Lý lẽ của tình yêu
Những ngày này, Nguyễn Thu Hằng (22 tuổi) tất bật chạy ngược chạy xuôi để làm thủ tục đăng ký kết hôn với Hồ Duy Trúc, kẻ tội đồ từng gây ra hàng loạt vụ án chặt tay cướp của man rợ nhất từ trước đến nay.
Trước đó, ngày 4/4, 10 ngày sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình Hồ Duy Trúc, tôi gặp mẹ con Hằng, ông bà Hồ Duy Tùng, Trần Thị Út tại công viên 23/9 (TP.HCM) địa điểm quen thuộc họ từng vạ vật suốt thời gian chờ tòa xử án con trai.
Lúc này, Hằng ôm con ngồi bệt dưới đất, đứa bé khóc ngặt nghẽo bởi nắng nóng, đói khát. Hằng liên tục thúc bầu sữa vào miệng để hãm cơn khóc của đứa trẻ. Nhìn những bọc, thùng và ba lô để phía dưới đất, Hằng cho biết: "Em vừa gửi đồ ăn cho Trúc ở trong Khám Chí Hòa, giờ ra đây ngồi nghỉ rồi em bắt xe về Phan Rang (Ninh Thuận)".
Tôi không hiểu nguyên nhân nào tạo động lực cho Hằng miệt mài đi và về trong điều kiện và hoàn cảnh vô cùng bi đát của cô. Thì ra động lực của Hằng chính là được kết hôn với Hồ Duy Trúc. Đó là niềm khao khát duy nhất trước khi Trúc không còn trên đời này nữa. Để làm gì? Hằng bảo: "Để con em có cha, thế thôi!".
Xin điểm qua về cuộc đời của Hằng để thấy rõ hơn chuỗi bị kịch mà cô gái trẻ này đã và sẽ gánh suốt đời.
Mẹ Hằng mất cách đây 14 năm trong vụ tai nạn giao thông. Gia tài phải bán sạch để chạy chữa cho bà, khi chỉ còn đúng căn nhà hoang chuẩn bị cầm cố thì bà "đi", thế là nhà giữ lại được. Đang học lớp 7, Hằng phải nghỉ. Anh trai Hằng cũng nghỉ nốt và phải sang nhờ cậu ruột nuôi giùm. Hai cha con Hằng còm cõi bán bong bóng nuôi nhau. Hằng ra đời sớm, dạn dày hơn với cuộc đời, cứng cáp hơn những đứa trẻ cùng lứa.
Ông Tùng, bà Út dắt díu nhau từ Ninh Thuận về TP.HCM để thăm con.
Hằng gặp Trúc trong một lần theo bạn đến Sài Gòn chơi cho biết. Hằng nhỏ thó, thấp lùn, da ngăm đen. Không hiểu có ma lực gì mà Trúc say như điếu đổ và Hằng cũng say theo. Rồi Hằng về Phan Rang, chỉ được 15 ngày, Trúc gọi điện hối thúc Hằng dọn lên Sài Gòn cùng chung sống. Hằng chạy theo tiếng gọi của tình yêu, nhập vai thành người lớn và sống cảnh vợ chồng với Trúc. Quy luật tất yếu của cuộc sống chung chạ, Hằng có thai thì vừa lúc Trúc sa lưới pháp luật.
Người đời có thể đang căm ghét, thù hằn với những tội ác mà Hồ Duy Trúc gây nên, nhưng với riêng Hằng, Trúc luôn là người đàn ông cô yêu suốt đời. Bởi lẽ đó mà khi vừa biết Trúc sa lưới pháp luật, lúc cái thai mới hai tuần tuổi, Hằng nằng nặc giữ lại. Người thân khuyên Hằng bỏ đi, nó mới chỉ là một cục máu, chưa tạo hình hài. Người dì đưa cho Hằng viên thuốc, nói dứt lòng: "Giải quyết đi và làm lại cuộc đời. Mày không thể giữ dòng máu của một tên tướng cướp".
Hằng vẫn chỉ là cô bé thiếu ăn, thiếu học, thiếu hiểu biết pháp luật, trước áp lực và sự kỳ thị của xã hội, Hằng giữ quan điểm của mình chỉ bằng thứ tình yêu đầu đời trong sáng. Hằng lý lẽ: "Em chưa bao giờ có ý định phá thai, bởi em yêu Trúc. Em muốn giữ lại chút tình yêu cuối cùng này". Mặc cho Hằng giải thích, người lớn không ai chịu nghe cả.
Cho đến bây giờ, điều Hằng ân hận nhất là nông nổi, bồng bột. Đã quá ngây thơ tin tưởng vào phẩm giá của Trúc, yêu hết mình và hiến dâng tất cả. Nhưng nếu biết trước Trúc là tướng cướp thì Hằng không bao giờ làm vậy. Đi thăm Trúc ở trại tạm giam, Hằng đã đay nghiến: "Anh lừa dối tôi để đi cướp, anh thật là ác độc". Còn Hằng vì ngu dại, mê muội, chạy theo thứ tình yêu non trẻ, mù quáng, dấu chấm hết cho một cuộc tình để lại là một mầm sống mang trong mình dòng máu bất hảo.
Còn một ngày được sống, xin cho em làm vợ
Hằng về quê, làm mướn trong cửa hàng nem chua được 35.000 đồng/ngày công. Số tiền ấy không đủ để bồi dưỡng bà bầu nên bác sĩ chẩn đoán đứa bé trong bụng bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Hằng ở với cha, người đàn ông 64 tuổi ít nói, chỉ khóc từ ngày con gái vác cái bụng bầu về. Ông làm nghề bán bong bóng dạo. Nay, mỗi trái bong bóng phải gánh thêm một nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Chưa kể nỗi nhục con gái "không chồng mà chửa".
Thai 5 tháng tuổi, cái bụng lùm lên không thể che giấu nổi nữa, Hằng bị hàng xóm phát hiện. Lúc này, danh tính Hồ Duy Trúc đã nổi đình nổi đám trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hằng không thể giấu được, chẳng lẽ nói dối là "đi hoang". Thôi đành nói thật, tác giả bào thai là của tướng cướp Hồ Duy Trúc. Người ta nhìn Hằng cười khinh, miệt thị.
Ngày trở dạ, vì yếu quá, vì không có sức khỏe nên Hằng được chỉ định mổ. Hằng hỏi ý kiến của Trúc và quyết định đặt tên con là Nguyễn Hồ Duy Khoa. Hằng sinh con trên danh nghĩa không chồng, không hôn thú, đứa trẻ không có tên cha. Giữ họ Hồ Duy trong tên của con, Hằng muốn tặng một đặc ân cho Hồ Duy Trúc, bởi Trúc là con trai độc nhất trong dòng họ. Trúc chết, coi như tuyệt tôn. Trước lúc bị bắt, Hồ Duy Trúc không hề biết người yêu mình có thai, khi gặp lại đã thấy Hằng sắp đẻ, hắn thảng thốt và khóc rất nhiều. Đời hắn đã chẳng còn gì, nay biết tin có con, có giọt máu hương khói dòng họ Hồ Duy, hắn vùng vẫy muốn sống, muốn trở thành người lương thiện, muốn cưới Hằng. Đây chính là lời sau cùng hắn nói tại phiên tòa.
Biết tin con trai nhận án tử, bố mẹ Trúc đã nhận Hằng làm con dâu, đứa trẻ là cháu nội. "Chỉ bây giờ thôi chứ ngày đang mang thai, chẳng ai dòm ngó đến em cả. Họ xỉ vả em kinh lắm. Cho em là đồ con gái hư hỏng".
Trời đứng bóng, nắng nóng ỏi bức, Hằng vẫn ầu ơ ru con, thằng bé ngủ ngon lành. Nó ngủ bất cứ đâu, ở công viên, ở trại giam, ở sạp bán trái cây. Đời nó mới sinh ra đã "đầu đường xó chợ", nên chỉ hy vọng sau này lớn lên đừng mang dòng máu lạnh lùng tàn nhẫn như cha của nó. Hằng chỉ mặt thằng con, hờn trách: "Con của tướng cướp đấy, ở quê em ai cũng nói như thế. Mới sinh ra đã mang tiếng, đã chết tên rồi".
Tám tháng tuổi, nó đã bị người đời chỉ mặt kêu là tướng cướp con. Nhưng có lẽ điều ấy bây giờ không làm cho Hằng buồn, không hơi sức đâu mà buồn mấy chuyện đó nữa. Hằng đang gõ cửa luật sư, nhờ gấp rút làm đăng ký kết hôn với Trúc. Nếu không nhanh, e rằng không có cơ hội, con Hằng mãi mãi là đứa trẻ ngoài giá thú.
Hằng khóc thật thảm thương, cô tâm sự: "Đi thăm Trúc lần nào anh ấy cũng khuyên em nên lấy chồng đi. Con thì để cho ông bà nội nuôi. Em thì nghĩ, giờ lo nuôi con khôn lớn trước đã, không biết có ai chấp nhận lấy em không, vì cùng với Trúc, đời em cũng quá nổi tiếng rồi". Thằng bé lớn lên mà biết được cha nó là tướng cướp nó càng buồn hơn, mà điều này là chắc chắn, liệu nó có sống nổi với miệng lưỡi người đời không?
Còn em đăng ký kết hôn thì mang tiếng gái đã có chồng, mà chồng như vậy cũng chẳng hãnh diện gì, lại một vết đen trong lý lịch. Đó là dự báo có thật trong tương lai, nhưng Hằng không quan tâm điều đó. Trong suy nghĩ của cô, thứ lớn lao nhất chính là đứa con có đủ cha mẹ, dù cha mẹ nó là ai. Hy vọng bây giờ chính là lá thư xin ân xá của Chủ tịch nước, Hằng tâm nguyện, chỉ cần Trúc không chết thì con trai cô có cơ hội nhìn mặt cha.
Ngày 24/12/2013, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử băng cướp chặt tay cô gái, cướp xe SH tại chân cầu Phú Mỹ (quận 2, TP.HCM) do Hồ Duy Trúc (20 tuổi, quê Ninh Thuận) cầm đầu. Trong vụ án có 8 bị cáo phải hầu tòa về các tội: "Cướp tài sản, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Theo đó, HĐXX tuyên phạt Hồ Duy Trúc mức án cao nhất là tử hình, các bị cáo khác cùng chịu mức án từ 9 năm đến chung thân. Ngày 24/3/2014, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét xử tuyên y án tử hình đối với Hồ Duy Trúc.