Chuyện “nghề” của vị “bác sỹ” giấu mặt chuyên chữa trị cho giang hồ Hà thành

Khánh Gia |

Không bao giờ tham gia vào những trò đánh đấm hay dao búa, cũng chẳng biết cầm súng chĩa vào ai, nhưng lại được giới giang hồ rất tôn trọng, đó là vị bác sỹ giấu mặt với biệt danh bác sỹ “Long Biên”.

Vị bác sỹ này có nguyên tắc làm ăn là cấp cứu những ca khó, và giữ mồm miệng kín như bưng. Hành tung và cuộc sống của vị bác sỹ này luôn rất bí ẩn vì ông không bao giờ liên lạc trực tiếp với những bệnh nhân của mình.

Vị này chỉ đi chữa những ca khó, phần lớn là những kẻ thuộc giới giang hồ, anh chị bị trọng thương trong những cuộc loạn đả long trời lở đất.

Giáp mặt vị “bác sỹ” được dân giang hồ đồn đại

Hầu như cả thế giới giang hồ của miền Bắc đều biết đến một vị biệt danh là bác sỹ Long Biên, nhưng hầu như chẳng ai có thể để hiểu rõ bác sỹ tên gì, nhà ở đâu? Vì khi cần gặp thì phải liên lạc qua thư ký.

Chữa bệnh gì thì phải nói trước, mang đúng thuốc đến tiêm cho con bệnh rồi về. Không hỏi han không tâm sự và cũng không quan tâm xem người bệnh có khỏi được hay không, nhưng tiền thì lấy đủ - đó là những quy định của bác sỹ Long Biên.

Và để gặp được bác sỹ này nếu không có bệnh, hoặc không được giới giang hồ giới thiệu thì khó như lên trời.

Phải viện tới Chu Văn Cường - 31 tuổi tức “Cường Kiến”, đệ tử số một của Huy Rambo – dân giang hồ có tiếng một thủa của Hà Nội mới bị đâm chết ở hội chợ Yên Mỹ, Hưng Yên năm 2013 - làm kẻ dẫn đường, tôi mới tiếp cận được bác sỹ ở Long Biên, vị bác sỹ giấu mặt mà giới giang hồ vẫn đồn đại.

Cường Kiến dặn tôi “anh đừng hỏi vội, tính ông này dị lắm, gặp ai thích thì ông nói, còn không thích thì đuổi thẳng cổ chẳng sợ bóng ai cả”.

Cường Kiến dẫn tôi đi lòng vòng trong khu vực nhà trọ sau chợ Long Biên, đến trước cửa một ngôi nhà cũng lụp xụp như những dẫy nhà khác, loại chuyên dành cho dân thuê trọ 5 nghìn đồng 1 tối, hắn đẩy cửa bước vào một ngôi nhà.

Khác hẳn với cái vẻ nhếch nhác bên ngoài, bên trong ngồi nhà này được ốp gạch vệ sinh sáng bóng, toàn đồ trắng như một phòng cấp cứu bệnh viên, cũng có lò vi sóng để khử trùng. Nhìn sạch sẽ thơm tho đến dị thường.  

Giữa nhà có một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi đeo kính ngồi đọc sách về y khoa tiếng Pháp.

Sau mấy câu chuyện làm quen đã vào phom, ông bác sỹ bắt đầu hé lộ về bản thân mình sau khi chốt một câu chắc nịch: “Ông không cần hỏi  tên tôi đâu, cứ gọi bác sỹ Long Biên là được.

Sở dĩ tôi phải giấu tên mình như vậy chính là vì tôi học Bình đại phu trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, phải ẩn mình giữ tiếng vì mục đích an toàn cho bản thân.

Vì tôi xác định chỉ kiếm tiền thôi chứ không kiếm máu mà nhúng tay vào chuyện thi phi của giang hồ nên phải chọn cách sống của riêng mình”.

Vị bác sỹ bộc bạch tiếp, trước kia ông học Đại học Y Bắc Thái nay gọi là Y Thái Nguyên, học đến năm cuối thì bị buộc thôi học vì trót làm một sinh viên năm thứ 3 ở trường Đại học Lâm Nông có bầu.

Thế là anh chàng sinh viên y khoa lang thang dạt về Hà Nội kiếm sống, không dám về quê Nam Định nữa.

Hơn 30 năm trước, chợ Long biên vốn là khu vực Bến Nứa, xe cộ ra vào tấp nập, nhưng đây cũng là trung tâm của các tệ nạn xã hội. “Bác sỹ” về đây làm bốc vác, ở trọ cùng mấy cô gái điếm.

Thời đó bao cao su cũng hiếm nên gái điếm chẳng mấy cô tránh khỏi các bệnh xã hội như lậu, giang mai, hắc lào… Nhưng ít người dám đến các cơ sở y tế vì lúc đó các bệnh này bị xã hội nhìn với con mắt kỳ thị.

Với bản chất biết nhẫn nhịn ẩn mình, lại có sẵn vốn kiến thức y khoa, thế là vị bác sỹ lặng lẽ đi mua thuốc lậu rồi chữa bệnh cho mấy cô. Do bắt được đúng bệnh nên các cô sau đó đều khỏi bệnh cả.

  Tiếng tăm vị bác sỹ đã lan đi nhanh chóng. Mấy anh khách làng chơi bị bệnh lậu, mà dân chơi gọi là “nổ bô” cũng tìm đến để bác sỹ khám chữa.

Tuy lúc đi học bị đứt gánh giữa đường nhưng do học giỏi nên bắt đúng bệnh trị đúng thuốc nên bác sỹ cũng thuộc dạng mát tay, được đám giang hồ tin tưởng.

Minh họa: Đình Tân

Minh họa: Đình Tân

Từ đó cái xóm nghèo sau chợ Long Biên cứ có trẻ con ốm hay va chạm sứt trán bươu đầu lại đưa đến bác sỹ khám cho. Tất nhiên đối với người nghèo thì chẳng lấy tiền bao giờ. Nhưng kể từ đó bệnh nhân là giới giang hồ tìm đến không ít.

Do đó, bác sỹ phải chuyển chỗ ở và mượn 1 phòng trọ ở khu bãi sông Long Biên làm chỗ giao dịch hàng ngày, mà nghe đâu là cũng của một đại ca nào đó chịu ơn nên đứng ra cho mượn.

Trước khi khâu, Khánh Trắng đuổi hết đám đàn em ra tận đầu ngõ và ra lệnh không cho bất kể đứa nào bén mảng đến phòng trọ của bác sỹ trong vòng 100m. Tất nhiên đám đệ tử Khánh Trắng cun cút nghe đại ca.

Nhưng đàn em vừa đi khỏi Khánh Trắng đóng cửa lại rồi ngồi khóc như một đứa trẻ bị mẹ đánh đòn. Hỏi mãi thì bác sỹ mới biết Khánh sợ khâu, sợ đau, phải đuổi đàn em đi thật xa để lúc khóc lóc không bị mất uy.

Những mũi khâu “cắt cổ”

Sau nhiều năm chữa bệnh đến bây giờ đã là luật bất thành văn rồi, dù khâu bao nhiêu mũi không thành vấn đề. Nhưng vẫn chỉ có 1 giá là 1 triệu đồng một mũi khâu.

Còn bệnh nhân bị chém nối gân, vá cơ mà phải cấp cứu truyền nước, mổ gắp đạn, nặng phải thở oxy thì lại có giá khác nhau.

Nhưng nguyên tắc của bác sỹ là chỉ cấp cứu không bao giờ quan tâm đến bệnh nhân ở đâu, làm gì mà bị như vậy? Nhưng cũng có một vài trường hợp ngoại lệ mà bác sỹ nhớ mãi. Những kẻ đó đều là những sát thủ không ghê tay.

Vị bác sỹ kể lại trong nghề người đầu tiên bác sỹ nhớ nhất là Nguyễn Minh Châu – kẻ sát thủ một đêm đã hạ sát 4 người tại tiệm vàng Kim Sinh ở Hà Nội ngày 19.7.1999.

Bác sỹ nhớ lại lúc đó khoảng gần 3 giờ sáng thì có người đến tìm ông bảo mang đồ nghề đi khâu cho một người bị đứt tay.

Từ chợ Long Biên bác sỹ được đưa đến gần cổng phụ bến xe Giáp Bát, ở đây ông thấy một người đàn ông đang cởi trần tay trái được quấn bằng áo, chỉ cần xem vết thương là bác sỹ đã đoán được người này dùng dao đâm người khác nhưng đã tự làm thương tay mình vì cán dao trơn do dính nhiều máu.

Với kinh nghiệm, vị bác sỹ đoán chắc chắn đã có một vụ án mạng lớn vừa xảy ra nên trong lúc khâu đã vờ hỏi han để năm thông tin.

Trong lúc khâu vừa đau Châu vừa chửi “Mình thịt mấy thằng đ... sao mà thịt thằng điên nó khỏe thế” và giục bác sỹ khâu nhanh tiêm cho thêm mũi giảm đau để đi Nam Định kịp chuyến xe sớm.

Khâu xong Châu không có tiền nên đã trả cho bác sỹ bằng 2 chiếc nhẫn vàng ta khoảng 2 chỉ vàng. Đến sáng hôm sau giới giang hồ đã đồn đại ầm ỹ về vụ giết người rã man tại tiệm vàng Kim Sinh.

Trong khi công an đang lật tung các hồ sơ, quan hệ và manh mối của vụ án giết người nghiêm trọng này để điều tra thì vị bác sỹ đã lờ mờ nhận ra kẻ thủ ác là ai.

Không biết ông có tìm cách thông tin tới những người cần biết hay không nhưng chỉ biết là sau đó ít ngày, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, các trinh sát đã bắt được Nguyễn Minh Châu ở Nam Định.

Bệnh nhân thứ 2 mà bác sỹ rất nhớ đó là Khánh Trắng  tức Dương Văn Khánh, trước kia vốn làm mưa làm gió ở khu vực chợ Long Biên.

Có một lần Khánh Trắng tham gia vào cuộc ẩu đả ở chợ Sủi Gia Lâm tháng 11.1994, bị người dân chém 2 nhát vào bả vai phải, vết thương không sâu. Khánh Trắng đã được mấy đứa đàn em đưa đến chỗ trọ của bác sỹ.

Trước khi khâu, Khánh Trắng đuổi hết đám đàn em ra tận đầu ngõ và ra lệnh không cho bất kể đứa nào bén mảng đến phòng trọ của bác sỹ trong vòng 100m. Tất nhiên đám đệ tử Khánh Trắng cun cút nghe đại ca.

Bình thường thì cả chợ Long Biên đều sợ uy của Khánh Trắng, giới giang hồ cũng phải kính nể về độ lì lợm của vị đại ca này. Nhưng đàn em vừa đi khỏi Khánh Trắng đóng cửa lại rồi ngồi khóc như một đứa trẻ bị mẹ đánh đòn.

Hỏi mãi thì bác sỹ mới biết Khánh sợ khâu, sợ đau, phải đuổi đàn em đi thật xa để lúc khóc lóc không bị mất uy.  Chẳng biết động viên Khánh Trắng thế nào bác sỹ phải tiêm cho Khánh 2 mũi thuốc tê rồi từ từ khâu 2 vết chém.

Tuy vết chém không sâu không dài nhưng Khánh cứ khóc ri rỉ suốt gần 15 phút. Sau buổi khâu và phát hiện được kiểu mít ướt trẻ con của Khánh Trắng, nhưng bác sỹ tuyệt nhiên không nói với ai.

Chính vì thế mỗi lần gặp lại, Khánh Trắng đều kính lễ chào hỏi đàng hoàng không bao giờ có thái độ ngông cuồng. Thỉnh thoảng hắn còn vào tận nhà trọ biếu bác sỹ tiền. 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại