Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Mali, Đại tá Sadio Camara, bà Parly đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ tăng cường năng lực cho các lực lượng vũ trang Mali. Bà nêu rõ Pháp và các đối tác quốc tế sẽ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ và cố vấn tại quốc gia này.
Bà cho biết cuộc chiến chống khủng bố tại Sahel đã không bị ảnh hưởng kể từ khi xảy ra binh biến tại Mali, song điều quan trọng là phải thảo luận các kế hoạch lâu dài và vạch ra các chiến dịch mới.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, liên quan đến tình hình thực địa, bà Parly cho biết quân đội Pháp tiêu diệt hơn 50 phần tử thánh chiến có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda trong các cuộc không kích tại miền Trung Mali.
Chiến dịch diễn ra ngày 30/10 tại khu vực gần biên giới Burkina Faso và Niger. Cuộc không kích được thực hiện sau khi máy bay không người lái phát hiện một đoàn xe mô tô lớn tại khu vực biên giới ba nước.
Theo bà Parly, chiến dịch này giáng một đòn mạnh vào nhóm khủng bố Hồi giáo Ansarul liên kết với al-Qaeda, hoạt động ở khu vực Boulikessi, gần biên giới với Burkina Faso.
Nhóm Hồi giáo Ansarul từng nhận là thủ phạm đứng sau nhiều vụ tấn công chống lại quân đội Burkina Faso. Mỹ đã liệt nhóm này vào danh sách khủng bố vào đầu năm 2018.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm trên, bà Parly đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống lâm thời Mali Assimi Goita. Dự kiến bà cũng sẽ gặp Tổng thống lâm thời Mali Bah Ndaw.
Ngày 18/8 vừa qua, binh biến đã xảy ra ở Mali khi nhóm binh sĩ tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ.
Vài giờ sau đó, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội. Sau binh biến, chính quyền quân sự ở Mali đã cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp hoạt động trong vòng 18 tháng để đưa nước này chuyển sang chế độ dân sự sau binh biến.
Ngày 25/9, ông Bah Ndaw, một đại tá nghỉ hưu, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Mali, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình chuyển tiếp này.
Pháp hiện có 5.100 binh sĩ đồn trú tại vùng Sahel của châu Phi, trong đó có Mali. Đây là một phần trong chiến dịch chống các phần tử thánh chiến mang tên Barkhane. Bạo lực đã bùng phát tại Mali kể từ năm 2012, khiến hàng nghìn binh sĩ và dân thường thiệt mạng.
Giao tranh với các phần tử thánh chiến đã lan sang cả các nước láng giềng Burkina Faso và Niger, bất chấp sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại đây.