Cần đặt camera tại phòng hỏi cung để "loại" án oan

Những lời kể của ông Nguyễn Thanh Chấn về quá trình bị ép cung, bị dùng nhục hình khi lấy lời khai khiến dư luận nhức nhối.

>> Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM

Mấy ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến vụ ông Nguyễn Thanh Chấn – người bị tuyên án tù chung thân về tội “Giết người” đã thụ án hơn 10 năm – được tạm đình chỉ thi hành án do có dấu hiệu bị kết án oan. Ngày 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã xử tái thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giao về cấp sơ thẩm Bắc Giang điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Mặc dù TANDTC chưa chính thức kết luận ông Chấn bị oan, nhưng qua vụ án này, một lần nữa đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra, truy tố và xét xử án hình sự trong thời gian qua, nhất đối với trường hợp bị can, bị cáo kêu oan.

Khách quan mà nói, việc cơ quan tố tụng kết án oan đối với một con người không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay cả những nước phát triển trên thế giới cũng không tránh khỏi những sai sót như thế này. Bởi lẽ, hoạt động tố tụng hình sự là do con người thực hiện, phụ thuộc vào năng lực và nhận thức của người trực tiếp được trao thẩm quyền.

Do vậy, trong chừng mực nhất định, những sai sót trong hoạt động tố tụng hình sự xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp bị kết án oan từng xảy ra trong thời gian qua.

Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 ngày 02/01/2002 về cải cách tư pháp, rồi đến Nghị quyết 388 ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

Tiếp đến là Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ra đời ngày 02/6/2005 và gần đây nhất là Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước được Quốc hội thông qua năm 2009, chất lượng xét xử các vụ án hình sự đã được nâng lên một bước, vấn đề kết án oan cũng đã giảm đi nhiều.

Sự chuyển biến này là sự nỗ lực chung cả hệ thống chính trị, của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và vị thế của luật sư cũng được nâng lên.

Tuy nhiên, chỗ này, chỗ khác, lúc này lúc khác vẫn còn diễn ra tình trạng khi tiến hành lấy lời khai của bị can, bị cáo , người tiến hành tố tụng còn có biểu hiện mớm cung, ép cung. Vẫn còn tình trạng một số cán bộ thuộc các cơ quan tố tụng có nhận thức sai lệch về vai trò của luật sư khi tham gia tố tụng.

Thậm chí, có trường hợp còn cho rằng sự có mặt của luật sư là “cản trở” hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Với kiểu nhận thức như vậy, thì tình trạng oan sai sẽ vẫn còn xảy ra. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất việc kết án oan đối với người vô tội, theo tôi cần áp dụng  giải pháp sau: Đặt camera trong phòng hỏi cung.

Cần đặt camera tại phòng hỏi cung để "loại" án oan
 

Hiện nay, việc tiến hành hỏi cung bị can bị tạm giam diễn ra giữa cán bộ điều tra với bị can. Trong 4 bức tường lạnh lẽo ấy, không có sự giám sát của người thứ ba.

Hầu hết hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, KSV, thẩm phán hoặc luật sư biết được thông qua biên bản hỏi cung bị can hoặc bản tự khai của bị can (viết dưới sự giám sát của cán bộ điều tra). Theo quy định pháp luật, việc tiến hành hỏi cung bị can do điều tra viên thực hiện, nhưng có một số địa phương, do số lượng điều tra viên ít nên cán bộ điều tra tiến hành lấy lời khai, sau đó điều tra viên ký vào hợp thức hóa.

Về nguyên tắc, điều này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng để chứng minh sự vi phạm này là không dễ vì bị can không thể chứng minh được.

Mặc khác, khi hỏi cung, có một số trường hợp, cán bộ điều tra/điều tra viên do hạn chế về năng lực hoặc nôn nóng muốn kết thúc sớm việc điều tra nên thay vì đấu trí với bị can thì lại ép cung, dùng nhục hình bắt bị can khai theo ý của mình hoặc theo định hướng điều tra.

Bản thân bị can bị tạm giam, bị hạn chế về nhiều mặt nên có người phải nhận tội với suy nghĩ ra phiên tòa phản cung. Nhưng hầu hết đều bất thành.

Bởi lẽ tại phiên tòa, một câu hỏi mà KSV hoặc thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thường hay hỏi là: Bị cáo có chứng cứ gì để chứng minh mình bị ép cung không? Nếu không chứng minh được, họ không những kêu oan bất thành mà còn bị gán cho “tội” ngoan cố, không chịu ăn năn hối cải nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” theo Điểm p, Khoản 1, Điều 46 BLHS.

Để hoạt động điều tra được minh bạch, dân chủ, theo tôi tại các phòng hỏi cung của nhà tạm giữ công an cấp quận, huyện, trại tạm giam công an cấp tỉnh hoặc Bộ Công an, cần trang bị camera ghi lại toàn bộ hoạt động hỏi cung.

Không chỉ ghi hình mà cần ghi cả tiếng nói. Băng ghi hình (có tiếng) là tài liệu bắt buộc đính kèm với hồ sơ vụ án để trong trường hợp cần thiết, những người tiến hành tố tụng (kiểm sát viên, thẩm phán) và người tham gia tố tụng (luật sư, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý) có quyền kiểm tra lại hoạt động điều tra của cơ quan điều tra.

Những buổi hỏi cung nào không ghi lại hình ảnh, tiếng nói thì biên bản hỏi cung đó không có giá trị dùng làm chứng cứ để buộc/gỡ tội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại