Bí ẩn trong ngôi biệt thự

TRẦN VĂN |

Về sinh hoạt, hàng ngày nhóm người này sống khép kín, không giao tiếp với những người xung quanh, không khai báo tạm trú, luôn mua nhiều đồ ăn sẵn đóng gói.

Hành tung bất định

Được xem là một trong những khu nhà ở cao cấp trên địa bàn phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, nhưng vẫn còn khá vắng vẻ do xung quanh chưa có người ở, ngôi biệt L34 của gia đình bà Trịnh Thị Q., ở đường Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, xây xong đã lâu, rất khang trang nhưng vẫn để không.

Từ khoảng giữa năm 2014, Ngô Xuân Hiếu, sinh 1989, ở phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, đến thuê lại toàn bộ căn biệt thự với giá 8 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, vừa ký hợp đồng thuê nhà xong, Hiếu cho gia cố lại toàn bộ tường bao, sân phơi bằng rào sắt, dán kín toàn bộ cửa sổ, cửa ra vào và lắp đặt máy camera xung quanh.

Sau khi trang bị hệ thống an ninh, Hiếu đã ký hợp đồng thuê bao 2 đường truyền internet tốc độ cao, thường dùng cho các cơ quan, doanh nghiệp với giá mỗi gói cước là 2,5 triệu đồng/tháng.

Cũng trong khoảng thời gian từ cuối năm 2013 đến giữa năm 2014, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an còn phát hiện một nhóm người mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Nhóm người này nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu Nội Bài và Móng Cái, sau đó di chuyển về Hải Phòng thuê nhà ở dài hạn nhưng chỉ sống vài ba tháng lại bí mật chuyển đi nơi khác…

Một số đối tượng trong đường dây lừa đảo bị bắt giữ.
Một số đối tượng trong đường dây lừa đảo bị bắt giữ.

Cùng với việc thuê người Việt Nam không biết tiếng Trung Quốc đến phục vụ nấu nướng, giặt quần áo, các đối tượng còn thuê đường truyền internet tốc độ cao để sử dụng.

Trong số nhóm người này, cơ quan chức năng xác định có T., quốc tịch Đài Loan, đã 12 lần nhập cảnh vào Việt Nam.

T thuê nhà tại số 10/198 ngõ Hào Khê, phường Kênh Dương, quận Lê Chân, sống chung với Phạm Thị Nguyệt (tức Hiền), sinh 1983, quê xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, đã từng lấy chồng Trung Quốc, sau đó bỏ về Việt Nam làm nghề buôn cau.

Hàng ngày Nguyệt và Lee Chun Tien ngoài lúc ăn ở sinh hoạt tại ngõ Hào Khê thì thường xuyên qua lại căn biệt thự đầy bí ẩn L34, ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh.

Cơ quan Công an còn phát hiện một người đàn ông nữa là người nhà, cùng quê với Nguyệt cũng thường xuyên qua lại nhà số 8/88 đường Nguyễn Văn Linh, phương Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân.

Về sinh hoạt, hàng ngày nhóm người này sống khép kín, không giao tiếp với những người xung quanh, không khai báo tạm trú, luôn mua nhiều đồ ăn sẵn đóng gói và thuê người Việt Nam không biết tiếng Trung Quốc đến phục vụ nấu nướng, giặt quần áo.

Một ngôi biệt thự được các đối tượng thuê
Một ngôi biệt thự được các đối tượng thuê

Đi sâu điều tra xác minh, cơ quan Công an còn xác định, hàng ngày trong căn biệt thự ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh và nhà số 8/88 Nguyễn Văn Linh thực hiện hàng trăm cuộc điện thoại đến các số máy cố định hoặc đi động ở Trung Quốc, cũng như truy cập thường xuyên vào các trang web sử dụng tiếng Trung Quốc trên mạng internet.

Phối hợp với Cục PCTP - Công nghệ cao và Vụ đối ngoại (Bộ Công an), Công an thành phố Hải Phòng đã truy tìm được chủ thuê bao nhận các cuộc điện thoại, trong đó có Yang Yun, sinh 1962, ở đường Heng Yi, khu phố quận Jixia, thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.

Ngày 16-10, Yang Yun bị nhóm người gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt 5.000 NDT. Tương tự, một người khác là Lao Gia Gia, ở 402, số 302801 đường Đông Sơn, khu phố Đông, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, cũng bị lừa đảo chiếm đoạt 220 nghìn NDT.

Đột kích

Xác định có đủ căn cứ, điều kiện, ngày 13-10, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CATP đã ký quyết định thành lậpchuyên án HĐL1, do Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ làm thường trực, đấu tranh với nhóm đối tượng người nước ngoài.

Theo đó, Ban chuyên án đã lập kế hoạch chi tiết, cụ thể. Dự kiến từng tình huống cũng như xác định và phân công vai trò của từng lực lượng trong quá trình phá án.

Cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, các phòng nghiệp vụ Công an an thành phố Hải Phòng, xác định nhóm đối tượng có biểu hiện vi phạm về TTATXH, Ban chuyên án huy động cả lực lượng CSHS, CSCĐ và công an địa phương gồm quận Dương Kinh và Lê Chân.

Thực hiện kế hoạch phá án, 13h15 ngày 4-11, các lực lượng tham gia đồng loạt ra quân, bất ngờ kiểm tra 2 địa điểm trên và đã bắt quả tang 28 đối tượng, gồm 7 đối tượng là người Trung Quốc, 21 đối tượng là người Đài Loan, đang thực hiện các cuộc gọi điện thoại về Trung Quốc.

Tại hiện trường, cơ quan Công an thu giữ nhiều tang vật gồm máy vi tính, máy điện thoại bàn, các trang tài liệu có liên quan đến hành vi vi phạm của đối tượng.

Khai thác nóng các đối tượng bị bắt giữ, lực lượng phá an phát hiện các đối tượng còn tổ chức hoạt động phạm tội tại số G70A, khu biệt thự Mê Linh, cùng trên địa bàn phường Anh Dũng, quận Dương Kinh.

Tại đây, lực lượng công an bắt giữ thêm 14 đối tượng, gồm 3 đối tượng người Đài Loan và 11 đối tượng là người Trung Quốc.

Khẩn trương đấu tranh, các đối tượng đều thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình. Các đối tượng được một người Đài Loan thuê sang Việt Nam làm việc và hứa hẹn có thu nhập cao.

Sau khi trúng tuyển, các đối tượng được làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam và đưa đến các địa điểm đã định sẵn, đồng thời được hướng dẫn cách thức làm việc.

Đầu tiên các đối tượng được đọc các kịch bản, được giao các phương tiện là máy vi tính, máy điện thoại và phân công làm việc theo nhóm.

Theo đó, hàng ngày từ khoảng 8 giờ đến 14 giờ, các đối tượng thực hiện các cuộc gọi điện thoại internet (giao thức VoiP) gọi đến các số di động hoặc cố định của Trung Quốc.

Ở mỗi nhóm, các đối tượng phân chia thành 3 nhóm.

Trong đó, nhóm 1 có nhiệm vụ giả làm nhân viên Công ty chuyển phát nhanh ở Thượng Hải gọi điện thông báo cho khách hàng ở Bắc Kinh hoặc một tỉnh, thành phố nào đó cách xa Thượng Hải đến nhận bưu kiện.

Do ở xa và không quen người gửi nên nạn nhân nhờ công ty chuyển phát nhanh mở bưu kiện.

Lúc này các đối tượng của nhóm 1 thông báo lại cho nạn nhân trong bưu kiện có rất nhiều chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, yêu cầu người nhận phải báo công an hoặc trực tiếp đến giải quyết.

Sau đó các đối tượng hướng dẫn nạn nhân gọi điện đến cho Công an Thượng Hải theo số điện thoại của chúng cung cấp.

Lúc này là nhiệm vụ của nhóm 2. Bọn chúng giả danh Công an Thượng Hải thông báo cho nạn nhân biết, họ đang bị điều tra vì có liên quan đến một vụ án nghiêm trọng.

Vụ án nghi là rửa tiền hàng triệu NDT, do Công an Thượng Hải đang điều tra bí mật.

Trong quá trình giao dịch với người bị hại qua điện thoại, bằng các biện pháp kỹ thuật, đối tượng tạo các âm thanh tiếng động giống như đang ở cơ quan cảnh sát, làm tác động mạnh vào tâm lý nạn nhân, gây cho họ sợ hãi, lo lắng, buộc phải làm theo hướng dẫn của chúng.

Sau khi kết thúc công việc của 2 nhóm đầu, nhóm thứ 3 sẽ đưa ra những lời đề nghị tiếp theo nếu người bị hại thanh minh không liên quan đến vụ án.

Đối tượng hướng dẫn nạn nhân “giải quyết” bằng cách chuyển toàn bộ tài khoản cá nhân của mình từ ngân hàng vào tài khoản của “cơ quan công an” để kiểm tra.

Trong trường hợp không liên quan đến vụ án sẽ trả lại ngay, còn không thực hiện sẽ lập tức bị phong tỏa tài khoản, làm ảnh hưởng đến công việc…

Các đối tượng lừa đảo hướng dẫn nạn nhân sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua internet hoặc qua ATM.

Khi nạn nhân đã chuyển thành công, lập tức các đối tượng sử dụng người của chúng đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền của nạn nhân vừa chuyển rồi biến mất, đồng thời hủy luôn giao dịch.

Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt hàng trăm nghìn NDT của người bị hại…

Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật, đến ngày 6-11, Công an thành phố Hải Phòng đã bàn giao 18 đối tượng là người Trung Quốc cho Công an Trung Quốc tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh).

Ngày 11-11, tiếp tục bàn giao 24 đối tượng là người Đài Loan cho Tổng cục Cảnh sát Đài Loan, tại sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Ngay sau khi Công an thành phố Hải Phòng và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đấu tranh thành công chuyên án HĐL1, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền đã có Thư khen.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại