Ấn Độ bị Pháp "chơi" và nỗi thất vọng mang tên vũ khí nội địa: Người giàu cũng khóc!

Ngọc Huy |

Được coi là cường quốc mới nổi, gần đây Ấn Độ rất tích cực nâng cao năng lực quốc phòng của mình thông qua việc tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài qua các hợp đồng vũ khí tỷ USD.

Tuy nhiên, quá trình trên của Ấn Độ không diễn ra một cách suôn sẻ, khi New Delhi dường như là "con gà đẻ trứng vàng" đối với các nhà thầu vũ khí quốc tế, hơn là một đối tác với họ. "Quả đắng" hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ 4+ Rafale có thể là minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Nỗi thất vọng mang tên… vũ khí nội địa

Có thể khẳng định rõ ràng, sau nhiều thập kỷ được tập trung đầu tư, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ đang thể hiện không tương xứng với số tiền và kỳ vọng từ New Delhi.

Có rất nhiều vấn đề dẫn tới thực trạng như vậy, nhưng rõ ràng sự thiếu nhất quán, đấu tranh nội bộ, tham nhũng và thiếu các công nghệ quân sự lõi có thể coi là nguyên nhân chính.

Ngành công nghiệp quốc phòng yếu kém đã dẫn tới việc hàng loạt sản phẩm vũ khí, trang bị quân sự nội địa của Ấn Độ dù rất được kỳ vọng nhưng lại thường xuyên chậm tiến độ, chi phí phát triển đội lên cao và thậm chí là trở nên lạc hậu trước cả khi xuất hiện.

Ví dụ cho điều này có thể rất dễ dàng nhìn thấy qua các chương trình phát triển xe tăng Ajrun và máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas của Ấn Độ.

Ấn Độ bị Pháp chơi và nỗi thất vọng mang tên vũ khí nội địa: Người giàu cũng khóc! - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas.

Quá trình phát triển những dòng vũ khí này đều kéo dài nhiều thập kỷ, mắc phải quá nhiều lỗi kỹ thuật và đến khi ra mắt đều bị Quân đội Ấn Độ từ chối. Đâu có thể coi là sự lãng phí rất lớn đối với ngân sách quốc phòng của quốc gia Nam Á này.

Nhận thức rõ về sự yếu kém của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, nhiều năm qua, Ấn Độ rất tích cực tìm kiếm khả năng tiếp cận các công nghệ quân sự hiện đại từ nước ngoài. Để làm được điều này, New Delhi thường sử dụng phương thức "muốn câu được cá to, phải cần mồi béo". Đó là việc mở các gói thầu mua vũ khí lớn trị giá nhiều tỷ USD.

Tuy nhiên, yêu cầu tiên quyết của Ấn Độ là phải được chuyển giao công nghệ và sản phẩm vũ khí trúng thầu phải dần được nội địa hóa thông qua việc thiết lập dây chuyền lắp ráp trên lãnh thổ nước này.

Chiến lược này của Ấn Độ cũng gặt hái được một số thành công, khi New Delhi đã chủ động đầu tư tài chính cho Tập đoàn Sukhoi phát triển biến thể Su-30 dành riêng cho nước này.

Kết quả là phiên bản Su-30MKI với nhiều đặc điểm đáp ứng được yêu cầu của phía Ấn Độ ra đời. Ngoài ra, có thể kể tới dự án hợp tác phát triển tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos với Nga cũng đạt những kết quả đáng chú ý và trở thành vũ khí tấn công lợi hại của Quân đội Ấn Độ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chiến lược trên của Ấn Độ cũng gặt hái được thành công và gói thầu MMRCA với sản phẩm máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trúng thầu là một điển hình.

Với mong muốn đa dạng hóa nguồn cung và tiếp cận công nghệ quân sự từ nhiều nguồn khác nhau, Ấn Độ đã chỉ ra tới gần 200 triệu USD cho mỗi máy bay Rafale (gấp 3 lần giá thành một máy bay Su-30MKI) để được tiếp cận sản phẩm công nghệ hàng không hiện đại của Pháp.

Nhưng mọi chuyện diễn ra không được như mong muốn của Ấn Độ và sớm đổ vỡ với phần thiệt về bên Ấn Độ. Điều này xảy ra tất nhiên là có nguyên nhân…

Ấn Độ bị Pháp chơi và nỗi thất vọng mang tên vũ khí nội địa: Người giàu cũng khóc! - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-30MKI và máy bay tiếp dầu trên không IL-78.

"Người giàu cũng khóc"

Việc hợp đồng trị giá tới hơn 10 tỷ USD với phía Pháp hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ máy bay Rafale đổ vỡ có thể là do:

Như đã nói ở trên, sự yếu kém của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, thiếu các nền tảng công nghệ và công nghiệp phụ trợ cần thiết, New Delhi không thể "tiêu hóa" được các công nghệ quân sự được chuyển giao, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, cần nhiều thời gian thực nghiệm như hàng không quân sự.

Một trong những lý do khiến hợp đồng cung cấp Rafale đổ vỡ là việc phía Pháp từ chối cấp chứng nhận quản lý chất lượng đối với các máy bay Rafale lắp ráp tại Ấn Độ, cũng như cung cấp một số công nghệ lõi liên quan.

Paris có cái lý của mình để làm việc đó, đối tác phía Ấn Độ là hãng chế tạo hàng không HAL trong quá khứ đã từng có tiền sử biến "lợn lành thành lợn què" với các gói sửa chữa, nâng cấp với máy bay Mig-21, Su-30MKI.

Phía Pháp liệu có dám mạo hiểm cấp kiểm chứng chất lượng với các máy bay Rafale do HAL lắp ráp. Và khi hoạt động, nếu chúng gặp trục trặc hoặc tai nạn, danh tiếng của Rafale, niềm tự hào của công nghiệp quốc phòng Pháp, sẽ đổ sông, đổ biển.

Ấn Độ bị Pháp chơi và nỗi thất vọng mang tên vũ khí nội địa: Người giàu cũng khóc! - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-30MKI và Rafale đang là xương sống của Không quân Ấn Độ.

Một yếu tố nữa cần nhắc đến là Ấn Độ đang là quốc gia quá tiềm năng hay "gà đẻ trứng vàng" với các nhà thầu vũ khí quốc tế với các hợp đồng khủng, trong đó có cả Pháp. Ở khía cạnh này, có thể thấy, nếu Pháp chuyển giao sâu công nghệ của máy bay Rafale cho Ấn Độ giúp nước này tự chủ được việc sản xuất máy bay chiến đấu nội địa thì sẽ là thiệt thòi lớn cho phía Pháp.

Paris sẽ tự nhiên mất đi những hợp đồng mua vũ khí, trang bị quốc phòng nguyên chiếc, cũng như các gói hợp đồng cung cấp dịch vụ hậu mãi và nâng cấp với Ấn Độ.

Về vấn đề này không khó để lấy ví dụ! Vài năm trước, Ấn Độ đã phải chi ra hơn 2 tỷ USD để nâng cấp 50 máy bay chiến đấu Mirage-2000 với giá thành thậm chí còn cao hơn cả so với mua một tiêm kích MiG-29 mới. Điều này trong tương lai có thể diễn ra tương tự với các tiêm kích Rafale Ấn Độ nhập khẩu nguyên chiếc từ Pháp.

Vậy liệu Pháp có vì cái lợi trước mắt là chuyển giao công nghệ máy bay Rafale cho Ấn Độ thông qua một hợp đồng cả gói hay vì cái lợi lâu dài với các hợp đồng hậu mãi và nâng cấp… Câu trả lời rõ ràng đã nằm ở vế sau.

Dù được chọn là người thắng cuộc của gói thầu MMRCA, nhưng phía Pháp chỉ đồng ý cung cấp các máy bay Rafale lắp ráp nguyên chiếc. Việc này đã đẩy Ấn Độ vào thế khó và buộc phải mua 36 máy bay Rafale và kết thúc hợp đồng.

Rõ ràng sự việc xảy ra với hợp đồng cung cấp máy bay Rafale sẽ không là lần cuối cùng Ấn Độ "bị hớ". Chiếc vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục lắp lại và để thoát khỏi nó sẽ không phải việc một sớm, một chiều với Ấn Độ!

Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất máy bay trực thăng Ka-226

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại