Pháo đài quốc gia – Đòn phép cuối cùng của Goebbels

Đông Quân |

Những ngày này cách đây 75 năm, Đệ Tam đế chế - nước Đức Quốc xã đang tiến những bước cuối cùng đến bờ vực của sự sụp đổ. Tuy nhiên, khi cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người kết thúc chỉ bốn tháng sau đó, vẫn có rất nhiều tranh cãi về việc: Vì sao quân Anh và quân Mỹ lại không tiến đến Berlin trước Hồng quân Liên Xô?

Theo tác giả William L.Shirer của cuốn "bách khoa toàn thư về Đệ nhị Thế chiến" mang tên Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba, dường như điều đó cũng có phần tác động không nhỏ từ bậc thầy tuyên truyền của phát-xít Đức, Joseph Goebbels.

Những gọng kìm siết lại

Tháng 2-1945, hầu như không còn cơ hội nào để nước Đức Quốc xã lật ngược thế cờ nữa. Sáu tháng sau cuộc đổ bộ Normandy, liên quân Anh - Mỹ đã tiến được những bước quan trọng ở Tây Âu, hỗ trợ cho đà tổng tấn công bão táp của Hồng quân Liên Xô tại phía Đông.

Pháo đài quốc gia – Đòn phép cuối cùng của Goebbels - Ảnh 1.

Nguyên soái Liên Xô Georgi Zhukov và Thống tướng Mỹ Ike Eisenhower - khi vòng vây khép chặt.

Thế "binh bại như núi đổ" trên chiến trường mới chỉ là một phần của bức tranh tổng thể xám xịt, như màu quân phục sĩ quan Đức. Dưới những trận mưa bom của không quân Anh - Mỹ, cả vùng công nghiệp Ruhr trở nên hoang tàn.

Trong khi đó, vùng Thượng Silesia ở phía bên kia cựu lục địa bị Hồng quân tiến chiếm. Nước Đức Quốc xã gần như không còn than đá, khi sản lượng sụt xuống chỉ còn bằng 20% so với năm trước.

Hơn thế, việc vận chuyển than đá nhằm nuôi dưỡng những làn hơi tàn của bộ máy chiến tranh Đức còn gian nan gấp bội, bởi tất cả mọi hệ thống đường sắt và kênh đào đều bị đánh phá dữ dội.

Đô đốc Karl Doenitz - Tư lệnh Hải quân Đức Quốc xã - kêu trời vì quá nhiều tàu dưới quyền ông phải nằm bờ vì thiếu than. Song, chẳng làm thế nào khác được. Trên đất liền, hàng trăm nhà máy phát điện và cơ sở sản xuất vũ khí cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Nhiên liệu trở thành "tử huyệt" của quân đội từng một thời gieo rắc kinh hoàng khắp châu Âu ấy. Đầu Đệ nhị Thế chiến, trước khi đánh tới sát Moskva, Adolf Hitler từng phải xua quân xuống chiếm giữ các giếng dầu ở Romania và Hungaria, thì nay, Hồng quân lấy lại tất cả.

Cùng lúc, các nhà máy sản xuất dầu nhân tạo bị vùi dập bởi các trận không kích. Không có nhiên liệu, không quân Đức không thể cất cánh đánh trả, hay chí ít là tự bảo vệ các cơ sở đó. Những chiếc máy bay sơn thập tự đen cứ nằm yên một chỗ trên đường băng, đợi kẻ thù đến phá hủy.

Không quân đã thế, thiết giáp lại càng bi thảm. Sau trận đấu tăng kinh điển đại bại trước những khối xe tăng T34 đông đúc của Hồng quân Liên Xô tại "vòng cung lửa" Kursk, những thiết đoàn "Hổ - Báo" lừng lẫy một thời xem như không còn sinh lực chống trả. Và chúng cũng cần dầu, dù chỉ là để di chuyển vào các vị trí phòng thủ.

Cuối tháng 2/1945, quân Đồng minh Mỹ - Anh - Pháp bắt đầu vượt sông Rhine. Ngày 7/3/1945, tất cả các đại đoàn quan trọng nhất đã hoàn tất việc chiếm các đầu cầu quan trọng. Xe tăng của tướng Mỹ Patton ruổi thẳng đến Frankfurt. Ở phía Nam, quân Anh - Canada và vài đơn vị Mỹ tiến vào vùng Ruhr.

Pháo đài quốc gia – Đòn phép cuối cùng của Goebbels - Ảnh 2.

Hitler và Goebbels.

Ngày 18-3-1945, Bộ trưởng Khí tài và Vũ trang Đức Albert Speer ghi lại: "Có thể chắc chắn là trong vòng 4 đến 8 tuần, nền kinh tế sẽ sụp đổ. Và cuộc chiến sẽ không thể tiếp tục".

Sự hỗn loạn bao trùm tại Tổng hành dinh của "Fuehrer" (Lãnh tụ - cách tôn xưng mà nước Đức Quốc xã sử dụng với Hitler). Ngoài kia, các đại đoàn Anh - Canada dưới quyền thống chế Montgomery đã tiến đến Bremen, Hamburg, rồi khống chế cả vùng Baltic.

Vùng Ruhr đã chính thức bị quân Mỹ chiếm. Họ nhanh chóng tiến đến sông Elbe ở trung tâm nước Đức. 11/4, quân Mỹ đóng lại tại Magdeburg, chỉ cách Berlin 100km. Và lúc ấy, Berlin chỉ còn vài sư đoàn tân binh bảo vệ.

Khi ấy, Hồng quân mới bắt đầu tiến dọc sông Danube vào phần lãnh thổ vẫn được gọi là nước Áo. Liên Xô dường như chú trọng đến việc tăng cường khả năng kiểm soát bền vững của mình ở mọi lãnh thổ Đông Âu - nhằm thiết lập vành đai bảo vệ cho mình trong tương lai - hơn là cố gắng xua quân thần tốc nhằm chạy đua với những người đồng minh phía Tây.

Quân bài tuyệt vọng

Chính là bởi vậy, Thủ tướng Anh Winston Churchill cùng giới lãnh đạo quân sự Anh sau này không ngớt phàn nàn về việc Eisenhower "nhường" Hồng quân tiến vào Berlin trước, để thiết lập một hình ảnh biểu tượng vĩnh cửu: Tấm ảnh người chiến sĩ Hồng quân cắm cờ trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức.

Giới nghiên cứu lịch sử quân sự quốc tế nói chung cũng ít người đồng ý rằng "thiện chí" đó của Eisenhower là để đền đáp cho những hy sinh vô bờ của quân dân Liên Xô - quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất về người trong Đệ nhị Thế chiến. Và William L.Shirer đưa ra một cách lý giải khác.

Vào thời điểm đó, khi hội quân tại sông Elbe, Eisenhower - Tổng chỉ huy các lực lượng Đồng minh phương Tây (Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Australia, New Zealand…) muốn cắt nước Đức ra làm đôi, theo tuyến ngang, để hạn chế mọi nguy cơ có thể xuất hiện từ sự vùng vẫy của một con mãnh thú tử thương.

Cũng có thể, ông muốn tránh cho binh sĩ Mỹ khỏi phải chiến đấu và tổn thất thêm nữa, trên những đường phố Berlin đầy bất trắc.

Nhưng không chỉ vậy, ông và Bộ tham mưu của mình còn bị ảnh hưởng bởi một thông tin mà quân báo thu lượm được từ tháng 3/1945: Nước Đức Quốc xã đang xây dựng một pháo đài kiên cố tại vùng rừng núi, và chính Hitler sẽ rút về đó, tiếp tục chỉ huy cuộc phòng thủ từ những vách đá dựng đứng lởm chởm phủ đầy băng tuyết của dãy Alps, tại nơi gọi là Biệt thự nghỉ dưỡng Berchtesgaden (được chính trùm SS Heinrich Himmler đôn đốc xây dựng).

Những bản báo cáo cho thấy rằng, nếu thực sự hiện hữu, khu vực đó là "không thể đánh chiếm". "Ở đó, được che chắn bởi thiên nhiên và những vũ khí hữu hiệu nhất chưa được phát minh, các thế lực từ trước tới nay điều hành nước Đức sẽ tái tổ chức.

Họ sẽ chế tạo vũ khí trong các nhà máy chống bom, lưu trữ thực phẩm trong những hang núi rộng rãi, đặc tuyển một đoàn quân mới gồm những người trẻ được huấn luyện về chiến tranh du kích, và rồi sẽ tái vũ trang cũng như chỉ đạo cả quân đội để giải phóng nước Đức khỏi các lực lượng chiếm đóng"…

Nhận được bản báo cáo đầy màu sắc "huyền thoại" này, Eisenhower không muốn khinh suất. Tham mưu trưởng Bedell Smith của ông cũng tỏ ra ngán ngại "một chiến dịch kéo dài trong vùng rừng núi Alps", có thể gây tổn thất nặng cho binh sĩ Mỹ và kéo dài cuộc chiến đến vô tận. Và thế là Eisenhower muốn đích thân mang quân xuống phía Nam, kiểm soát chặt mọi nẻo đường tiến về dãy Alps ấy.

Nhưng ai ngờ, bản báo cáo đó chính xác là một "huyền thoại". Quân báo Đồng minh có lẽ đã mắc bẫy của một "bậc thầy tuyên truyền", cha đẻ của mệnh đề: "Sự dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thật" - Joseph Goebbels.

Pháo đài quốc gia – Đòn phép cuối cùng của Goebbels - Ảnh 3.

Vị trí của Pháo đài quốc gia Alpine.

Chứng kiến sự suy tàn không thể tránh khỏi của Đệ tam đế chế, viên cận thần thân tín bậc nhất của Hitler đó đã huy động đến neuron thần kinh cuối cùng.

Trước câu chuyện về nơi được gọi là "Pháo đài quốc gia" (hoặc Pháo đài Alpine - Alpenfestung/Alpine Fortress) này, chính Goebbels cũng là tác giả của huyền thoại về một thứ "vũ khí nhiệm màu" đủ sức thay đổi cục diện cuộc chiến - bom bay.

Dù các dàn phóng bom bay V1 và V2 đã liên tiếp bị quân Đồng minh thu giữ trên đường hành quân, dấu ấn của chúng vẫn đủ để Eisenhower nghi ngại.

Có điều, đó cũng là lần cuối cùng Tiến sĩ Goebbels đầy mưu mẹo làm ảnh hưởng đến được tiến trình của cuộc chiến, bằng một màn "tháu cáy tuyên truyền" như vậy. Và chỉ có thế thôi. Thất bại của nước Đức Quốc xã là tất yếu.

Nguyên soái Zhukov chẳng cần vội vã. Những đoàn xe tăng sơn hình sao đỏ dưới tay ông, lúc nào chẳng sẵn sàng san phẳng Berlin…

* Tính đến tháng 2-1945, chỉ riêng lực lượng liên quân Anh - Pháp - Mỹ đã lên đến 85 sư đoàn (khoảng 4 triệu quân), cùng 17.000 máy bay. Thống tướng Eisenhower từng nghĩ rằng quân Đức sẽ lấy sông Rhine làm hào, và thiết lập một phòng tuyến tử thủ phía sau dòng nước xiết rất khó vượt qua ấy.

Thống chế Von Rundstedt đã tham mưu đúng như vậy, nhưng Hitler cương quyết áp dụng lại phương thức yêu thích: Không lùi một bước nào. Kết quả là sau khi bị đánh tan, quân Đức thương vong và bị bắt thêm 350.000 lính, cùng phần lớn khí tài quân sự ở phía Tây.

* Quả thực, Hitler cũng từng có ý định rút về vùng rừng núi ở biên giới bang Bayern với nước Áo - quê nhà của mình, để tiếp tục chống cự. Nhưng nhà độc tài đã lưỡng lự, và cuối cùng, mọi việc đều trở nên muộn màng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại