Pháo từ trường của Mỹ không đáng sợ như quảng cáo

Anh Minh |

Chưa đến một năm sau khi tuyên bố hải quân Mỹ đã ‘đầu tư đầy đủ” vào chương trình súng/pháo từ trường được quảng cáo rùm beng, chủ nhiệm tác chiến hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson có vẻ đã bắt đầu nhận thấy hối hận khi chương trình siêu súng trị giá 500 triệu USD gặp vấn đề.

Xuất hiện trước cử tọa tại Atlantic Council , một tổ chức nghiên cứu tư vấn chuyên về các vấn đề quốc tế ở Mỹ mới đây, ông Richardson đã nói về hệ thống vũ khí được phát triển cả chục năm qua với năng lực bắn đạn đạt tốc độ siêu thanh nhưng đang mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan khi không có phương tiện thích hợp để thử nghiệm. “Việc phát triển vũ khí không nên diễn ra theo chiều hướng đó”, ông nói.

“Chúng tôi biết nhiều thông tin từ dự án và việc xây dựng thứ gì có thể xử lý nhiều năng lượng từ trường như thế mà không phát nổ là điều thực sự thử thách”, ông Richardson được báo Business Insider dẫn lời.

"Vì thế, chúng ta vẫn phải tiếp tục sau việc này- chúng ta sẽ lắp đặt nó, chúng ta sẽ tiếp tục phát triển nó, thử nghiệm nó. Nó là một hệ thống vũ khí tuyệt vời, vì thế nó sẽ được triển khai đi đâu đó, tôi hy vọng thế”, đô đốc Richardson nói thêm.

Đó thực sự là một thực tế khác so với sự tự tin mà Đô đốc Richardson thể hiện tại một buổi điều trần trước quốc hội Mỹ hồi tháng 3/2018, chỉ vài tháng sau bản tin của tạp chí Task & Purpose nói hồi tháng 12/2017 rằng hệ thống pháo từ trường có thể không bao giờ thoát ra khỏi giai đoạn nghiên cứu phát triển vì thách thức về kỹ thuật trong việc tích hợp loại vũ khí này lên tàu chiến và, quan trọng hơn là sự thay đổi trong thứ tự ưu tiên của Văn phòng Năng lực chiến lược, Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hải quân Mỹ thử pháo từ trường

Lúc đó ông Richardson đã đảm bảo trước các nghị sỹ quốc hội bằng các bằng chứng về tiến trình phát triển súng từ trường. “Chúng tôi đã đầu tư đầy đủ vào hệ thống pháo từ trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm nó”, ông Richardson được Military.com dẫn lời.

"Chúng tôi đã chứng minh tính năng của nó ở cấp độ bắn cường độ thấp và… tầm ngắn. Bây giờ chúng tôi sẽ phải giải quyết các vấn đề kỹ thuật để, đại loại như, nâng tầm cho nó để đạt đến tốc độ bắn mong muốn, ở tầm bắn 120-150km”.

Task & Purpose trước đó từng đưa tin rằng Văn phòng Năng lực chiến lược, Bộ Quốc phòng Mỹ đang chuyển sự tập trung vào các loại đạn siêu thanh, đặc biệt là đạn ban đầu được phát triển cho súng từ trường nhưng vẫn hiệu quả khi bắn đi từ pháo thông thường.

Trong thực tế, hải quân Mỹ đã thử nghiệm đạn siêu thanh trên pháo hạm Mk-45 có cỡ nòng 127mm trên tàu USS Dewey trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) hồi tháng 8 năm ngoái.

Hôm thứ Năm tuần trước, đô đốc John Richardson, người đứng đầu hải quân Mỹ, đã xác nhận sự chuyển hướng của Văn phòng Năng lực chiến lược. “Đạn siêu thanh cũng sử dụng được với gần như mọi loại pháo chúng ta có.

Nó có thể được triển khai vào kho vũ khí của hải quân rất, rất nhanh và độc lập với pháo từ trường”, đô đốc Richardson nói. Ông cũng không quên vớt vát: “Vì thế, nỗ lực (của chúng tôi) là nền tảng cho nhiều tiến bộ. Chúng tôi chỉ cần gia tăng tốc độ với pháo từ trường”.

Một năm trước, đô đốc Richardson đã cố thuyết phục các nhà lập pháp rằng “chuyện chương trình súng từ trường chết yểu chỉ là phóng đại quá đáng”, theo tường thuật của trang Military.com.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại