Bí mật cuộc đời giang hồ Khánh "trắng"

Cái tên Khánh "trắng" bắt nguồn từ nước da quanh năm suốt tháng trắng bủng của gã giang hồ, đi kèm với những tội ác mà bất cứ người dân lương thiện nào cũng khiếp sợ.

Khánh sinh năm 1956 tại Hà Nội, bị bắt chiều 24/5/1996 tại nhà riêng ở phố Nguyễn Thiệp. Sau hai ngày tòa xét xử, Khánh "trắng" phải nhận mức án tử hình.

Khởi sự từ năm 1989 với chiếc xích lô cà tàng, chỉ sau 6-7 năm làm "ông chủ chợ", Khánh đã có 4 ngôi nhà, 4 xe ôtô và nhiều tài sản có giá trị khác. Mỗi lần đi làm ăn, Khánh đều ngồi trên chiếc xe Camry màu trắng. Thời điểm ấy, chiếc xe thể hiện "đẳng cấp" chủ nhân của nó.

Gây dựng tên từ Khánh "trắng"

Bố của Khánh có ba bà vợ, mẹ Khánh cũng có ba ông chồng. Vì vậy anh em nhà Khánh mang ba dòng họ khác nhau. Theo bản tự khai của Khánh, bên họ Dương, Khánh có 11 anh chị em cùng bố khác mẹ, anh ta là con út. Anh em cùng mẹ khác cha, Khánh có tới 8, y là con đầu. Anh em cùng bố với Khánh đều là những người có học, làm ăn lương thiện. Khi bố Khánh còn sống, dòng họ Dương không thừa nhận y là con trong gia đình. Từ nhỏ, hắn sống với mẹ và các em cùng mẹ khác cha ở phố Kim Mã (quận Ba Đình), gia đình khó khăn, thường xuyên phải nhận trợ cấp của Nhà nước.

Khánh có 4 anh em trai cùng mẹ, ba trong số đó nhiều lần bị bắt, tập trung cải tạo về các tội Trộm cắp tài sản, Cố ý gây thương tích... Khánh học hết lớp 5 đã bỏ học, năm 1975 đi làm công nhân nhà máy Cao su Sao Vàng được 8 tháng cùng bỏ. Cái tên Khánh "trắng" đơn giản bắt nguồn từ nước da quanh năm suốt tháng trắng bủng của y và sau này, trong giới giang hồ, cái tên ấy đi kèm với một loạt những tội ác mà bất cứ người dân lương thiện nào cũng khiếp sợ. Giang hồ đất Bắc mỗi lần nhắc đến Khánh "trắng" đều ái ngại.

Sau nhiều lần ra tù vào tội với 5 tiền án, tiền sự, đến năm 1989, Khánh mua xích lô ra gầm cầu Long Biên chở hàng thuê kiếm ăn hàng ngày. Từ đây, y tập hợp được đám đàn em khoảng ba chục tên, đều là dân tiền án, tiền sự làm nghề đạp xích lô kiếm sống. Cũng vào thời điểm này, ở địa bàn chợ Đồng Xuân - Bắc Qua và khu vực xung quanh, hình thành nhiều băng nhóm khác nhau làm nghề đạp xích lô và bốc xếp hàng hóa. Khi gom được đông đảo lực lượng, Khánh bắt đầu tranh giành địa bàn ở khu phố Trần Nhật Duật, Hàng Chiếu...

Không chỉ liều mạng, giang hồ thời đó còn biết đến Khánh "trắng" như một tay dao búa thông minh, có tài chỉ huy và đầy tham vọng. Đầu năm 1991, nhân chủ trương lập lại trật tự vận chuyển bốc xếp hàng hóa ở chợ Đồng Xuân của UBND phường, Khánh "trắng" xin phép thành lập đội trật tự - dịch vụ bốc xếp tự quản tại đây. Đầu năm 1991, UBND phường Đồng Xuân quyết định thành lập đội, chỉ định Dương Văn Khánh làm đội trưởng, các đội phó là Nguyễn Văn Sơn (Sơn “lùn”), Nguyễn Văn Tuân (Dũng “béo”) - đều là những tay chân thân cận của Khánh“trắng”.

Theo quyết định của UBND phường Đồng Xuân, đội phải chịu sự chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương và chịu sự giám sát trực tiếp của công an sở tại, hoạt động theo kế hoạch, quy chế của phường và theo sự hướng dẫn của các ngành cấp trên.

Ba tháng sau, UBND quận Hoàn Kiếm quyết định cho Khánh đứng tên giấy phép kinh doanh dịch vụ bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại chợ. Anh ta trở thành người đứng đầu một đơn vị kinh tế tập thể, hạch toán độc lập và mở tài khoản tại ngân hàng.

Đến tháng 10/1992, tổ chức công đoàn và lao động đội bốc xếp Đồng Xuân được thành lập. Đến năm 1993 đổi tên thành Nghiệp đoàn lao động theo chủ trương của Liên đoàn lao động quận Hoàn Kiếm. Đây là tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh đầu tiên được thành lập tại Hà Nội. Khánh "trắng" được bầu làm chủ tịch Nghiệp đoàn kiêm đội trưởng đội bốc xếp.

Khánh
Khánh "Trắng".

Ban đầu, đội dịch vụ bốc xếp này làm ăn khá tử tế, từng có ý kiến của lãnh đạo chính quyền cơ sở cho rằng, cần phải nhân rộng mô hình tự quản này. Thấy chợ Đồng Xuân không đủ "đất" để làm ăn, Khánh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra các khu vực khác. Thuở đó, hắn nổi như "cồn", khiến các băng nhóm khác trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM e dè, kiềng mặt.

Những độc chiêu kiếm tiền bẩn

Khi Khánh chính thức trở thành chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân, quân số khoảng 500 người, tiểu thương chợ Đồng Xuân và các chợ lân cận thường thấy hình ảnh một ông chủ tịch đi xe jeep cùng vài tên vệ sĩ mặt bặm trợn lượn vè vè quanh khu vực để thị sát.

Khánh "trắng" còn tự ý phạt ôtô đi ngược chiều, phạt những người lấn chiếm lòng lề đường, thu phí của những người tỉnh xa ra vào khu vực chợ Đồng Xuân, Long Biên. Gã giang hồ đưa ra luật: Không ai được phép bốc dỡ hàng hóa của mình, bất kể khối lượng lớn hay bé. Toàn bộ số tiền thu được, đàn em đều phải nộp lại cho y. Hàng ngày, ngoài tổ trưởng, tổ phó (hầu hết là đám giang hồ cộm cán) phải báo cáo tình hình cho Khánh, các "mật thám" do Khánh cài cắm cũng gửi báo cáo cho y.

Tiểu thương nào không để cho quân của Khánh "trắng" bốc hàng, sẽ bị đám tay chân của hắn cà khịa, hành hung. Chính Khánh "trắng" sau này thừa nhận, đội quân của mình "vác" ít mà "bốc" nhiều. Vừa vác hàng chúng vừa lấy cắp, thậm chí cướp ngay trước mặt chủ mà không ai dám ho he. Những năm đó, tiểu thương chợ Đồng Xuân bị băng nhóm của Khánh o ép đủ đường, ai muốn làm ăn yên ổn, đều phải ngoan ngoãn tạo điều kiện cho chúng "làm việc".

Những mánh khóe để trở thành tỷ phú

Sau khi cháy chợ Đồng Xuân năm 1994, địa bàn hoạt động bị thu hẹp, việc tranh giành chợ tạm Phùng Hưng với Phúc "bồ" không có kết quả, Khánh "trắng" đã xâm lấn sang địa bàn bến xe và chợ Long Biên của Hùng "cuba". Gặp nhau thương lượng nhưng Hùng "cuba" không chấp nhận, Khánh "trắng" đã cho tay chân, đàn em của mình đón chặn tất cả các ngả đường, đầu vào chợ Long Biên và bến xe, buộc các chủ hàng phải cho chúng vận chuyển. Việc này khiến Hùng "cuba" không còn nguồn hàng hóa bốc xếp vận chuyển, buộc phải làm đội phó (trên danh nghĩa), trở thành người làm công ăn lương như những lao động khác.

Để hợp pháp địa bàn hoạt động, Khánh cho phát triển tổ chức công đoàn ở đội bốc xếp của Hùng "cuba", rồi cho sáp nhập hai tổ chức công đoàn này thành Nghiệp đoàn bốc xếp - vận chuyển chợ Đồng Xuân - Long Biên. Khi đã có vỏ bọc, Khánh "trắng" thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Hắn cho đàn em thành lập một tổ kiểm tra trật tự trong đội bao gồm những tên tay chân thân cận, chuyên đi phạt các tiểu thương, chủ hàng ra vào khu vực chợ Đồng Xuân - Long Biên. Mức phạt do chúng tự đặt ra, tiền thu được đều nộp cho Khánh.

Không những thế, Khánh còn khuyếch trương thanh thế qua một số hoạt động từ thiện bằng chính nguồn tiền lấy được của người lao động, để phục vụ danh lợi cá nhân của mình. Do vậy, đã không ít người lầm tưởng Khánh "trắng" là nhà hảo tâm.

Nghĩ mình đã có "địa vị", Khánh "trắng" không nộp một khoản thuế hoặc phí nào cho chính quyền cơ sở. Đến khi Chi cục thuế Hoàn Kiếm yêu cầu Khánh khai báo doanh thu, nộp thuế cho Nhà nước, hắn mới cho người làm các thủ tục. Ở địa bàn Long Biên, Khánh không khai báo và cũng không nộp thuế.

Từ năm 1994 đến tháng 5/1996, Khánh khai doanh thu với cơ quan thuế là trên 740 triệu đồng, chỉ nộp tổng số thuế doanh thu và lợi tức trong 3 năm hơn 62 triệu đồng. Trong khi đó, khám xét nhà Khánh, cơ quan công an thu được những chứng từ, tài liệu chứng minh doanh thu của Khánh trong 8 ngày đã gần 110 triệu đồng. Tính trung bình, doanh thu của Khánh trong gần 14 triệu đồng một ngày.

Sau này, theo tính toán của Cục Thuế Hà Nội, từ năm 1992 đến tháng 5/1996, tổng doanh thu của Khánh là hơn 5,5 tỷ đồng. Khánh đã gian dối không khai báo doanh thu hơn 4,8 tỷ đồng, trốn thuế hơn 350 triệu đồng.

>> Xem thêm clip: 3 nữ sinh bị Kẻ biến thái "dùng vật nhọn đâm vào mông" (Nguồn: VTC1)

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại