Công nhân chết vì bơi qua hồ để trốn ông chủ xưởng gỗ tàn độc

Lâm Phương |

(Soha.vn) - Trong quá trình làm việc nhiều công nhân và người lao động bị ông Phong ngược đãi như bắt làm quá giờ, thu giữ điện thoại và giấy tờ cá nhân, bị nhốt ban đêm…

Ngày 3/7, TAND huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 25 tháng tù đối với bị cáo Trần Tấn Phong (52 tuổi, ngụ ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) về tội “Giữ người trái pháp luật”.

Tại tòa bị cáo Trần Tấn Phong biện minh hành động khóa trái của mình là để bảo vệ những người thân trong gia đình. Tuy nhiên HĐXX bác bỏ và kết luận đây là hành vi giữ người trái pháp luật.
Tại tòa bị cáo Trần Tấn Phong biện minh hành động khóa trái của mình là để bảo vệ những người thân trong gia đình. Tuy nhiên HĐXX bác bỏ và kết luận đây là hành vi giữ người trái pháp luật.

Theo cáo trạng Trần Tấn Phong mở xưởng gỗ Tấn Phong từ khoảng tháng 10/2012 và nhận 9 lao động (chủ yếu là những người dân tộc Khơ Me, không biết chữ) vào làm việc. Quá trình làm việc những công nhân này đều bị Phong ngược đãi bằng cách bắt làm thêm giờ, thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, tịch thu điện thoại, không cho tiếp xúc với người bên ngoài.

Hơn nữa ngay tại khu xưởng sản xuất, Phong lập ra một ngôi nhà biệt lập bên cạnh hồ Cần Nôm cho công nhân ở, nhưng thực chất đây là chỗ “giam” vì sợ người lao động bỏ trốn.

Ngôi nhà biệt lập trong khu sản xuất, cạnh hồ Cần Nôm là chỗ Phong “giam” công nhân vì sợ họ bỏ trốn.

Ngôi nhà biệt lập trong khu sản xuất, cạnh hồ Cần Nôm là chỗ Phong dùng để “giam” công nhân vì sợ họ bỏ trốn.

Bức xúc trước sự ngược đãi của Phong, tối 26/5/2013, anh Sơn Bồ Rót (25 tuổi, quê Sóc Trăng) và Vũ Minh Đương (17 tuổi, quê Cà Mau) đã tìm cách bơi qua hồ Cần Nôm bỏ trốn. Khi đến giữa hồ thì anh Rót kiệt sức và bị chết đuối, còn anh Đương được anh Lý Vũ Phong (40 tuổi, quê Sóc Trăng) cứu kịp thời nên thoát nạn. Theo lời khai của các nhân chứng, khi thấy anh Rót và Đương kiệt sức đã đến báo nhưng ông Phong nói “Nó bơi ra được thì bơi vào được”. Không lâu sau thì anh Rót bị dòng nước nhấn chìm. Chiếc điện thoại di động của anh Rót bị ông Phong thu giữ trước đó đã bị xoá sạch dữ liệu, lấy sim nên phải mất nhiều ngày người nhà anh Rót mới hay được tin.

Tại phiên toà Phong đã quanh co chối tội và cho rằng, việc khoá cửa của mình là để bảo vệ những người thân trong gia đình. Tuy nhiên HĐXX nhận định, từ lời khai của các bị hại cho thấy Trần Tấn Phong đã có hành vi khoá cửa nhốt các công nhân để đề phòng họ bỏ trốn là xâm phạm đến quyền tự do người khác vì vậy đủ cơ sở để kết luận Phong đã có hành vi giữ người trái pháp luật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại