Một tàu cá di chuyển qua eo biển Manche giữa đảo Anh và bờ biển phía Bắc của Pháp. Ảnh: PA
Các bộ trưởng Anh thông báo chỉ 12 trong tổng số 47 đơn xin giấy phép sẽ được phê duyệt cho các tàu Pháp dưới 12 m đánh bắt ở vùng biển nước Anh. Ngư dân Pháp ngày càng tức giận về cách Anh kiểm soát việc tiếp cận của các tàu thuyền Liên minh châu Âu (EU) vào vùng biển của mình sau khi Anh rời khỏi khối.
Phía London cho biết họ đã theo đuổi một cách tiếp cận hợp lý, cấp gần 1.700 giấy phép cho các tàu thuyền của EU đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Anh, khu vực được xác định cách bờ biển 12-200 hải lý. Trong khi đó, Anh xác nhận đã cấp 117 giấy phép đánh bắt cho khu vực 6-12 hải lý.
Chính phủ Anh hôm 28-9 cho biết trong một tuyên bố: "Liên quan đến khu vực 6-12 hải lý, các tàu của EU phải cung cấp bằng chứng về hồ sơ theo dõi hoạt động đánh bắt trong các vùng biển đó".
Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin gọi đây là hành động từ chối mới của Anh trong việc áp dụng các điều kiện của thỏa thuận BREXIT. Bà Girardin cho rằng ưu tiên duy nhất của bà là có được giấy phép cho các ngư dân Pháp theo quy định của thoả thuận.
Anh lý giải các đơn xin cấp phép khác đã bị từ chối vì không cung cấp đầy đủ bằng chứng cho thấy các tàu thuyền đã đánh bắt trong khu vực từ năm 2012 đến năm 2016 như quy định trong thỏa thuận hậu BREXIT đạt được hồi năm ngoái giữa London và Brussels.
Theo Telegraph, London khẳng định cách tiếp cận của họ là hợp lý và hoàn toàn phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại và Hợp tác (TCA). Danh sách các tàu được cấp phép sẽ được công bố trong ngày 29-9.
Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune đã đe dọa có hành động trả đũa trong khi các lãnh đạo ngư dân Pháp gọi động thái của Anh là lời tuyên chiến trên biển và trên bộ. Các ngư dân ở Tây Bắc nước Pháp cũng dọa sẽ đáp trả bằng cách ngăn hàng hóa của Anh đến châu Âu rời cảng.
Diễn biến mới hôm 28-9 có nguy cơ đẩy mối quan hệ giữa Thủ tướng Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên mức căng thẳng mới sau rạn nứt gần đây liên quan đến hiệp ước quốc phòng Anh-Úc-Mỹ (AUKUS).
Ông Michel Barnier, nhà đàm phán về vấn đề BREXIT trước đây của EU, cho rằng quyết định của Anh có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho quan hệ Anh-Pháp.
Bộ Thủy sản của Pháp trước đó cũng cảnh báo phản ứng của họ sẽ "tương xứng với hành động từ Anh" khi các quan chức Pháp được cho là đang thảo luận về biện pháp đối phó cùng với Brussels hôm 28-9.