Đóng cửa trốn trâu
Tường thuật của các nhân chứng và hồ sơ vụ án cho thấy sự việc như sau: Tối ngày 3/12/2010, ông Nguyễn Quốc Đạt chuyên nghề buôn trâu nhập 4 con trâu mua được vào lò mổ tập trung của ông Nguyễn Duy Do tại thôn 1, xã Cư Bur, thành phố Buôn Ma Thuột để giết mổ. Trâu chưa vào lò thì một trong bốn con đã nhảy vọt khỏi tường rào, xổng mất. Ông Đạt xách đèn đi tìm trâu cả đêm không thấy.
Mờ sáng ngày 4/12/2010, ông Nguyễn Ngọc Tính nhân viên hợp đồng của trạm Thú y thành phố, nhà ở tổ dân phố 6 phường Thành Nhất cách lò mổ không xa, thức dậy lò dò ra sau vườn, đang khoan khoái “tưới cây” thì bất ngờ, con trâu xồng xộc lao tới húc ông ngã qụy. Ông vừa gượng dậy lại bị “gã” trâu điên húc một phát như trời giáng vào giữa mặt khiến ông bay bổng rồi rơi bộp xuống đất, mặt đầy máu, bất tỉnh nhân sự.
Con trâu cắm đầu phi tiếp sang nhà bên cạnh lụi thẳng vào hạ bộ làm bể xương chậu, vỡ bàng quang một trung niên nghèo khó, thuê trọ kiếm sống bằng nghề phụ hồ, đang quét sân. Nghe hô hoán, người dân đổ ra vây đánh, con trâu chạy sang buôn Ky tiếp tục húc bà Nguyễn Thị Liên 53 tuổi đa chấn thương.
May đang ngày mùa, nhiều công nhân hái cà phê ở các khoảng rẫy quanh đó kịp ùa ra cứu bà Liên thoát khỏi con trâu hung hãn. Rốt cuộc, con trâu xổng lò đã húc bị thương cả nặng lẫn nhẹ tới 13 người, đè nát một chiếc xe máy trước khi lẩn trốn vào đồi thông, phường phải khẩn cấp phát loa thông báo yêu cầu dân chúng đóng cửa ở trong nhà khiến khu dân cư nhốn nháo.
Một số thanh niên vác dao và súng cao su rượt đuổi, truy sát con trâu khắp vùng. Mãi tới cuối chiều, khi cán bộ Tỉnh đội được lệnh nã 2 phát đạn vào đầu hạ gục “gã” trâu điên, khu phố mới bình yên trở lại.
Trong lúc đó, các nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, sau mấy ngày dần bình phục, ngoại trừ ông phụ hồ xui xẻo nghe nói bị… hỏng “của quý”, không tiểu tiện như bình thường được nữa, đã bỏ đi đâu mất, không ai rõ tung tích. Còn nạn nhân chao đảo, tốn kém nhất trong vụ trâu húc này, là gia đình ông Tính.
Công nhận con trâu điên là sản phẩm của mình, ông Đạt đã chân thành đến xin lỗi và bồi thường kẻ nhiều người ít cho từng nạn nhân. Tiền buôn gia súc mấy năm tích cóp mua được mảnh rẫy, ông Đạt bán rẻ lấy 60 triệu để đền bớt tội trâu điên. Riêng với ông Tính, ông Đạt 2 lần mang tiền đến xin góp phần chi phí thuốc men, tổng cộng 8 triệu đồng.
Ông Tính sinh năm 1961, cựu chiến binh từng có hơn 3 năm quân ngũ ở Mường Tè-Lai Châu. Hơn nửa năm sau ngày xuất ngũ năm 1983 với chiếc thẻ thương binh 2/4, mắt trái của ông mờ dần rồi hư hẳn, phải múc bỏ lắp mắt giả. Cú húc vỡ nhãn cầu của con trâu điên đã khiến ông tối sầm luôn mắt phải.
Thương chồng, vợ ông- bà Nguyễn Thị Tiến đã vay mượn gom góp mọi khoản để đưa ông đi điều trị khắp các nơi có thể, từ BV tỉnh tới BV Bạch Mai, BV Mắt Trung ương, BV Mắt Việt - Nhật rồi theo hướng dẫn của bác sĩ, bà tháp tùng ông qua tận Singapore.
Tại Singapore, chuyên gia nhãn khoa cho biết để mổ và chữa trị con mắt phải cho ông Tính, bà Tiến phải nộp viện phí 35.000 USD. Tới nước này thì bà đành… dìu ông về, ngồi khóc!
Ông Tính, bà Tiến.
Vợ chồng ông Tính có 2 con. Bà Tiến chỉ ở nhà nội trợ. Cậu trai đầu đang giúp việc cho một công ty tổ chức sự kiện, lương bổng bấp bênh. Con gái út học năm cuối đại học ở Đà Nẵng, đang lúc cần tiền, mà nhà ông bỗng dưng vừa chuốc nợ vì vụ trâu điên húc, vừa mất nguồn thu nhập chính bởi 2 mắt ông Tính không còn nhìn được gì, không lao động được nữa. Bà Tiến lại mới bị ngã, tay bó bột cả tháng chưa lành.
Tại chủ trâu hay chủ lò mổ?
Sau nhiều cuộc thương lượng bất thành, ông Tính làm đơn khởi kiện chủ lò mổ là ông Nguyễn Duy Do với lý do không đảm bảo an toàn để trâu xổng khiến ông thiệt hại nghiêm trọng.
Ngày 21/11/2013, TAND TP Buôn Ma Thuột đưa vụ “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do súc vật gây ra” ra xét xử. Bị đơn- ông Do và người có nghĩa vụ liên quan- ông Đạt cùng vắng mặt, Tòa vẫn xử. Nội dung sự việc theo bản khai các bên đã rõ.
Trâu nhốt trong lò của ông Do chờ giết mổ. Ảnh chụp chiều 20/12/2013.
Tuy nhiên, các khoản ông Tính kê đòi bồi thường thiệt hại lên tới hơn 902 triệu đồng bị Tòa gạt đi phần lớn, và Tòa xác định người để trâu xổng là ông Đạt chứ không phải ông Do, bởi ông Do không trực tiếp giết mổ gia súc mà chỉ cho thuê điểm mổ.
Rốt cục, Tòa tuyên ông Đạt phải bồi thường cho ông Tính hơn 119 triệu đồng, ngoài ra ông Đạt phải tiếp tục góp tiền nuôi dưỡng ông Tính mỗi tháng 4 triệu đồng kể từ ngày 22/11/2013 cho tới khi… ông Tính qua đời.
Ông Tính lập tức kháng cáo, cho rằng trâu của ông Đạt đã đưa vào lò mổ, việc trâu chạy ra khỏi lò mổ là lỗi của chủ lò chứ không phải chủ trâu. Ông Tính là cán bộ thú y của Trạm thú y thành phố Buôn Ma Thuột nên đã nhiều lần thị sát cơ sở giết mổ của ông Do. Thời điểm xảy ra sự việc, lò mổ của ông Do rào sơ sài, có đoạn chưa rào, nếu tường rào kiên cố trâu đã không dễ xổng như thế. Cả 2 ông Đạt và Do chia đôi khoản tiền phải bồi thường cho ông Tính mới công bằng.
Ngày 12/12/2013, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk ký quyết định kháng nghị toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 165 ngày 21/11/2013 của TAND TP Buôn Ma Thuột, đề nghị TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm để khắc phục lỗi nhận định, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, chưa khách quan, chưa toàn diện và chưa chính xác, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Ông Nguyễn Duy Do: Lò mổ của tôi là lò mổ dịch vụ theo chủ trương chống dịch của toàn thành phố, chuyên cho các chủ trâu, bò, heo đến thuê điểm giết mổ với mức phí mỗi con 30.000 đồng. Tôi chỉ có trách nhiệm về điện nước, vệ sinh an toàn thực phẩm khi hàng đưa ra thị trường. Tất cả chủ trâu đưa trâu vào đây đều phải tự giết mổ. Hôm đó ông Đạt chở trâu đến, đang cho hàng từ trên xe xuống, chưa báo với lò thì con trâu đã chạy. Buộc tôi đền bù là vô lý!