Nhưng đến một ngày, chị Đấp bất ngờ phát hiện số vàng mình giữ đã “không cánh mà bay”.
Khi cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, cuộc điều tra tưởng như đi vào ngõ cụt, thì thủ phạm bất ngờ lộ diện…
Một mất mười ngờ
Đầu tháng 3/2015, nghe tiếng la lớn cùng với tiếng khóc từ nhà chị Đinh Thị Đấp (28 tuổi, trú tại làng T1, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), mọi người kéo đến xem có chuyện gì xảy ra.
Tới nơi, chị Đấp vừa khóc, vừa kể cho mọi người biết rằng mình vừa mất một số vàng mà suốt thời gian lam lũ gần chục năm nay mới tích góp được, nay mẹ già yếu, chị định đem đi bán lấy tiền chữa bệnh thì bỗng nhiên phát hiện số vàng nói trên biến mất.
“Số vàng này được tôi bọc trong một túi vải, giúi sâu dưới chân tường để không ai biết, lâu lâu tôi mới mở ra kiểm tra một lần.
Nhưng đến trưa ngày 2-3, khi kiểm tra, tôi phát hiện số vàng đó đã “không cánh mà bay”, chị Đấp than thở với mọi người.
Vừa khóc, gia chủ vừa than vãn với mọi người, gia đình chị thuộc diện nghèo của thôn xóm, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào vài sào ruộng bậc thang, lúc nông nhàn anh chị đan gùi mây tre bán cho bà con thôn bản.
Trong khi đó, chị Đấp cũng bị bệnh viêm gan B, con thì bị bệnh tim bẩm sinh . Gánh nặng gia đình đều đổ dồn lên vai anh Dư, chồng chị.
Gia đình bố mẹ vợ anh Dư sống gần đó, cũng chẳng khấm khá gì, bà Đinh Thị Duẫn, mẹ vợ anh Dư (53 tuổi) lại mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.
Tiền làm thuê, làm mướn rồi buôn bán lặt vặt trong nhà ngoài chi cho sinh hoạt, ăn uống, anh chị còn giúp bố mẹ trang trải phần nào chi phí thuốc thang điều trị cho bà mấy năm nay.
Vất vả, tốn kém là thế, nhưng cả hai vợ chồng đều tu chí làm ăn, chăm chỉ. Làm được đồng nào, anh Dư đưa hết cho vợ lo cho cuộc sống hàng ngày.
Chị Đấp vốn tính tiết kiệm nên tằn tiện chi tiêu thường ngày bao nhiêu, còn đâu chị chắt chiu, dành dụm, giấu chồng tích cóp được một ít tiền mua vàng phòng lúc ốm đau sẽ dùng đến.
Cuối tháng 2/2015, bệnh tình của bà Duẫn vào giai đoạn nặng nên gia đình đưa bà tới viện điều trị, vợ chồng chị thay phiên nhau chăm sóc mẹ.
Để chi phí chữa bệnh cho mẹ, chị Đấp quyết định bán số vàng mình dành dụm bao năm để lo cho mẹ, nhưng đến khi cần thì lại không thấy số vàng ấy đâu cả.
Túi vàng biến mất, nghĩ mình cất ở đâu vẫn ở đấy, nếu mình không lấy thì chỉ có chồng là thủ phạm, chị Đấp càng có cơ sở để nghi ngờ chồng.
Mặc cho mọi người khuyên can nên đi trình báo CA thì chị Đấp lại gọi điện cho chồng về nhà có việc gấp.
Về tới nhà, thấy thái độ của vợ khác lạ và trong nhà ngoài ngõ, bà con trong làng đứng ngồi bàn ra tán vào, anh Dư lấy làm lạ.
Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì chị Đấp bước đến kéo chồng đến nơi kín đáo hỏi: “Anh có lấy vàng của tôi cất trong cái lỗ này không?”.
Nghe vợ hỏi, anh Dư hoảng hồn hỏi lại: “Vàng gì cơ chứ, nhà mình nghèo khó mà vàng đâu hả em, sao em lại hớ hênh bỏ vàng trong cái lỗ này?”.
Anh Dư ngớ người ra, bởi bao năm qua làm ăn kiếm tiền, anh đều đưa cho vợ, anh đâu ngờ vợ anh là người tằn tiện đem tiền sắm vàng cất đi phòng thân lúc nào.
Dù chồng giải thích hết lời, chị Đấp vẫn không tin mà một mực khẳng định chồng chính là thủ phạm.
Mỗi bên giữ quan điểm của riêng mình, chẳng bên nào chịu bên nào nên cuộc cãi vã đã nổ ra.
Khi anh Dư không thể tự minh oan, còn chị Đấp thì không thể tin tưởng, họ đã quyết định đến trình báo CQCA, nhờ điều tra tìm ra thủ phạm để chứng minh sự thanh sạch của mình.
“Mất vàng ra mặt chuột”...
Nhận được tin báo của vợ chồng anh Dư, CQCA huyện Hoài Ân xác định đây là vụ án khó. Sau khi rà soát, sàng lọc đều không nổi lên đối tượng nào nghi vấn trên địa bàn.
Trong khi đó, anh Dư cũng không nằm trong “tầm ngắm” nghi vấn của CQĐT.
Lẽ thường, người chồng này được CQĐT nhận định là người hiền lành, chăm chỉ, chịu khó làm lụng lo cho vợ, cho con, không nỡ lòng nào lại “khoắng” sạch tài sản của vợ.
Ngày 3/3, CA huyện Hoài Ân lại tiếp tục đến nhà vợ chồng chị Đấp khám nghiệm hiện trường lần nữa.
Trong lúc cuộc điều tra tưởng như đi vào ngõ cụt thì một cán bộ CA suy đoán:
Số vàng được đựng trong túi vải, chôn dưới chân tường, khu vực nơi nhà chị Đấp sinh sống lại gần đồi núi, có nhiều thú sinh sống. Biết đâu “thủ phạm” có thể là loài gặm nhấm là chuột?!
Nghĩ theo chiều hướng suy đoán của chiến sĩ CA, vợ chồng anh Dư cũng như sực nhớ, khu vực miền núi này, chuột thường đào hang làm tổ sinh sản và trú nắng mưa, có thể túi vải chôn lâu ngày dưới đất đã bị loài gặm nhấm này tha xuống hang.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhận định đây không phải là một vụ trộm cắp mà có thể tài sản khổ chủ do chuột “ lấy cắp ” nên cùng mọi người cất công tìm kiếm.
Một cuộc truy tìm “thủ phạm” kỳ lạ của lực lượng chức năng và nhiều người dân quyết làm sáng tỏ vấn đề, đồng thời giúp gia chủ tìm lại số tài sản đáng giá, xóa bỏ hiềm khích nghi ngờ lẫn nhau.
Căn nhà của chị Đấp vì thế mà bị lật tung mọi ngõ ngách.
Đến 16h ngày 3/3, CA đã tìm ra chiếc túi vải còn đựng nguyên vẹn số vàng nằm trong hang cách nơi cất giấu vàng 10m đang được “thủ phạm” trưng dụng vào việc... lót ổ.
Sau đó, toàn bộ số vàng bị lũ chuột tha đã được giao lại cho gia đình chị Đấp.
Tìm lại được số vàng tưởng đã mất, chị Đấp vui ra mặt và có phần ngượng nghịu, xấu hổ với mọi người vì nỡ nghi oan cho chồng.
Anh Dư không giận vợ mà cũng mừng và thở phào nhẹ nhõm. Gặp ai anh cũng khoe: “Vợ mình số chưa mất của, còn mình thì cái bụng vui lắm!”.
Câu chuyện bi hài về “kỳ án” mất trộm của một gia đình nghèo nhất ở làng T1, xã Bok Tới khiến nhiều người nghĩ lại thấy buồn cười và dí dỏm rằng nó thuộc án hài trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Sự việc “thủ phạm” lộ diện một cách bất ngờ khiến mọi người đều vui và tỏ ra thông cảm với gia chủ nhiều hơn.
Hạnh phúc nhất vẫn là anh Dư, người chồng vô tình bị “đám chuột” gián tiếp đẩy đến cuộc mâu thuẫn không đáng có.
Đây cũng là bài học cho mọi người cần phải nhìn nhận, đánh giá các sự việc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra bất cứ phán quyết hay nghi ngờ người khác.