Khi các lực lượng Ukraine tiến hành cuộc phản công để giành lại các vùng lãnh thổ đã mất, họ cần rất nhiều lựu pháo để tấn công các cứ điểm của đối phương, đồng thời hỗ trợ hỏa lực cho xe tăng và bộ binh.
Trong số các loại lựu pháo mà Ukraine tiếp nhận, pháo tự hành AS-90 do Anh cung cấp được cho là ưu việt hơn nhiều so với các loại lựu pháo mà nước này có trước đây. AS-90 không chỉ có khả năng bắn nổ các mục tiêu cách xa hơn 30km, mà còn có thể tấn công ở chế độ liên hoàn.
AS90 được trang bị lựu pháo 155 mm/L39. Ảnh: Military Vai trò của lựu pháo
Trong nhiều thế kỷ qua, đại bác và pháo thường được sử dụng làm vũ khí nhắm bắn trực tiếp trên chiến trường và bắn hạ những mục tiêu của đối phương có thể quan sát bằng mắt thường. Theo thời gian, sự ra đời của các loại pháo cỡ lớn, có tầm bắn xa hơn khiến các lực lượng pháo binh của 2 phe tham chiến có thể nhắm mục tiêu lẫn nhau. Điều đó buộc các hệ thống pháo phải được đặt cách xa tiền tuyến, nằm ngoài tầm quan sát trực tiếp và dựa vào quỹ đạo đạn đạo để bắn trúng mục tiêu.
Trong Thế chiến thứ nhất, hầu hết các hệ thống pháo đều nằm phía sau giới tuyến. Những khẩu pháo đó được gọi là lựu pháo. Với đường đạn vòng cung, tầm bắn đến vài chục km, lựu pháo cho phép xạ thủ có thể tấn công những địa điểm nằm khuất sau vật cản. Nhờ đặc điểm này, chúng thường được sử dụng với số lượng lớn.
Sức mạnh của pháo binh đã giúp chuyển đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường và mang lại lợi thế cho bên phòng thủ, từ đó buộc các lực lượng tham chiến phải xây dựng những chiến hào dài hàng trăm km để bảo vệ binh sỹ của họ.
Trong những ngày đầu của Thế chiến 2, các cuộc xung đột trên khắp châu Âu đã làm gia tăng nhu cầu về những loại lựu pháo đặt trên khung gầm xe tải hoặc xe bọc thép có khả năng di chuyển cùng với các đoàn xe tăng và xe cơ giới di chuyển nhanh chóng trên chiến trường. Loại vũ khí này chính là lựu pháo tự hành, có thể theo kịp các đơn vị tấn công, cung cấp hỏa lực khi cần thiết và phá hủy những cứ điểm kiên cố của đối phương.
"Cánh tay đắc lực" trong cuộc phản công của Ukraine
AS-90 bắt đầu phục vụ trong quân đội Anh vào những năm 1990. Tổ hợp pháo tự hành này có trọng lượng khoảng 45 tấn, chiều dài 9,9 m, chiều rộng 3,4 m và chiều cao 3m. Hệ thống sử dụng động cơ diesel Cummins VTA-903T-660 V-8 có công suất 660 mã lực kết hợp với hộp số hoàn toàn tự động Renk LSG 2000, cho phép di chuyển nhanh chóng với tốc độ 51km/h, có khả năng vượt chướng ngại vật cao 0,75 m, vượt hào rộng 3 m và lội nước sâu 1,5 m.
Tổ hợp AS-90 được trang bị pháo L39 tương thích với tất cả các loại đạn 155 mm tiêu chuẩn của NATO. AS-90 có hệ thống nạp đạn tự động, cho phép bắn loạt 30 viên đạn trong vòng 10 giây, tốc độ bắn thông thường là 2 phát/phút, bắn nhanh là 6 phát/phút. Pháo có tầm bắn từ 25km với đạn thường và 30 km với đạn pháo có động cơ rocket hỗ trợ. Hệ thống được trang bị giáp thép hàn với chiều dày không quá 17 mm, giúp chống chịu hỏa lực của súng bộ binh và các mảnh đạn nhỏ.
Anh đã cung cấp cho Ukraine 32 tổ hợp pháo tự hành AS-90, chiếm 1/6 tống số lựu pháo này trong kho dự trữ của họ. AS-90 hoạt động hiệu quả hơn so với lựu pháo 2S3 Akatsiya do Liên Xô phát triển vào những năm 1970, hiện đang được Nga và Ukraine sử dụng. Akatsiya có tầm bắn 16km và tốc độ bắn tối đa là một phát/phút.
Tốc độ bắn và tốc độ nạp đạn nhanh của AS-90 giúp các đơn vị pháo binh Ukraine có thể nhanh chóng di chuyển đến các vị trí bắn mới, sau đó quay về điểm ban đầu để tránh bị đối phương phát hiện và dội hỏa lực đáp trả. Điều này sẽ giúp giảm tổn thất cho lực lượng pháo binh Ukraine. Với sự hỗ trợ của Anh, Kiev có thể triển khai 5 khẩu đội AS-90, mỗi khẩu đội có 6 hệ thống pháo, ra chiến trường.
Khả năng bắn loạt của AS-90 giúp nó trở thành "cánh tay đắc lực" trong cuộc phản công của Ukraine tỏng bối cảnh Ukraine thiếu máy bay hỗ trợ trên không. Nhưng vấn đề duy nhất đối với Ukraine là họ có quá ít tổ hợp pháo tự hành này. Do đó, việc mất bất cứ tổ hợp AS-90 nào trên chiến trường cũng sẽ là tổn thất lớn đối với Ukraine.