Nguyên nhân khiến họ không thèm nhìn mặt nhau, không thèm đến nhà nhau và gặp nhau ở bất cứ nơi đâu cũng phải quăng lại một lời hằn học, thậm chí khiếm nhã chỉ vì mảnh đất giữa hai nhà. Bên bị bảo của mình, bên nguyên cũng nhận của mình. Một cuộc xô xát tóe máu nổ ra. Hai phiên tòa đã được mở.
Không đồng tình với mức án treo dành cho mẹ và các chị, em của mình, vợ chồng người con trai quyết định sẽ đâm đơn đề nghị tăng mức án, quyết đề nghị tòa án phải bỏ tù bằng được bà mẹ đã gần như hỏng một mắt, lưng còng, mà thời gian còn lưu lại trốn nhân gian chắc chẳng còn được mấy nả.
Nỗi niềm cụ già có thằng con "sinh ra ở bụi chuối"
Cụ là Nguyễn Thị Cải, 81 tuổi, ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Mắt toét nhoẻn, răng nhuộm đen nháy khấp kha khấp khểnh. Cụ kể về ngày xửa ngày xưa, như cái cách vào đề của những người già khi bắt đầu câu chuyện, rằng cụ có tất cả 7 người con, 4 trai, 3 gái nhưng chẳng ai được ăn học đến đầu đến đũa, thậm chí có người còn chưa được đến trường ngày nào.
Cậu con trai thứ 4 Hoàng Văn Đích (SN 1967) được đi học nhưng trình độ cũng chỉ ở dạng xóa mù. Nhà cụ trước ở trong làng, nhưng sau này ra ven bờ đê lấp ao dựng nhà, gọi là làm nhà trên đất lấn chiếm, ở lâu mãi thì cũng "cứt trâu hóa bùn". Tất tần tật đâu được hơn 300m2.
"Ngày xưa khổ lắm, tôi và ông nhà còn sống cùng các con gánh đất lấp ao để cất nhà, khổ sở, nghèo khó đến khốn nạn cô ạ. Tôi phải cho hai đứa con gái đi ở cho người ta. Trước khi thằng Đích lấy vợ, tôi đã cất được căn nhà ba gian cho vợ chồng nó ở" - cụ Cải kể.
Năm 2006, cụ Cải gọi anh em họ hàng đến chứng kiến việc cụ chia cho vợ chồng anh Đích mảnh đất hơn trăm mét vuông. Ở giữa nhà cụ và nhà anh Đích còn một mảnh đất vài chục mét nữa chưa xây dựng và đây chính là nguyên nhân khiến mẹ con, bà cháu không nhìn mặt nhau.
Theo lời chị Nguyễn Thị Thưởng (vợ anh Đích) thì khi lấy anh Đích, vợ chồng chị cũng phải gánh đất lấp ao nhiều ngày tháng mới cất thêm thành căn nhà 5 gian, nhưng năm 2007, bà Cải hoại (phá) mất 2 gian. Từ đó, mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu căng thẳng.
Anh Đích không nhận mẹ, rêu rao với mọi người là mình sinh ra ở gốc chuối, tự lấy vợ, tự làm nhà. Đám cưới hai cô con gái của Đích - Thưởng làm cỗ linh đình bên này, nhưng chỉ cách vài bước chân, bà cụ Cải ngồi bó gối trước sân, điếc tai nghe đài loa nhạc nhẽo oang oang. Cụ tuyệt nhiên không có trong danh sách được mời, dù đó là đám cưới cháu nội.
Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi vợ chồng anh Đích xây trên mảnh đất tranh chấp này một công trình phụ. Tất nhiên là trước đó, cụ Cải đã cảnh báo, không cho phép vợ chồng con trai xây, "nếu xây sẽ du đổ" nhưng cuối cùng thì công trình vẫn mọc lên. Kết quả là cụ Cải 81 tuổi cầm búa đinh xông lên đập tường và bị con dâu xô ngã. Từ phía sau, phe của cụ Cải xông lên đánh tới tấp kẻ dám xô ngã mẹ mình.
Chị Thưởng đâm đơn kiện, vậy là cụ Cải cùng 5 người con phải ra trước vành móng ngựa chịu xét xử về tội "hủy hoại tài sản". Phiên xử ở cấp huyện, Tòa tuyên án treo, vợ chồng chị này không đồng ý nên kháng cáo. Phiên xử ở Tòa án nhân dân TP Hà Nội, vẫn y án. Theo lời anh N, sau phiên tòa vài ngày, anh Đích đã cầm gáo nước tiểu định hắt vào chăn chiếu của cụ Cải và bị bố anh N phát hiện. Còn vợ chồng anh Đích thì "tố", ngay tối hôm đi xử về (ngày 27-5), anh Đích bị mấy người anh trai vào nhà dùng điếu cày đánh vào chân, đến giờ vẫn còn đau.
Vào tù bị đánh cũng phải chịu
Trong căn nhà mới xây nhưng chưa có tiền sơn tường, vợ chồng anh Đích, chị Thưởng kể lể về nỗi niềm khi bị mẹ già phá công trình phụ, khi anh chị phải rất vất vả mới xây được. Không có tiền sơn tường, nhưng họ sẵn sàng bỏ tiền thuê luật sư để buộc tội mẹ mình trong phiên tòa ở cấp thành phố. Anh Đích ngồi rít thuốc lào sòng sọc, để mặc vợ "mở đài", thỉnh thoảng anh góp một hai câu nhưng xem chừng ý tứ rất quyết liệt và cũng giống hệt ý vợ. Người làng bảo anh "ngẫn", kém khôn hơn vợ khi muốn mẹ vào tù. Nghe anh nói về mẹ mình: "già cũng bỏ tù, có gan làm có gan chịu", đúng là anh "ngẫn" thật rồi.
Nhà anh chị có hai cô con gái đã đi lấy chồng thì cần gì nhiều đất đến thế?
Không, em còn có một thằng cò nữa chứ. Kể cả không cần nhưng đó là cái công của em. Em bỏ công đổ đất lấp ao...
Nếu mất mảnh đất đó mà được tình nghĩa mẹ con, anh em thì anh chị chọn cái nào?
Nếu có tình nghĩa mẹ con thì đã không đến mức thế này, vì mâu thuẫn nó kéo dài 7 năm rồi, từ năm 2007 đã hoại (phá) 3 gian nhà của em rồi. Đến năm 2011 xây tiếp thì lại kéo nhau đến đánh em.
Sau này bà cụ mất thì anh chị có sang không?
Cái này thì em chưa hứa được. Chả còn tình nghĩa gì.
Nếu bà Cải cho anh chị mảnh đất đó thì tình nghĩa mẹ con còn như xưa không?
Cái đấy lại phải từ phía mẹ con nhà bà Cải. Vì toàn bộ nguyên nhân là mẹ con nhà bà ấy gây ra chứ chúng em không gây nên chuyện này. Đánh em đến nỗi em phải đi viện cơ mà.
Dù bà Cải có sai thì cũng là mẹ mình, sao anh chị không sang xin lỗi bà? Biết đâu xin lỗi xong bà cho luôn mảnh đất này thì sao?
Chúng em có lỗi gì đâu. Cái lỗi này là mẹ con nhà bà ấy gây nên.
Nghe nói, chị tiếp tục viết đơn kháng cáo?
Vâng, em sẽ tiếp tục viết đơn gửi Tòa án Tối cao.
Quyết tâm đưa mẹ đi tù à?
Cái việc em làm thì em vẫn phải làm. Nhưng bà nghĩ, "tao già rồi thì pháp luật không làm gì được tao".
Già cả thế này mà vào tù... anh không thương mẹ à? Nhỡ bị bạn tù... đánh thì sao?
Đánh thì cũng phải chịu chứ. Em không cần biết cái đấy, có gan làm thì có gan chịu.
Nó bảo chui từ gốc chuối lên
Sao anh Đích lại bảo anh ấy chui từ gốc chuối lên hả cụ?
Ý là nó không nhận tôi là mẹ nó. Nó bảo tự nó lấy vợ, tự nó làm nhà lấy, nên nó chui từ gốc chuối lên.
Ví dụ bây giờ mà anh chị ấy sang xin lỗi thì cụ có chấp nhận không?
Lấy đâu ra. Nếu người ta nhận lỗi thì mình tha thôi, nhưng vợ chồng nó tuyên bố thẳng là không tình nghĩa gì nữa, chẳng anh em với con chó nào.
Nói dại, giả sử mai kia cụ mất thì thế nào?
Mấy đứa con tôi bảo: "Chúng tao có ngẫn dại cũng cấm vợ chồng nó vào nhà".
Khoảng 8h ngày 23/12/2011, cụ Cải cầm búa đinh đến nhà anh Đích để đập tường công trình phụ nhà anh Đích vừa mới xây xong với mục đích đòi đất. Khi cụ Cải vào thì chị Thưởng chạy vào giằng búa, đẩy cụ Cải về phía sau, làm cụ Cải bị ngã xuống nền công trình phụ.
Cụ Cải hô hoán thì 5 người gồm con dâu, con gái của cụ xông vào giằng co búa đinh với chị Thưởng, dùng chân tay đánh chị Thưởng phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, thương tích 4%. Đến sáng 25/12/2011, cụ Cải cầm theo gậy tre cùng với các con đến nhà chị Thưởng, anh Đích để đập phá công trình phụ và chuồng ngựa.
Thực sự với công việc của một nhà báo, ngoài việc thu thập thông tin viết bài, trong câu chuyện này, tôi cũng định làm "sứ giả hòa bình" với mong muốn cụ Cải và vợ chồng anh Đích tìm được tiếng nói chung, nhưng hình như, mọi nỗ lực của tôi đều vô nghĩa.
Cứ nghe cái cách hai bên "tố" nhau thì đủ hiểu, họ đã căm thù nhau tới mức nào. Bên nào cũng đưa ra những lý lẽ để bảo vệ cho việc làm mà họ cho là đúng của mình. Chưa thấy ai được gì trong vụ việc này, nhưng họ đã mất tất cả: Mất tình mẹ con, mất tình anh em, mất tình bà cháu... và mang tiếng cả đời với làng nước. Riêng vợ chồng anh Đích, còn mang thêm tội bất hiếu.