Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Nên vắng mặt vì đang điều trị bệnh tâm thần phân liệt.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, trong quá trình khởi tố, điều tra vụ án buôn lậu xăng dầu xảy ra tại Công ty TNHH Thành Phát, các bị cáo Ngô Thanh Phong và Nguyễn Văn Nên, nguyên là Trưởng và Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Tiền Giang, đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng số tiền vật chứng trong vụ án đem gửi tiết kiệm tại các ngân hàng để lấy lãi.
Theo đó, từ tháng 10.2002 đến năm 2004, 2 điều tra viên Bùi Văn Nhứt và Nguyễn Trường Sơn đã đứng tên cá nhân đem gửi tiết kiệm tại các ngân hàng số tiền 11,4 tỉ đồng và 206.050 USD bằng 25 sổ tiết kiệm.
Các sổ tiết kiệm này giao cho thủ kho Phạm Văn Út nhập kho. Đến kỳ trả lãi, Út giao sổ tiết kiệm cho Nhứt và Sơn tới ngân hàng rút lãi về nhập quỹ đơn vị. Cuối tháng 5.2004, khi vụ án chuẩn bị kết thúc điều tra, Út xuất kho 25 sổ tiết kiệm giao cho Nhứt và Sơn tới ngân hàng rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm đem về. Tổng số tiền lãi thu được là 968,8 triệu đồng.
Tháng 6.2004, Phạm Văn Út đứng tên cá nhân tiếp tục đem 12,1 tỉ đồng gửi vào ngân hàng.
Tổng cộng tiền lãi trong các lần gửi tiết kiệm là 1,368 tỉ đồng được nhập vào quỹ của Phòng CSĐT. Số tiền này được sử dụng vào việc mua sắm tài sản phục vụ sinh hoạt tại đơn vị và chi tiếp khách, chi tiền lễ, tết cho cán bộ, chiến sĩ. Sau khi vụ án bị khởi tố, hầu hết các cá nhân nhận tiền đều đã nộp lại cho cơ quan điều tra.
Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo Ngô Thanh Phong thừa nhận đã làm sai quy định của ngành, nhưng ông cho rằng cáo trạng đã không khách quan, đỗ hết lỗi cho ông, trong khi chủ trương đó được thống nhất trong cấp ủy và ban chỉ huy phòng, xuất phát từ ý kiến đề xuất của bị cáo Nguyễn Văn Nên.
Cũng từ sai phạm trên mà ông đã 2 lần bị kỷ luật: lần đầu bị cảnh cáo, lần sau cách chức trưởng phòng, giáng cấp từ đại tá xuống thượng tá và cho nghỉ hưu trước tuổi. Bị cáo Phong cho biết mình đang làm đơn xin bộ trưởng bộ công an xem xét thì bất ngờ bị Viện KSND tối cao khởi tố hình sự.
Trung úy thành đại úy
Bị cáo Phạm Văn Út cũng một mực kêu oan, cho rằng mình chỉ thực hiện theo lệnh của cấp trên, không phạm tội. Bị cáo Út cũng đề nghị đại diện Viện KSND, người giữ quyền công tố tại phiên tòa, trả lời câu hỏi: “Cùng có vai trò như nhau, vì sao cựu điều tra viên Bùi Văn Nhứt không phạm tội còn bị cáo thì bị truy tố?”.
Bùi Văn Nhứt nguyên là trung úy, điều tra viên thuộc Phòng CSĐT Công an Tiền Giang, đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân và buộc thôi việc vì vi phạm quy định của ngành. Trong vụ án này, Nhứt và Út có vai trò giống nhau là đem tiền vật chứng gửi ngân hàng. Khi còn tại chức, Nhứt bị tố cáo vay nợ hàng trăm triệu đồng không trả, là cấp bậc trung úy nhưng tự khắc dấu đại úy rồi đóng vào giấy mượn nợ. Khi bị cơ quan điều tra khởi tố thì Nhứt đã bỏ trốn.
Trong phần thẩm vấn, luật sư (LS) Trần Hải Đức (Đoàn LS TP.HCM, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nên và Út) hỏi Bùi Văn Nhứt: “Khi bị sa thải khỏi ngành công an anh mang cấp bậc gì?". Nhứt trả lời là “trung úy”. LS Đức: “Vậy có lúc nào anh khắc dấu đại úy rồi đóng vào giấy mượn nợ không?”. Nhứt trả lời có, vì “tới hạn lên đại úy rồi mà không lên được nên khắc dấu… đại úy!”.
LS Đức hỏi như vậy có dấu hiệu lừa đảo không, Nhứt trả lời “không thấy”. Hỏi có nhớ đã nhận bao nhiêu tiền từ nguồn tiền lãi gửi tiết kiệm không, Nhứt trả lời không nhớ, LS Đức liền đưa ra chứng cứ Nhứt đã nhận hơn 217 triệu đồng, nhưng chưa trả.
Trong phần luận tội, kiểm sát viên Võ Mỹ Bình, người thực hành quyền công tố theo ủy quyền của Viện KSND tối cao, cho rằng cáo trạng đã truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi đề nghị mức án có xét đến tình tiết giảm nhẹ như nhân thân và quá trình cống hiến của các bị cáo, vì vậy đã đề nghị khung hình phạt từ 18-24 tháng tù đối với bị cáo Phong và từ 12-15 tháng tù đối với bị cáo Út, nhưng cho hưởng án treo.
Không đúng thẩm quyền?
Trong phần tranh luận, LS Trần Hải Đức cho rằng các văn bản viện dẫn của người giữ quyền công tố tại phiên tòa đều là những văn bản hướng dẫn nội bộ ngành, không có giá trị cao hơn Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS). Ông khẳng định “CQĐT Viện KSND tối cao không có thẩm quyền và cơ sở pháp lý để điều tra vụ án này. Vì vậy kết luận điều tra không có giá trị pháp lý”.
Cụ thể, theo LS Đức, các bị cáo Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Phạm Văn Út bị CQĐT Viện KSND Tối cao khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 Bộ luật TTHS quy định các tội phạm về tham nhũng, tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, trong khi các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại các điều từ 292 tới 314 Bộ luật TTHS 1999.
“Căn cứ khoản 3, điều 110 Bộ luật TTHS 2003, khoản 2, điều 3 Luật tổ chức Viện KSND năm 2002, khoản 1, điều 5; khoản 1 điều 18 Pháp lệnh điều tra hình sự năm 2004 cho thấy việc CQĐT Viện KSND tối cao khởi tố vụ án là không đúng thẩm quyền”, LS Đức khẳng định.
Về hành vi đem tiền vật chứng gửi ngân hàng lấy lãi của các bị cáo Phong, Nên và Út là trái quy định của ngành, trước đó các đương sự đã bị Bộ Công an xử lý: Bị cáo Phong bị cách chức, giáng cấp và cho về hưu sớm; bị cáo Nên bị cách chức trưởng công an huyện, bị giáng cấp từ thượng tá xuống trung tá và Phạm Văn Út bị cách chức đội trưởng, giáng cấp từ thiếu tá xuống đại úy.
Theo LS Đức thì 3 người này đã bị xử lý hành chính ở mức cao nhất nhưng hành vi này không cấu thành tội phạm theo điều 281 Bộ luật TTHS.
Tại phiên tòa, LS Trần Hải Đức đề nghị hội đồng xét xử tuyên 3 bị cáo Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên và Phạm Văn Út không phạm tội, đồng thời kiến nghị khởi tố đối với Bùi Văn Nhứt về tội vu khống, cho rằng bị Công an Tiền Giang “truy bức, truy sát”.
Sau khi nghe ý kiến tranh luận của các luật sư, thẩm phán Huỳnh Xuân Long tuyên bố phiên tòa tạm nghỉ để nghị án và chiều 24.6 sẽ tuyên án.