Chuyện chưa kể về đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông

Long Thiên |

Những năm sau giải phóng, hầu hết những băng cướp làm mưa làm gió tại Sài Gòn, Đồng Nai, Sông Bé… lần lượt sa lưới trước sự tấn công, truy quét quyết liệt của lực lượng CA. Thế nhưng, có một băng cướp phải mất 3 thập kỷ mới bị xóa sổ.

Thủ lĩnh của băng cướp này là một phụ nữ mà giới tội phạm thường mệnh danh là “nữ tướng cướp miền Đông”.

Vết trượt của thôn nữ xinh đẹp

Bà chính là Trần Thị Tép, SN 1933, tại xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, dân gian biết về bà với cái danh “tướng cướp miền Đông- Tám Lũy).

Tám Lũy là con gái đầu lòng của Mười Rốp, một cựu tướng cướp từng làm mưa làm gió giai đoạn 1943-1946 của thế kỷ trước. Mười Rốp chính là người khẩn hoang, khai phá mảnh đất đầm lầy mà bà Tám Lũy hiện nay đang ở.

Sau khi ông bị cảnh sát thời Pháp bắt bỏ tù, được tha về ông hoàn lương với nghề lương thiện rồi sinh con đẻ cái. Trong số những đứa con của ông thì Hai Tép nổi lên là một thiếu nữ xinh đẹp, ương bướng, chỉ có điều ít nhiều mang dòng máu của cha.

Ngoài biệt tài bơi lội như rái cá, Tép còn nổi tiếng mưu trí. Nhiều bậc cao niên vùng Nhơn Trạch kể lại rằng, vào một đêm đi lưới đáy trên sông thì Tép lọt vào “tầm ngắm” của toán lính quân đội Sài Gòn có vũ khí đang đi tuần tra gần bến sông Nhà Bè.

Dẫu biết rõ là ngư dân lương thiện nhưng chúng vẫn lớn tiếng yêu cầu dừng lại kiểm tra mục đích giở trò dơ bẩn.

Biết gặp phải “thú dữ” nhưng ghe đang ở giữa dòng, nước sông cuồn cuộn chảy xiết không thể lặn cũng không thể đua tốc độ với gần chục nòng súng và tàu tuần tiễu. Hai Tép nhanh trí cho ghe tiến chầm chậm vào bờ để nghi binh tỏ ý vâng lời.

Khi bọn chúng sáp lại gần, cô vẫn tươi cười nghe theo lệnh, ngoan ngoãn bước lên tàu cho mấy ảnh lục soát, thế rồi Tép tung cước. Mấy tên lính bị đá vào chỗ hiểm nằm lăn ra sàn tàu, nhân cơ hội đó Hai Tép nhảy ùm xuống sông mất hút.

Bà Tám Lũy ngày nay.     Ảnh: Long Thiên

Năm 20 tuổi, Tép phải lòng một lính trẻ tên là Nguyễn Thanh Liêm đi lính cho Tây, đồn đóng gần nhà. Nghe tiếng cô Hai Tép xinh đẹp đã lâu nhưng không có cớ gì để sang gặp mặt.

Một hôm Liêm đánh liều sang nhà gặp Mười Rốp rồi lấy cớ làm quen Hai Tép. Kể từ ngày đó, mỗi lúc nhận lương, Liêm lại dành dụm mua tặng Tép một vài món quà, lúc thì chai dầu thơm, cục xà bông khi thì đôi ba cái kẹp tóc xinh xắn.

Lần đầu tiên có người quan tâm săn sóc, trái tim thiếu nữ bồi hồi xao xuyến. Năm 1953, một đám cưới nho nhỏ diễn ra ấm cúng, tràn ngập tiếng cười. Hai Tép chính thức đổi tên thành Tám Lũy.

Sau ngày cưới, Mười Rốp hồi môn cho 1.000 đồng để vợ chồng Tép tậu chiếc ghe làm ăn. Chàng rể mới cũng bỏ nghiệp lính cùng vợ chài lưới, đốn gỗ mưu sinh. Những lúc rảnh rỗi họ lại be bờ làm ruộng, tạo đầm trồng trọt chăn nuôi.

Nhờ có sức khỏe và siêng năng lao động, kinh tế gia đình được cải thiện dần, vợ chồng trẻ còn mua được mấy công đất, cất được căn nhà lá để chui ra chui vào. Từ ngày lấy chồng, Tám Lũy biến thành cái máy đẻ, sau 10 năm chung sống 6 đứa con lần lượt ra đời.

Thương vợ vất vả, một hôm anh chồng thủ thỉ với Tám Lũy: “Hồi này kinh tế gia đình cũng khấm khá, má nó đừng bươn nữa, ở nhà chăn nuôi đặng lo lắng cho sắp nhỏ nên người, mấy việc bên ngoài cứ để tui gánh”. Kể từ đó hai Tép ở nhà lo tề gia nội trợ.

Công việc nhà khá nhiều nhưng vốn là người xốc vác, nhanh nhẹn chỉ một loáng tất cả đã đâu vào đấy.

Mấy đứa con quen sống kiểu tự sinh tự diệt chẳng cần chăm sóc, đứa bé đi theo đứa lớn tự chơi, tự ăn ngủ không cần sự quản đốc của mẹ, Tám Lũy đâm ra rảnh rỗi.

“Nhàn cư vi bất thiện”- lời người xưa bảo quả không sai, nhất là với một người quen làm lụng như Tám Lũy thì sự nhàn nhã là một cực hình.

Để giết chết thời gian cô lân la tới các sòng bài xem thiên hạ sát phạt, trong lúc cao hứng Tám góp vui vài ván lấy may không ngờ thắng thật. Chỉ mấy chục đồng tiền vốn liếng ban đầu, ngồi chốc lát sau đã có trong tay đến mấy trăm bạc.

Thắng đâm ra ham, những ngày sau đó thiếu phụ bắt đầu sa lầy vào cờ bạc. Mấy đứa nhỏ chưa đầy 10 tuổi cũng được đưa hết sang sòng xóc đĩa chầu rìa buồn vui cùng mẹ.

Nhu cầu sưởi ấm vào mùa đông tăng cao, thu nhập của anh tiều phu Thanh Liêm cũng nhiều lên. Anh mừng thầm nhẩm tính chỉ cần cố gắng thêm mấy ngày nữa sang năm thể nào cũng đủ tiền sửa sang lại căn nhà cho khang trang sạch sẽ.

Thế nhưng dự tính ấy của anh đã tan tành mây khói. Vào một ngày giáp Tết, có tốp người lạ kéo đến nhà chửi bới, buộc anh Liêm phải trả hơn 10.000 đồng tiền (tương đương 4-5 lượng vàng). Hỏi ra mới biết trong lúc nhàn cư cô Tám đã vay nợ đánh bài.

Thế là công sức bao năm lao động đổ sông đổ biển, số tiền dành dụm phải vét hết ra để trả nợ.

Tưởng sau việc này vợ sẽ rút ra bài học nhớ đời, chừa thói cờ bạc, nào ngờ từ khi bị phát giác, bà Tám không cần giấu giếm mà công khai cầm cố tài sản, bán sạch lợn gà nướng hết vào chiếu bạc.

Bất lực, ông Tám để vợ tự ý tung hoành, tiền làm ra ông  giấu kỹ không cho bà biết.

Nhà bà Tám Lũy hiện đang sinh sống .

Tên trộm bí ẩn

Khi của nả trong nhà đội nón ra đi, Tám Lũy liền nghĩ ngay đến cách kiếm tiền mới tốn ít công sức lại vô cùng hiệu quả.

Xã Phú Hữu xưa nay vốn yên bình thì giữa những năm 1967 bỗng xuất hiện nạn trộm vặt, nào là bắt trộm gà, heo, tận thu luôn cả nồi, xoong, chảo. Ở hiện trường in toàn dấu giày của lính chế độ cũ.

Ban đầu người dân lôi mấy tên lính thường lảng vảng trong xóm ra chửi bóng chửi gió, nhưng người ta lại nghĩ mấy tên lính đâu thiếu tiền đến nỗi phải lấy cắp cả những đồ lặt vặt, vả lại nếu có cũng không ngu dại để lại dấu giày quá rõ ràng tại hiện trường.

Người ta âm thầm theo dõi truy tìm thủ phạm giấu mặt. Vào một đêm khuya vắng, bóng người mặc áo lính thoắt ẩn thoắt hiện từ nhà này sang nhà khác.

Chỉ một lát, bóng đen đã xuất hiện gần mép sông với chiếc bao tải căng tròn trên vai, nhanh như cắt cởi bỏ y phục, cởi đôi giày nhét tất cả vào bao tải, men theo mép nước và mất hút khi đến vàm sông nhà Tám Lũy.

Không còn nghi ngờ gì nữa, thủ phạm chính là vợ ông Tám lâu nay nổi tiếng nghiện bài.

Quá mệt mỏi với bà vợ tai quái, năm 1968 ông Tám nhất quyết xin li dị, chịu trách nhiệm chăm sóc đàn con thơ dại.

Rũ bỏ hết trách nhiệm, không bị ràng buộc, bà Tám như chim sổ lồng rồi  xuôi xuống Long Thành làm trong sở Mỹ, tiền bạc làm ra được bao nhiêu lại ném vào những con xúc xắc đỏ đen.

Chẳng biết ở sở Mỹ vận đen có còn đeo bám không mà đến 3 năm sau Tám Lũy mới quay về vùng sông nước hoang vắng gần cầu Cháy (xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch) khai khẩn gần 4.000m2 đất cần mẫn làm ăn.

Cách đó không xa là nhà ông Tám sống cùng những đứa con thơ dại. Nhớ con thi thoảng bà Tám Lũy lại tìm về khi thì nấu giúp bữa cơm, lúc dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo. Có bàn tay phụ nữ, đám trẻ nhỏ không còn lem luốc đói ăn đói ngủ.

Tình cảm vợ chồng tưởng đã chết bỗng nồng cháy trở lại, bà Tám tỏ ra ăn năn hối hận cả hai quyết định nối lại tình xưa.

Cuộc sống có sự chung sức của hai con người vừa khỏe mạnh lại chịu khó chẳng mấy chốc đã có được của ăn của để.

Nhưng lại một lần nữa, Tám Lũy đã phụ tấm chân tình của chồng sa vào cờ bạc, cầm cố hết tài sản trong nhà và lấy trộm luôn số tiền ông chắt chiu dành dụm để sửa sang nhà cửa.

Lần này ông Tám không khuyên can, cũng chẳng buồn li hôn mà âm thầm sống cuộc đời bần hàn bên bà vợ bài bạc cùng những đứa con sớm được mẹ dẫn dắt vào chốn giang hồ. Cứ như thế, vòng xoáy đỏ đen bám riết lấy bà Tám Lũy.

Hết chỗ bấu víu lại quay sang nghề trộm cắp để trang trải nợ nần. Cứ như thế chính tay bà Tám đã dẫn dắt những đứa con của mình bước vào guồng quay tội lỗi, với những tên tội phạm từng gây bao kinh hãi tại vùng Đồng Nai.

Kỳ 2: Lai lịch tướng cướp Trần Văn Rốp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại