Theo ông Dmitry Shorkov, hiện tại Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn sử dụng một số lượng lớn xe tăng lội nước PT-76. Qua hàng chục năm sử dụng chúng đã trở nên lạc hậu, vì vậy nhu cầu nâng cấp hay thay thế là cần thiết.
Đã có một vài phương án đề xuất như loại bỏ tháp pháo cũ để tích hợp module tác chiến AU-220 với khẩu pháo tự động cỡ 57 mm như Nga đang chào hàng, hoặc cách làm khác là Việt Nam đang tự hiện đại hóa bằng cách trang bị cho tháp pháo hộp thiết bị ngắm bắn quang điện tử trong nước sản xuất.
Tuy vậy những hướng đi trên bị nhận xét là vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề, về lâu về dài Việt Nam vẫn nên lựa chọn một loại xe tăng lội nước hoàn toàn mới, mà trong đó tác giả đề xuất 2S25 Sprut-SDM là phương tiện thích hợp.
Khẩu pháo tự hành diệt tăng (xe tăng hạng nhẹ) này được cho là đáp ứng mọi nhu cầu của cả Lục quân lẫn Hải quân đánh bộ Việt Nam, nhất là sau khi chúng ta đã đặt hàng 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK.
Pháo tự hành diệt tăng (xe tăng hạng nhẹ) 2S25 Sprut-SD
Tuy nhiên để pháo tự hành diệt tăng 2S25 Sprut-SD/SDM có mặt tại Việt Nam, chúng được dự báo sẽ phải vượt qua một số rào cản tương đối lớn sau đây.
Trước hết là về giá cả, theo số liệu được trang National Creation Wiki đưa ra thì lúc này đơn giá một chiếc Sprut-SD lên tới 4,5 triệu USD, tức là đắt hơn cả xe tăng T-90S và ngang hàng T-90MS. Nhu cầu của Việt Nam với phương tiện này là có nhưng chưa cấp thiết đến mức phải bỏ ra số tiền lớn đến vậy.
Sở dĩ Sprut-SD có giá thành cao là vì Quân đội Nga vẫn chưa thực sự đặt trọn niềm tin vào nó dẫn tới số lượng sản xuất mới chỉ được một lượng nhỏ, gây ra thiếu lợi thế về quy mô, các mẫu chế tạo phải gánh thêm chi phí phát triển.
Truyền thống mua sắm vũ khí của Việt Nam vốn thiên về những chủng loại đã chứng minh được năng lực bền bỉ qua thời gian dài hoạt động, yếu tố quan trọng này 2S25 Sprut-SD/SDM lại chưa thực sự thỏa mãn.
Vỏ giáp cùng khả năng bơi không thực sự là điểm mạnh của chiếc xe tăng hạng nhẹ này
Tiếp theo, do phát triển từ khung gầm xe thiết giáp nhảy dù BMD-3 mà vỏ giáp của Sprut-SD rất mỏng manh khi thân cấu tạo từ hợp kim nhôm, cung cấp mức độ bảo vệ chưa đủ vững chắc. Mức giá quá cao để mang về một phương tiện dễ tổn thương bởi các loại vũ khí diệt tăng thông thường sẽ khiến khách hàng phải cân nhắc kỹ.
Ngoài ra nếu biên chế Sprut-SD cho Hải quân đánh bộ thì khả năng bơi của nó cũng cần xem lại. Mặc dù có 2 động cơ phản lực nước nhưng chiếc xe tăng hạng nhẹ này không thực sự linh hoạt lúc đổ bộ, tốc độ bơi lớn nhất của nó chỉ đạt 10 km/h, thua kém rất nhiều con số 45 km/h của loại ZTD-05 do Trung Quốc sản xuất.
Thêm vào đó, động cơ diesel đa nhiên liệu 2V-06-2S lắp đặt cho Sprut-SD vẫn đang bị phàn nàn về độ ổn định, thường xảy ra các sự số hỏng hóc, thậm chí luôn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ.
Với những mặt tồn tại trên, triển vọng để "phương tiện độc nhất vô nhị" này theo cách gọi của người Nga được lăn bánh xích trên Dải đất hình chữ S vẫn còn khá xa vời.
Pháo tự hành diệt tăng (xe tăng hạng nhẹ) 2S25 Sprut-SD trình diễn tính năng