Đúng 8 giờ sáng ngày 29-7, tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao xét xử vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ” xảy ra vào sáng 5-1-2012, tại khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ở Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã bắt đầu.
Thẩm phán TAND Tối cao, ông Nguyễn Vinh Quang được phân công làm thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. Các thẩm phán Nguyễn Đắc Uyên, Đinh Thị Lý (thẩm phán TAND Tối cao); kiểm sát viên Lê Thụ Bình, đại diện VKSND Tối cao, tham gia Hội đồng xét xử (HĐXX). Thư ký phiên tòa gồm bà Tạ Thị Hương Lý, Thái Thị Thanh Bình (cán bộ tòa phúc thẩm TAND Tối cao).
Tại phiên xét xử phúc thẩm, 2 trong số 7 bị hại vắng mặt có lý do bận công tác hoặc bị ốm, phải chữa bệnh, đã có xác nhận của đơn vị, cơ quan đang công tác. Cũng tại phiên tòa, 3 Cán bộ thuộc Phòng Giám định pháp lý (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) được mời đến phiên tòa để đối chất về hồ sơ giám định. 5 nhân chứng khác được HĐXX triệu tập để làm rõ một số vấn đề có liên quan đến nội dung vụ án trong quá trình xét xử đã không có mặt.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn và người thân trong gia đình gồm luật sư Trần Vũ Hải; Hà Huy Sơn; Nguyễn Hà Luân; Vũ Văn Lợi; Nguyễn Việt Hùng, Đinh Xuân Nhật. Riêng ông Ngô Văn Thắng - luật sư bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vệ - vắng mặt, bị cáo Vệ đã xin được tự bào chữa cho mình. Còn luật sư Dương Văn Thành bảo vệ quyền lợi ích cho các bị hại.
Đến khoảng 9 giờ, HĐXX hoàn tất việc kiểm tra lý lịch các bị cáo, bị hại, người được mời tham dự phiên tòa và phổ biến quyền lợi, nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng. Các bị cáo, bị hại đều không yêu cầu thay đổi thành phần HĐXX và luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đại diện các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo, luật sư Trần Vũ Hải đề nghị HĐXX: Yêu cầu triệu tập các ông Lê Văn Hiền, Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa làm rõ việc có cưỡng chế ngoài vùng cưỡng chế 19,3ha hay không? Đồng thời yêu cầu ông Lưu Trọng Hân (trưởng đài Phát thanh huyện Tiên Lãng) để làm rõ về băng ghi hình vì ông Hân được giao nhiệm vụ ghi lại toàn bộ trước, trong và sau vụ cưỡng chế để làm tài liệu.
Luật sư cũng yêu cầu tòa triệu tập trung tá Lê Văn Nga, người ký văn bản thi hành công vụ từ phía các chiến sỹ của Ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng; ông Nguyễn Tất Thành (người có lời khai quan trọng); ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (người có lời khai quan trọng); đại diện UBND huyện Tiên Lãng, Công an huyện Tiên Lãng về việc thi hành công vụ.
Ngoài ra, luật sư yêu cầu HĐXX triệu tập 17 nhân chứng do bị cáo Đoàn Văn Vươn cung cấp; đại diện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV) về nội dung phóng sự phát ngày 5-1 tường thuật sự kiện rất chân thật và đã được công bố công khai; đại diện người ký biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 5-1-2012 để làm rõ các vấn đề trong biên bản.
Ngay sau đó, đại diện VKSND Tối cao cho rằng về đề nghị của luật sư Trần Vũ Hải, VKSND nhận thấy có đủ điều kiện triệu tập đến tòa những bị hại đồng thời là người tham gia công vụ trong vụ cưỡng chế đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý; không cần thiết triệu tập những người mà luật sư bào chữa cho bị hại yêu cầu.
Đến 9 giờ 15 phút, HĐXX tạm dừng để hội ý xem xét về yêu cầu của đại diện các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Sau khoảng 5 phút hội ý, HĐXX cho biết: không chấp nhận yêu cầu triệu tập những người mà luật sư Trần Vũ Hải yêu cầu vì không cần thiết.
Kết thúc phần tố tụng, HĐXX chuyển sang phần xét hỏi. Thẩm phán Nguyễn Vinh Quang công bố nội dung bản án sơ thẩm. Theo bản án sơ thẩm ngày 5-4-2013 của TAND TP Hải Phòng, bị cáo Đoàn Văn Vươn (SN 1963) bị tuyên phạt 5 năm tù; Đoàn Văn Quý (SN 1966) nhận 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh (SN 1957) nhận 3 năm 6 tháng tù; Đoàn Văn Vệ (SN 1974) nhận 2 năm tù về tội “Giết người” theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Hai bị cáo Phạm Thị Báu (tức Hiền, SN 1982, vợ ông Đoàn Văn Quý) bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng và Nguyễn Thị Thương bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội Chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật Hình sự.
Bản án sơ thẩm xác định, ông Vươn không tự nguyện chấp hành quyết định thu hồi hơn 19 ha đất đầm nên UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) tổ chức cưỡng chế. Sáng 5-1, khi một tổ công tác đi vào khu đầm, người nhà ông Vươn đã nổ súng chống đối làm 7 công an, quân nhân bị thương.
Các bị cáo đồng loạt kêu không đúng tội
Trong phần xét hỏi vào sáng nay 29-7, các bị cáo đều một mực kêu oan, không phạm tội giết người, chống người thi hành công vụ như nội dung bản án của phiên tòa phúc thẩm, mà chỉ là phòng vệ chính đáng…
Là người đầu tiên trả lời HĐXX phúc thẩm, bị cáo Đoàn Văn Vươn thừa nhận hành vi chuẩn bị súng bắn đạn hoa cải, nhồi thuốc nhổ, mua dây điện nối kích nổ bình gas, tẩm xăng vào rơm rạ… để chống lại lực lượng cưỡng chế.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Vươn nói rằng, khi nhận thông báo cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng, bị cáo đã trao đổi với Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ và một số người khác để chống lại, để “chuyển từ vụ án hành chính dân sự sang vụ án hình sự”.
Bị cáo này thừa nhận có chỉ đạo bị cáo Quý mua súng bắn đạn hoa cải, chuẩn bị thuốc nổ và dây điện để làm vũ khí chống lại lực lượng cưỡng chế. Tuy nhiên, bị cáo Vươn phủ nhận nhiều lời khai đã khai tại phiên tòa sơ thẩm.
Phần trả lời khác của bị cáo Vươn, chủ tọa phiên tòa cho rằng có những điều không giống với lời khai của bị cáo tại phiên xử sơ thẩm.
Sau bị cáo Vươn, HĐXX lần lượt xét hỏi đối với các bị cáo Đoàn Văn Sịnh, Nguyễn Thị Thương, Phạm Thị Báu và Đoàn Văn Vệ.
Trả lời câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, hầu hết các bị cáo đều cho rằng bản án sơ thẩm với việc truy tố tội danh “ Giết người” là không thỏa đáng và quá nặng.
Bị cáo Sịnh khá mệt mỏi khi đứng trước vành móng ngựa. Trả lời câu hỏi của Chủ tọa, bị cáo Sịnh cho biết khi bị cáo Vươn cùng với mọi người trong gia đình họp bàn để chống lại đoàn cưỡng chế, bị cáo Sịnh chỉ tham gia có một cuộc họp và trong cuộc họp này, Sịnh đã có ý kiến rằng mình không tham gia chống lại lực lượng cưỡng chế vì sức khỏe yếu mà chỉ tham gia làm đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi tới cơ quan chức năng.
Trong khi đó, Chủ tọa phiên nêu rõ, lời khai của Sịnh tại phiên tòa phúc thẩm khác hoàn toàn với lời khai tại phiên sơ thẩm, cũng như trước cơ quan điều tra vì trước đó bị cáo Sịnh đã khai nhận đầy đủ và chi tiết các hành vi phạm tội của mình.
Đến 11 giờ 20 phút, phiên tòa tạm nghỉ. Phần xét hỏi đối với các bị hại và người làm chứng sẽ bắt đầu vào 14 giờ cùng ngày.
Như báo Người Lao Động đã thông tin, phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Hải Phòng xử vụ “Giết người, chống người thi hành công vụ” diễn ra từ 2 đến 5-4-2012. Chiều ngày 10-4, đại diện cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm này.