Iceland được thế giới và đặc biệt là các tuyển thủ Pháp dành cho sự tôn trọng đáng kể sau chiến tích đánh bại ĐT Anh để lọt tới tứ kết EURO. Tuy nhiên, chỉ sau vỏn vẹn 45 phút thi đấu, sự thật về hiện tượng Iceland đã sớm bị lột trần.
Nhiều người vui tính đã so sánh Iceland với Leicester . Đất nước Iceland và thành phố Leicester đều có cùng số dân 330.000 người, 2 tập thể cùng mặc áo xanh, cùng chơi thứ bóng đá chắc chắn, kỷ luật và máu lửa, cùng có những CĐV mang theo tinh thần viking lên khán đài.
Và điểm giống nhau nhất: Cả Iceland và Leicester cùng… sỉ nhục bóng đá Anh. Iceland loại ĐT Anh khỏi EURO 2016, còn Leicester đăng quang tại Premier League cũng giống như một lời sỉ nhục dành cho nền bóng đá thừa thãi CLB gọi là đại gia, nhưng chất lượng thì không xứng tầm đại gia chút nào.
ĐT Anh đã để Iceland đánh bại một cách đầy bất ngờ.
Nhưng cái kết của người Iceland thì không giống Leicester. Đã không có một chú quạ được hóa chim công tại EURO lần này, giống như Leicester đã bất ngờ làm được ở Premier League.
Người ta nói rằng, chỉ có ở Anh mới xuất hiện những câu chuyện cổ tích mang tên Leicester . Bởi trình độ bóng đá Anh thật sự đang có vấn đề. Nó kém cỏi đến mức khó hiểu.
Còn Iceland đơn giản may mắn được gặp ĐT Anh mới tạo ra bất ngờ. Nhưng ngay khi gặp một đối thủ mạnh thật sự, gặp phải một nền bóng đá được đầu tư nghiêm túc và có những cầu thủ giỏi thật sự như Pháp, sự thật về năng lực của Iceland nhanh chóng bị phơi bày.
Pháp thậm chí không cần chơi với tất cả sự máu lửa, không cần đủ những cầu thủ tốt nhất vẫn dễ dàng quật ngã Iceland và lột trần bộ mặt thật của nền bóng đá Anh – một nền bóng đá kém cỏi nhưng luôn tự ru ngủ mình rằng: Chúng tôi hấp dẫn nhất hành tinh.
Trong một bài viết sau thất bại của ĐT Anh và nối tiếp sự kiện HLV Roy Hodgson xin từ chức, cây bút đoạt giải: Phóng viên thể thao xuất sắc nhất năm 2015 Matthew Syed (tờ The Times) viết: Bóng đá Anh không phát triển nổi vì tư duy của người Anh tụt hậu rất xa so với thế giới.
Phát triển một nền bóng đá cần tầm nhìn xa và rộng. Người Đức muốn vô địch World Cup cần quá trình chuẩn bị lên tới 10 năm.
Trong khi đó, phần lớn các HLV Anh, các nhà làm quản lý bóng đá ở Anh đều chỉ có tầm nhìn gói gọn trong… 1 năm. Điều này diễn ra ở cả cấp độ CLB lẫn ĐTQG.
ĐT Anh có năng lực bình thường nhưng luôn được "thổi" lên rất cao.
ĐT Anh chỉ giống như một phiên bản copy lỗi của các nền bóng đá khác. Sau năm 1998, Anh học lỏm ĐT Pháp. Trong giai đoạn hưng thịnh của Tây Ban Nha, Tam Sư muốn đá kiểu của Tây Ban Nha. Còn sau World Cup 2014, Anh áp dụng nguyên xi những gì ĐT Đức đã làm.
Trong quá khứ, bóng đá Anh cho dù không có nhiều chiến công hiển hách nhưng chí ít, người Anh có bản sắc, có những nhân tài thật sự.
Tại EURO 1996, những gì Paul Gascoigne làm được đã chứng minh anh là một tài năng lớn. Đến ngay cả ĐT Đức – đối thủ đã hạ gục Anh cũng ngả mũ trước Gazza.
Bóng đá Anh bây giờ đã ngừng sản sinh nhân tài, nhưng người Anh vẫn phát triển đội tuyển của họ như thể xử sở sương mù vẫn ngập tràn những Gascoigne của quá khứ.
Hãy nhìn chính ĐT Pháp. Khi không còn những Zidane, Thierry Henry, Pires… trong đội hình, Pháp không chạy theo hình bóng của quá khứ mà tìm những nhân tố mới, tạo nên một ĐT Pháp mới, thay vì cố gắng tìm ra những phiên bản 2 của Zidane hay những người kế thừa Henry.
Trong khi Pháp có nhiều tài năng kế cận, bóng đá Anh vẫn rất mịt mù.
Dĩ nhiên là thắng lợi trước Iceland , dù có hoành tráng đến mấy cũng chưa thể coi là thước đo chính xác cho nền bóng đá Pháp.
Nhưng ít ra, Pháp vừa tặng Anh một "cái tát" đau điếng. Đến một đối thủ như Iceland mà Anh cũng có thể bị tiễn về nước thì quả thật họ không xứng đáng đi tiếp tại EURO lần này.
Pháp 5-2 Iceland