe máy của người dân ở Xí nghiệp vận tải 202; uy hiếp bằng súng để cướp xe máy ở phố Cát Cụt và vụ bắn chết người để cướp xe máy ở đường Thiên Lôi…
Những vụ án mà Mạnh “bí” và đàn em gây ra ở quốc lộ 5 được nhiều người thêu dệt ly kỳ. Có người nói rằng bọn chúng xuất hiện, cướp và rút đi nhanh như gió. Thủ đoạn quen thuộc của toán cướp này khá đơn giản, giả làm khách đứng bên lề đường vẫy xe khách đi các tuyến như Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Bình… Chọn những cung đường vắng, chúng rút súng, lên đạn đánh "cạch" và dõng dạc hô "lái xe đi chậm lại, ai có tiền, vàng, đồ vật giá trị bỏ ra sàn xe. Ai trái lệnh sẽ bị bắn vỡ đầu". Có người tiếc của, cố tình giấu bị chúng phát hiện đánh ngất lên, ngất xuống.
Trước họng súng đen ngòm và những bộ mặt cô hồn, hầu như không ai dám chống cự, ngoan ngoãn nộp sạch tài sản. Sự hung hãn và tinh quái của toán cướp này đã trở thành nỗi khiếp đảm đối với các lái xe và hành khách mỗi dịp phải lưu thông trên quốc lộ 5 thời bấy giờ. Sau mỗi lần cướp, Mạnh và lũ đàn em lại đắm mình trong rượu, thuốc và gái...
Ngày 12.2.1992, một cơ sở báo tin cho các trinh sát: Mạnh “bí” đang ẩn náu tại một địa điểm ở thị xã Hải Dương (cũ). Lập tức, một tổ công tác được ban chuyên án cử đi truy bắt. Sau nhiều lần bắt hụt Mạnh “bí”, có lần định bắt hắn ở gần rạp chiếu phim, nhưng kế hoạch bị hủy bỏ để bảo đảm an toàn cho người dân vì Mạnh “bí” lúc nào cũng mang theo súng, lựu đạn. Lần khác, các trinh sát chuẩn bị ra tay thì có 1 xe ôtô của cảnh sát trật tự (Công an tỉnh Hải Dương) đi qua khiến Mạnh “bí” đề phòng chạy thoát vào một ngõ nhỏ. Sau nhiều lần kỳ công mật phục nhưng Mạnh “bí” như có một giác quan đặc biệt nên lần nào cũng trốn thoát, những trinh sát H88 sôi sục tinh thần.
Bữa đó, nhận được tin Mạnh “bí” đang ẩn náu ở trong một ngôi nhà của đàn em, trinh sát Trường Tam cùng đồng đội như những chiếc bóng âm thầm có mặt tại khu vực này. Cả đêm nằm phục ở một bờ rào ven đường, sáng hôm sau tổ công tác người nào trông cũng như “bụi đời”. Nhận được tin, Mạnh “bí” đang chuẩn bị lên tàu, tổ công tác lập tức lao đến. Các trinh sát vào trong ga tìm mãi không phát hiện ra tên cướp. Một lúc lâu, Trường Tam cùng một trinh sát khác phát hiện tên Mạnh đang lững thững đi bộ dọc con đường ven ga tàu. Vốn cảnh giác, Mạnh "bí" dựng cổ áo, kéo mũ từ phía sau của áo để che kín nửa mặt, hai tay đút túi quần, sẵn sàng rút súng, lựu đạn nếu bị bắt.
Trong trường hợp cấp bách, anh Trường Tam cùng một trinh sát chọn phương án thuê 1 người xe ôm chở 2 anh với điều kiện, “khi nào tôi bảo dừng, anh phải nhấn phanh xe dứt khoát”. Chiếc xe máy chở 2 trinh sát lập tức đi theo đối tượng. Khi qua nơi Mạnh “bí” đang đi, người lái xe ôm bất ngờ nhấn phanh khiến chiếc xe khựng lại. Lợi dụng quán tính, 2 trinh sát nhảy bật khỏi xe lao đúng vào người Mạnh “bí”. Bằng các ngón võ thành thục, các anh kịp thời khống chế, không cho hắn kịp rút súng, lựu đạn chống cự, đồng thời thu trong người hắn khẩu súng K54, bốn băng đạn, một viên đã lên nòng.
Tuy vậy, cảnh 3 thanh niên ăn mặc “hầm hố” đang vật lộn trên đường không qua mắt được những cán bộ công an địa phương đang tuần tra ở khu vực này. Một chiếc xe cảnh sát đỗ xịch trước mặt 3 người, những khẩu lệnh “đứng im, giơ tay lên” và hàng chục cảnh sát vây xung quanh. Có lẽ quá vui mừng vì bắt được “một nhóm giang hồ đánh nhau, cả 3 đều có súng” nên các chiến sĩ cảnh sát trật tự này không hỏi han gì, còng tay cả 2 trinh sát hình sự cùng Mạnh “bí” đưa về trụ sở.
Tại trụ sở, Công an Hải Dương mới biết “2 tên giang hồ” chính là các trinh sát Đội H88 lừng danh, còn kẻ bị bắt chính là Mạnh “bí” - tên tội phạm khét tiếng. Vũ khí được trả lại cho trinh sát kèm theo câu nói: “Đúng là trinh sát H88, các anh hóa trang giỏi quá, chúng tôi cứ ngỡ bắt được một nhóm côn đồ đánh nhau, thu được nhiều vũ khí, không ngờ lại bắt đúng… cảnh sát hình sự Hải Phòng”.
Người nhà mình cả mà!
Câu chuyện về người hùng bắt cướp Nguyễn Trường Tam bị “hạ đo ván” bởi… công an đã trở thành giai thoại. Tuy vậy, sự nhầm lẫn dẫn đến bắt nhầm còn xảy ra nhiều lần sau đó với những tình tiết khác nhau.
Năm 2008, một cuộc điện thoại “nóng” từ cơ sở gọi đến trinh sát Đội CSĐT tội phạm hình sự (Công an quận Lê Chân) với nội dung: Phát hiện thấy một nhóm thanh niên tình nghi, đi trên một ôtô, có biểu hiện tàng trữ vũ khí. Một tổ công tác của Công an quận Lê Chân tức tốc lên đường tới địa điểm mà cơ sở vừa báo. Tới nơi, quan sát nhóm thanh niên đang đứng cạnh xe ôtô, các trinh sát nhận định: Nhóm người này cách ăn mặc rất giống “dân anh chị”, chắc chắn có vũ khí “nóng”. Một phương án bắt “ổ nhóm” này nhanh chóng được vạch ra và thực hiện. Chỉ trong chớp mắt, các xe máy chở tổ công tác ập tới, khống chế nhóm thanh niên nghi vấn.
Tuy nhiên, khi tổ công tác khống chế, đồng thời hô to “công an đây”, các “đối tượng tình nghi” liền nói: “Các đồng chí ơi, người mình cả mà. Chúng tôi là cảnh sát hình sự tỉnh Hải Dương tới đây bắt tội phạm truy nã”. Kiểm tra giấy tờ của những thanh niên này, các trinh sát Đội CSĐT tội phạm hình sự (Công an quận Lê Chân) xác định đây đúng là cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hải Dương.
Lúc này, hai bên chỉ biết nhìn nhau cười về chuyện công an bắt nhầm… cảnh sát. Thì ra Công an tỉnh Hải Dương nhận được thông tin một tên tội phạm nguy hiểm gây án ở Hải Dương đang lẩn trốn tại Hải Phòng nên cử tổ công tác này tới điều tra, truy bắt. Khi tới Hải Phòng, quá trình điều tra, tổ công tác phải đi qua nhiều địa điểm, không kịp thông báo cho công an các quận, huyện nên mới xảy ra tình huống bắt nhầm trên.