Công an xã chặn xe, xịt sơn lung tung

Sáng 29-4, khi phóng viên đến hiện trường, chiếc ôtô vẫn đậu tại chỗ. Mặt đường nhựa được phun sơn trắng viền quanh chiếc xe, thân xe tứ phía loang lổ vết sơn.

Ông Phan Dũng Sĩ (ngụ ấp Thứ Bảy, xã Đông Thái, huyện An Biên, Kiên Giang) phản ảnh gần nửa đêm 28-4, trong lúc lái ôtô từ xã Nam Thái về thị trấn Thứ Ba (An Biên) thì gặp một phó trưởng công an xã và chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Nam Thái dùng xe máy chặn lại nói đang làm nhiệm vụ và đòi kiểm tra giấy tờ.

Do không có mặt của cảnh sát giao thông và người xưng phó trưởng công an xã tên Tùng mặc thường phục lại trong tình trạng say rượu nên ông Sĩ không đồng ý cho kiểm tra.

Lời qua tiếng lại, bị ông Tùng đòi còng tay nên ông Sĩ gọi điện báo công an huyện. Sau đó trưởng công an xã có mặt nhưng cũng trong tình trạng say rượu nên ông Sĩ không đồng ý cho kiểm tra giấy tờ, sợ có xô xát nên ông để xe tại chỗ rồi bỏ về nhà.

Ông Nguyễn Thanh Duẩn - trưởng Công an xã Nam Thái - cho biết sau khi được công an huyện gọi điện báo, ông đã có mặt tại hiện trường lúc 22g40.

Ông Duẩn xác nhận hai người đi xe máy là ông Lê Quốc Thịnh - chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã và ông Lê Minh Tùng - phó trưởng Công an xã.

Ông Duẩn cũng thừa nhận cả ông và ông Tùng, ông Thịnh trước đó đã có uống mỗi người vài chai bia. Tuy nhiên, ông Duẩn cho rằng không phải ông Tùng và ông Thịnh chặn xe của ông Sĩ để kiểm tra mà chỉ dừng xe sát lề đường để nghe điện thoại.

“Tôi tới nơi thấy anh tài xế to tiếng nên hỏi ảnh có say rượu không và đề nghị cho kiểm tra giấy tờ. Ảnh vô xe rồi quay ra nói không có giấy tờ, đóng cửa xe bỏ đi” - ông Duẩn kể.

Về vết sơn xung quanh và trên thân xe, ông Duẩn xác nhận có chỉ đạo ông Tùng dùng sơn đánh dấu vị trí chiếc xe, lập biên bản hiện trạng chiếc xe bỏ lại.

“Tôi chỉ đạo anh Tùng rồi về trước nên không chứng kiến việc đánh dấu sơn, có thể anh Tùng xịt phạm vào thân xe” - ông Duẩn nói. Ông Duẩn cho hay trong sáng 29-4 đã trực tiếp báo cáo với lãnh đạo công an huyện để xin ý kiến xử lý.

Đại úy Lê Ngọc Cẩn - phó đội trưởng Đội CSGT-TT-CĐ - cho biết lãnh đạo công an huyện đã chỉ đạo xác minh, chưa có kết luận nên chưa thể trả lời báo chí.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức - Đoàn luật sư Cần Thơ, việc công an xã tùy tiện cho dừng phương tiện như trên không phù hợp với quy định pháp luật.

Lý do: phó công an xã là người thi hành công vụ là chưa phù hợp đối với chuẩn mực ngành công an vì không mặc sắc phục trong khi thi hành công vụ.

Trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không hợp tác là hoàn toàn có căn cứ, bởi điều kiện không gian và thời gian như thế không loại trừ trường hợp người cho dừng phương tiện là kẻ gian.

Luật sư Đức cũng cho rằng nếu đặt tình huống giả định công an xã cho dừng phương tiện là đúng thì việc làm hư hỏng và hủy hoại tài sản người khác qua việc dùng sơn đen phủ lên thân ôtô màu trắng, người tham gia giao thông có thể đề nghị khởi tố tội “hủy hoại tài sản người khác” hoặc khởi kiện yêu cầu bồi thường.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại