Chia tài sản thế nào khi bố muốn giành cho bồ nhí và con riêng?

Tiểu Phương |

Bố mẹ tôi đã ly hôn, sau đó trở lại chung sống với nhau nhưng không đăng kí. Mẹ tôi mất không kịp di chúc, bố muốn chiếm mảnh đất để cho con riêng. Tôi có được chia tài sản không?

Bố mẹ tôi kết hôn vào năm 1973 và có hai người con. Năm 1987 bố mẹ tôi ly hôn. Tôi sống cùng mẹ còn em trai tôi sống cùng bố. Năm 1990, bố mẹ tôi quay về sống cùng nhau vì thương con nhưng không đi đăng ký kết hôn lại.

Sau này cơ quan mẹ tôi có cấp cho mẹ tôi một mảnh đất 200 mét vuông, nhưng cũng phải trả một ít tiền đất. Lúc đó, bố tôi có Huân chương kháng chiến hạng 1, được giảm tiền đất nên mẹ tôi để ông cùng đứng tên trong sổ đỏ. Chung sống một thời gian thì chúng tôi phát hiện bố tôi có bồ nhí ở ngoài và có cả con riêng nữa. Mẹ tôi rất buồn và có ý định sẽ sang tên mảnh đất đó cho chúng tôi đứng tên, nhưng mẹ tôi chưa kịp làm thì bà bị bệnh và đột ngột qua đời, và cũng không kịp để lại di chúc cho chúng tôi.

Bây giờ sổ đỏ của mảnh đất do em trai tôi giữ. Sau khi mẹ tôi mất thì bố tôi càng có ý định chiếm đoạt miếng đất cho riêng mình vì ông nói chúng tôi đã có gia đình riêng, ổn định rồi nên ông cần tiền để lo cho con riêng của ông.

Tôi muốn hỏi là nếu bố tôi muốn bán mảnh đất đó thì có được không? Chúng tôi có được phần nào trong mảnh đất đó không? (Ông bà ngoại của tôi đã mất từ khi mẹ tôi chưa lấy chồng). Nếu bán thì được chia như thế nào? Rất mong nhận được câu trả lời của quý báo. Tôi xin chân thành cám ơn.    

email [email protected]

Trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi chúng tôi đã tham khảo ý kiến luật sư và trả lời bạn như sau:

Thứ nhất:

Như bạn nói bố mẹ ly hôn. Sau vài năm lại về sống chung với nhau và không đi đăng ký kết hôn lại. Vấn đề này cần được làm rõ như sau:

+ Quyết định hoặc bản án cho ly hôn của tòa án có hiệu lực pháp luật sẽ làm chấm dứt quan hệ vợ chồng. Quyết định hay bản án của tòa án nói chung, khi đã có hiệu lực thì không thể thay đổi hay hủy bỏ được (trừ trường hợp bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm).

Điều 11 Luật Hôn nhân - Gia đình quy định: việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận (UBND cấp xã, nếu kết hôn trong nước; UBND cấp tỉnh, nếu kết hôn có yếu tố nước ngoài); nam nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng; vợ chồng đã ly hôn mà kết hôn lại với nhau cũng phải đăng ký kết hôn.

+ Điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình có hướng dẫn cụ thể như sau:

“Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 1/1/2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 1/1/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng”.

Như vậy, trường hợp của bố mẹ bạn đã ly hôn, nhưng lại chung sống vào năm 1990 mà không đăng ký kết hôn lại thì luật pháp không công nhận là vợ chồng. Do đó, bố bạn không được pháp luật công nhận là chồng hợp pháp của mẹ bạn- người đã mất.

Thứ hai:

200m2 đất đã được mẹ bạn mua sau thời đểm bố mẹ bạn quay lại chung sống với nhau, nên mặc dù bố bạn có đứng tên sở hữu mảnh đất cùng mẹ bạn nhưng chỉ đóng vai trò như là “1 người bạn” cùng góp “ vốn “ để cùng mẹ bạn mua mảnh đất đó. Trong thực tế đời sống dân sự, việc bạn bè hùn vốn liếng để chung mua một tài sản nào đó rất phổ biến, đất đai là một đơn cử, trường hợp này của gia đình bạn cũng được xếp chung vào đó.

Như vậy 200m2 đất này không được xác định là tài sản chung của vợ chồng hình thành trong hôn nhân mà chỉ xác định là tài sản chung hợp phần của bố mẹ bạn.

Theo đó, tương ứng với nó là tư cách của bố bạn đối với 200m2 này chỉ là một người đồng sở hữu với mẹ bạn mà thôi, chứ không thuộc diện (hàng) thừa kế tài sản này sau khi mẹ bạn đã mất.

Nên theo quy định tại Ðiều 676 Bộ Luật Dân Sự 2005 :

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;…”

Bố bạn không phải là chồng hợp pháp của mẹ bạn trước pháp luật nên theo đó không có quyền được thừa kế tài sản của mẹ bạn (phần của mẹ bạn trong 200m2 đất).

Thứ ba:

Về nguyên tắc, tài sản thừa kế được chia theo di chúc, không có di chúc thì chia theo pháp luật. Do mẹ bạn không để lại di chúc nên, tài sản của mẹ bạn (phần của mẹ bạn trong 200m2 đất) được chia theo pháp luật như sau:

+ Trước tiên, cần phải xác định phần của bố bạn ở trong khối tài sản tương đương với 200m2 đất. Do bố bạn là người có công với cách mạng (có huân chương kháng chiến hạng 1) nên lúc mua đất, mẹ bạn được giảm tiền. Nên phần của bố bạn trong 200m2 đất đó tương ứng với số tiền mà mẹ bạn được giảm. Bạn tính số % số tiền mà mẹ bạn được giảm tại thời điểm mẹ bạn mua đất/tổng giá trị của đất. Đây chính là phần của bố bạn được hưởng sau khi tất cả thống nhất bán 200m2 đất.  (Nếu quy ra % thì tính trượt giá, bố bạn cũng chỉ được hưởng đúng số % ấy, nếu bán tại thời điểm hiện tại). Tạm gọi phần của bố bạn là X

+ Phần của mẹ bạn = 200– X ( m2). Do mẹ bạn không có di chúc nên phần tài sản của mẹ bạn tương đương với ( 200 – X ) m2 đất sẽ được chia theo pháp luật, theo đó những người được ưu tiên ở hàng thừa kế thứ nhất.

+ Vì cả ông và bà ngoại của bạn đã mất trước thời điểm mẹ bạn mất, thì phần tài sản của mẹ bạn được chia đôi cho anh em bạn: Bạn = Em trai bạn = ( 200 – X ) / 2 ( m2)

Thân chào bạn, chúc bạn khỏe và thành công!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại