Trốn vào núi để tránh đòn
Kể về câu chuyện này, bác sĩ Hoàng Anh Đức, BVĐK tỉnh Quảng Ngãi khi ấy là bác sĩ cấp cứu cho nạn nhân T, 30 tuổi, ở thôn Bình Đông, xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, (bác sĩ Đức nay đã về hưu) cho biết: “Trong cuộc đời tôi, chưa khi nào tôi gặp trường hợp oái ăm và đáng thương như vậy.
Ngay cả trong BV, chị T cũng lo sợ bị chồng tìm đánh. Mà khổ nỗi mỗi khi chính quyền địa phương vào cuộc thì chị T lại khóc lóc xin “cán bộ” nhẹ tay cho chồng. Chị đâu biết rằng chính sự vị tha của chị đã vô tình tạo tiền lệ xấu cho gã chồng hung ác này…”.
Bác sĩ Đức kể lại: “Sự việc đã xảy ra hơn 1 năm. Gã chồng vũ phu đánh đập tàn nhẫn nữa hay không?”. Theo đó gã chồng vũ phu này tên là Đinh Công Nghiệp, chỉ vì vợ không đưa tiền để đi đánh bạc mà thường xuyên đánh vợ.
Người hàng xóm của chị T là bà Nguyễn Thị Yến cũng tỏ ra bức xúc: “Không kể hết bao nhiêu lần y đánh đập vợ dã man. Không biết bao nhiêu lần vợ Nghiệp phải đi BV, Hội Phụ nữ xã, CA xã làm việc, xử lý thói quậy phá, đánh vợ. Nhưng chứng nào tật nấy, Nghiệp thường xuyên đánh đập vợ”.
Có thể vì muốn giữ hạnh phúc gia đình nên chị T không dám “mạnh tay” với Nghiệp. Trong thâm tâm chị T luôn nghĩ cho thể diện của chồng và nhà chồng nên tâm lý “xấu chàng hổ ai” đã ăn sâu vào suy nghĩ của chị.
Bác sĩ Đức thuật lại, vào thời gian khoảng trung tuần tháng 11-2013 xe cấp cứu của Trung tâm y tế huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển một nạn nhân đến phòng cấp cứu BVĐK Quảng Ngãi. Chị Trần Thị T được các y, bác sĩ điều trị vết thương do chồng đánh trước đó. Lúc ấy, trên giường bệnh, với giọng yếu ớt chị T kể lại sự việc bị chồng đánh. Cả tuần sau đó, người chồng bỏ việc làm mộc, suốt ngày đi đánh bạc. Tất cả tiền công làm mộc trước đó, anh ta đều đem đi nướng hết vào chiếu bạc.
Sau khi thua “cháy túi”. Nghiệp trở về bực dọc lớn tiếng quát chị T dọn cơm ăn, sau đó Nghiệp lên giường ngủ. Chị T bảo dắt xe vào nhà rồi hãy ngủ mà người chồng bật dậy đánh tới tấp vợ. Chị T bỏ chạy, Nghiệp túm tóc lôi vào trong nhà, đóng cửa đánh đập tiếp. Hắn chộp lấy khúc gỗ vuông đánh vào cổ và đầu người vợ mình. Chị T kêu cứu thì bị hăm dọa. Lợi dụng sơ hở, chị T bỏ chạy ra phía sau núi.
Giữa đêm tối mưa to, chị T núp vào một ngôi nhà hoang dưới chân núi. Nghe tin, mẹ ruột của chị cùng nhiều người tổ chức đi tìm. Phát hiện chị T trong tình trạng sức khỏe yếu, toàn thân lạnh ngắt, co giật và buồn nôn, người nhà đã đưa chị đi cấp cứu tại trạm y tế xã, Trung tâm y tế huyện Trà Bồng, nhưng sức khỏe nạn nhân ngày càng xấu, Trung tâm y tế huyện đã chuyển nạn nhân lên cấp cứu tại BVĐK Quảng Ngãi.
Nỗi đắng cay của người vợ trẻ
Tâm sự với các y bác sĩ tại BV, chị ngậm ngùi kể lại câu chuyện suốt quãng thời gian bị chồng bạo hành, đánh đập tàn nhẫn. Theo đó, năm 2002, chị T lấy Đinh Công Nghiệp (35 tuổi) ở cùng xã Trà Bình. Nghiệp làm thợ mộc, nhưng do máu cờ bạc nên có đồng nào Nghiệp đều đốt vào sòng bạc. Thương con gái thiếu thốn, bà Nguyễn Thị Chánh (là thương binh, có chồng là liệt sỹ) cho vợ chồng chị mảnh đất cạnh bên làm nhà. Sau đó bà còn cho tiền con rể để mua đồ nghề làm cơ sở mộc tại nhà.
Nhưng làm được bao nhiêu, Đinh Công Nghiệp đều nướng vào sòng bạc. Vì là thợ mộc, mỗi khi đánh vợ, sẵn có khúc gỗ, người chồng dùng làm phương tiện đánh vợ. Chị T kể lại, năm 2004, khi đang mang thai đứa con đầu lòng được 7 tháng, thì bị người chồng dùng cuốc đánh vào đầu và bụng. Vì xấu hổ chuyện chồng đánh, nên chị một mình lén xuống BV huyện Bình Sơn khám và bác sĩ cho biết bị động thai.
Năm 2006, khi sinh cậu con trai út Đinh Văn Tiến được 3 tháng, do cần tiền đánh bạc nhưng vợ không đưa, Nghiệp dùng cây đánh chị T nhập viện. Ngoài một số vết thương bầm trên người, chị còn bị băng huyết. Trong thời gian 1 tuần điều trị ở Trung tâm y tế, người chồng bỏ mặc, không đến thăm nuôi. Ngôi nhà của vợ chồng chị T bây giờ chẳng còn tài sản gì có giá trị. Chị T cũng không nhớ hết bao nhiêu lần chồng lấy xe máy thế chấp, chị T lấy tiền chuộc. Rồi vài hôm, người chồng tiếp tục tục đem thế chấp, chị lại vay mượn tiền chuộc về.
Vì nhiều lần đánh vợ, CA xã triệu tập Nghiệp lên làm việc. Người vợ vì thương con, thương chồng nên xin CA xã không xử lý với lý do đây chỉ là việc gia đình. Đến khi không chịu nổi, chị T đành viết đơn gửi UBND xã. CA xã và Hội Phụ nữ xã tổ chức hai vợ chồng hòa giải nhưng sau đó Nghiệp vẫn chứng nào tật ấy.
Theo chính quyền địa phương thì Nghiệp đã từng bị CA xử lý hành chính vì hành vi gây rối trật tự công cộng và nhắc nhở nhiều lần vì đánh vợ”. Tuy người mẹ ruột ở sát nhà, nhưng bị chồng đánh, chị T không dám chạy sang nhà mẹ lánh nạn. Bởi nhiều lần trốn qua nhà mẹ, người chồng xông vào nhà chửi rủa cả mẹ vợ, Nghiệp còn đập phá nhà cửa, đến bàn thờ người cha vợ liệt sĩ cũng bị con rể đập phá.