Mới đây, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy án sơ thẩm và yêu cầu TAND huyện Sơn Hòa giải quyết lại “kỳ án” này vì có nhiều sai sót, vi phạm.
Bên này tố sàm sỡ, bên kia nói vu khống
Theo trình bày của vợ chồng bà H và ông D, sáng 27/2/2013, bà H ở nhà một mình thì ông L đến mua 4.000 đồng đá lạnh rồi bất ngờ ôm lấy bà và có hành vi sàm sỡ. Bà la lên nhưng ông L vẫn không dừng lại. May sao lúc đó có người đến mua hàng nên ông L bỏ đi.
Sau đó, bà kể lại sự việc cho chồng là ông D nghe. Hai vợ chồng bà đã đến nhà ông L nhưng chỉ gặp bà T (vợ ông L), nói cho bà T biết sự việc rồi ra về.
Một lúc sau, ông L đến, đứng ở ngoài đường nói: “Cho tôi xin lỗi chút nhen anh D, tôi chỉ đùa giỡn chị H một chút”. Ông D nói: “Mày làm gì thì vào nhà xin lỗi đàng hoàng…”.
Đến chiều 1/3/2013, ông L cầm rựa đến nhà bà H gây rối, đánh ông D ngất xỉu phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sự việc đã được Ban nhân dân thôn hòa giải nhưng không được. Từ đó, gia đình bà H mất hạnh phúc, bà bị người thân và mọi người xa lánh. Nay vợ chồng bà yêu cầu ông L phải bồi thường 20 triệu đồng thiệt hại về vật chất, tinh thần và công khai xin lỗi trước nhân dân. Ngoài ra, ông L phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông D hơn 3 triệu đồng.
Ngược lại, ông L cho rằng, sáng hôm đó, ông có đến quán bà H mua đá lạnh rồi về chứ không có hành vi sàm sỡ đối với bà H. Vợ chồng bà H và ông D đã vu khống ông nên ông không đồng ý theo yêu cầu bồi thường của bà H. Tuy nhiên, ông thừa nhận mình có đánh ông D nên đồng ý bồi thường sức khỏe và xin lỗi ông D.
Tại phiên xét xử sơ thẩm tháng 6/2013, TAND huyện Sơn Hòa đã bác phần yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm của bà H, chỉ đồng ý phần bồi thường về sức khỏe, buộc ông L phải bồi thường cho ông D hơn 3 triệu đồng. Sau đó, cả bà H và ông L đều kháng cáo, đồng thời Viện KSND huyện Sơn Hòa cũng kháng nghị đề nghị hủy án sơ thẩm.
Nhiều sai sót trong xét xử sơ thẩm
Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Phú Yên nhận định cấp sơ thẩm có nhiều sai sót, vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án. Thứ nhất, theo trình bày của bà H lúc bà bị ông L xúc phạm, có 2 người chứng kiến sự việc. 2 người này cũng xác nhận thấy ông L có hành vi sàm sỡ bà H. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm chưa cho đối chất giữa 2 người này với các đương sự, chưa làm rõ thời điểm chứng kiến sự việc thì họ ở đâu, làm gì, giữa họ có quan hệ hay mâu thuẫn gì với bà H, ông L hay không… Tuy nhiên, tòa sơ thẩm lại bác yêu cầu của bà H là chưa đầy đủ căn cứ.
Thứ hai, tòa sơ thẩm xác minh tại địa phương thì ông L được dư luận phản ánh thường có hành vi không tốt đối với phụ nữ, đồng thời tại phiên tòa phúc thẩm bà H có yêu cầu xem xét về trách nhiệm hình sự đối với ông L. Vì vậy, cần làm rõ hành vi của ông L đối với bà H có dấu hiệu vi phạm hay không để xem xét về trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, ông L cho rằng bà H đã vu khống, nói sai sự thật nhằm mục đích cạnh tranh việc mua bán, làm ăn với ông nên ông đã có đơn phản tố yêu cầu tòa án xem xét, buộc bà H phải xin lỗi và bồi thường danh dự.
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Tố tụng dân sự, yêu cầu khởi kiện của bà H và yêu cầu phản tố của ông L có liên quan với nhau, nếu được xem xét, giải quyết trong cùng vụ án sẽ bảo đảm khách quan, chính xác. Thế nhưng tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét, thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố của ông L là thiếu sót, không bảo đảm quyền và lợi ích của các đương sự trong cùng vụ án. Bên cạnh đó, quá trình giải quyết vụ án này, tòa án phải tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ. Theo Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự và Thông tư liên tịch số 04 ngày 1/8/2012 của Viện KSND tối cao - TAND tối cao thì trong trường hợp này Viện KSND cùng cấp phải tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm đã không thông báo cho Viện KSND huyện Sơn Hòa để tham gia phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Theo hội đồng xét xử phúc thẩm, những vi phạm, thiếu sót của tòa án cấp sơ thẩm là nghiêm trọng, tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Vì vậy, để việc xem xét, giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, TAND tỉnh Phú Yên đã hủy án sơ thẩm để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.