Ngỡ ngàng trước số tiền quá lớn
Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Liên kết Việt 46 tuổi, sinh tại Hưng Yên. Năm 1991, Giang nhập ngũ rồi được đi học tại Trường quân chính Quân đoàn 2, Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật và dạy nghề Bộ Quốc phòng, sau đó công tác tại Ban Tài chính Quân đoàn 2.
Đến năm 2001, Lê Xuân Giang xuất ngũ với quân hàm Chuẩn úy và từ đó bắt đầu sự nghiệp lập các công ty để làm ăn.
Đầu tiên, Giang làm Giám đốc điều hành cho công ty Tân Thành Phát. Được một thời gian, anh này lập nên công ty Đức Giang Vina và làm giám đốc.
Tuy nhiên do kinh doanh không phát triển nên Giang đã tính toán chuyện mượn danh nghĩa Bộ Quốc phòng để làm ăn và đã chuyển đổi doanh nghiệp này thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP vào năm 2005.
Đến năm 2014, Lê Xuân Giang nhìn thấy món ngon khi kinh doanh đa cấp nên đã làm thủ tục xin Bộ Công thương cấp phép kinh doanh lĩnh vực này, ký quỹ 10 tỷ đồng và đổi tên công ty Quốc tế Hưng Việt thành Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam.
Từ đây, công cuộc lừa đảo của Lê Xuân Giang bắt đầu. Khi bị bắt, khai nhận tại cơ quan điều tra, Giang cho biết vô cùng ngỡ ngàng vì số tiền thu về quá lớn. Bản thân bị can này chưa bao giờ sở hữu một khoản tiền khổng lồ như vậy.
Cơ quan điều tra ước tính Lê Xuân Giang có thể thu lợi đến 500 tỷ đồng nhưng chính bản thân bị can cũng không thể tính chính xác được vì có quá nhiều tiền.
Đó là chưa kể Lê Xuân Giang còn bị nhóm của mình, đứng đầu là phó tướng Nguyễn Thị Thủy lừa khi nhập vào một số mã ảo để tính gian lận tiền hoa hồng được ăn chia.
Đến nay, cơ quan điều tra đã xác định có hơn 60.000 nạn nhân tại 27 tỉnh, thành bị lừa đảo số tiền trên 1.900 tỷ đồng và con số này vẫn còn tăng lên.
Đối tượng Nguyễn Thị Thủy. Ảnh do cơ quan công an cung cấp.
"Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã"
Trong hồ sơ lý lịch, Nguyễn Thị Thủy 46 tuổi, sinh tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, trước khi bị bắt sinh sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, đối tượng học hết phổ thông tại quê nhà, sau đó làm lao động tự do để kiếm sống.
Thủy đã làm qua nhiều nghề nghiệp như thợ may, mở tiệm gội đầu cắt tóc, làm móng nhưng đều không ổn định. Vài năm trước, Thủy tham gia vào một số công ty kinh doanh đa cấp, trở thành thành viên và học hỏi được ngón nghề kinh doanh.
Thủy không có bằng cấp chuyên môn gì về lĩnh vực kinh doanh, trước đây ả có đăng ký học một lớp đào tạo về đa cấp do Bộ Công thương mở ra.
Lớp học cấp chứng chỉ này chỉ diễn ra trong 3 ngày, trang bị những kiến thức đơn giản cho học viên. Tuy nhiên, khai nhận tại cơ quan điều tra, Thủy cho biết chỉ học có 1 ngày để có được Chứng chỉ nhằm hợp thức hóa khi đi xin việc.
Tháng 3/2014, ngay sau thời điểm được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh đa cấp, Lê Xuân Giang – Chủ tịch HĐQT Cty Liên Kết Việt đã ký hợp đồng thuê nhóm “quản lý, phát triển kinh doanh của doanh nghiệp” do Nguyễn Thị Thủy làm Trưởng nhóm.
Sau đó, Thủy tự tuyển dụng 4 thành viên gồm: Trịnh Xuân Sáng, phụ trách công nghệ thông tin; Lê Thanh Sơn; Nguyễn Xuân Trường và Vũ Hồng Dung, phụ trách quảng bá.
Nhiệm vụ của nhóm này là tổ chức phát triển hệ thống kinh doanh của Cty Liên Kết Việt, cũng như tư vấn thu hút khách hàng, tổ chức sự kiện, cố vấn chiến lược phát triển…
Để tạo điều kiện hoạt động cho trợ thủ, Lê Xuân Giang cấp mã số đứng đầu toàn bộ hệ thống kinh doanh cộng tác viên cho nhóm của Thủy (nhóm người đóng tiền mua mã hàng), để nhóm này làm mồi câu nhử, lôi kéo khách hàng tham gia.
Thấy Thủy làm được việc, tháng 6/2015, Lê Xuân Giang đã bổ nhiệm đối tượng giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh.
Nhằm tiếp tục khuếch trương thanh thế, lôi kéo thêm người tham gia vào hệ thống, Thủy tiến hành tuyên truyền, quảng cáo, thuyết trình không đúng thực tế về việc Cty Liên Kết Việt là Cty trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Đồng thời đối tượng chỉ đạo thuộc cấp làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ rồi tổ chức sự kiện đón nhận Bằng khen hoành tráng.
Để "dụ dỗ" người vào hệ thống, Thủy viết kịch bản tổ chức tuyên truyền các chương trình khuyến mại, chương trình thi đua như: hoa hồng đại thắng; hoa hồng nhân văn; mã đáo thành công… nhằm quảng bá thương hiệu, nâng uy tín của Liên Kết Việt.
Sau một thời gian ngắn, nhóm của Thủy đã phát triển được 21 chi nhánh tại 19 tỉnh, thành phố, lôi kéo được hơn 45 nghìn người tham gia và đã thu được khoảng 1.900 tỷ đồng.
Theo tài liệu của cơ quan công an, ngoài mức lương cứng 25 triệu đồng/tháng, nhóm trợ thủ do Thủy cầm đầu còn được hưởng 300 nghìn đồng/mã hàng phát sinh trong hệ thống và được hưởng quyền lợi mãi mãi trong hệ thống cộng tác viên.
Từ chứng cứ, tài liệu thu thập được, CQĐT xác định trong vòng hơn một năm, Nguyễn Thị Thủy cùng 4 thành viên trong nhóm đã nhận gần 44 tỷ đồng của Cty Liên Kết Việt tính trên số mã hàng mà nhóm này phát triển được.
Ngoài số tiền trên, Thủy còn được thưởng 2 căn hộ chung cư, 2 ô tô và là người có vị trí đứng đầu trong mạng lưới đa cấp độc quyền. Hiện 4 trợ thủ trong nhóm của Thủy cũng đã bị khởi tố, bắt giam để phục vụ điều tra.