Phao cứu sinh kịp thời đến Ấn Độ

Xuân Mai |

Lô hàng y tế nước ngoài đầu tiên đã đến Ấn Độ, trong khi một số nước tạm gác căng thẳng để giúp New Delhi chống dịch Covid-19

Lô hàng vật tư y tế quan trọng của Anh đến New Delhi - Ấn Độ ngày 27-4 Ảnh: REUTERS

Lô hàng vật tư y tế quan trọng của Anh đến New Delhi - Ấn Độ ngày 27-4 Ảnh: REUTERS

Chuyến hàng vật tư y tế quan trọng từ Anh, gồm 100 máy thở và 95 máy tạo ôxy, đã đến New Delhi - Ấn Độ ngày 27-4. Pháp cũng đang gửi các máy tạo ôxy có thể cung cấp ôxy kéo dài cả năm cho 250 giường bệnh. Lô hàng đầu tiên của Pháp dự kiến đến Ấn Độ trong tuần tới. Ngay cả Trung Quốc, vốn đang căng thẳng với Ấn Độ về vấn đề biên giới, cũng cho biết sẽ nỗ lực cung cấp nguồn cung y tế cho nước láng giềng.

Lô hàng hỗ trợ y tế của Anh đến Ấn Độ cùng ngày nước này ghi nhận 323.144 trường hợp mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca lên hơn 17,6 triệu - chỉ sau Mỹ. Với 2.771 trường hợp tử vong mới trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong do dịch Covid-19 tại Ấn Độ đến nay là 197.894.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Theo mô hình dự báo của Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) ở Mỹ, số ca tử vong mỗi ngày do Covid-19 ở Ấn Độ sẽ đạt đỉnh vào ngày 16-5, với hơn 13.000 người chỉ trong một ngày.

Ấn Độ cũng đã điều động lực lượng vũ trang hỗ trợ các bệnh viện ứng phó với tình trạng các ca mắc mới gia tăng nhanh chóng. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Bipin Rawat cho biết ôxy sẽ được gửi đến các bệnh viện từ nguồn dự trữ của lực lượng vũ trang. Đồng thời, các quân nhân nghỉ hưu cũng được huy động tới các cơ sở y tế để hỗ trợ chống dịch.

Theo hãng tin AP, các quốc gia khác như Mỹ, Đức, Israel và Pakistan cũng đã cam kết hỗ trợ y tế cho Ấn Độ. Các quốc gia này cho biết sẽ cung cấp ôxy, xét nghiệm chẩn đoán, phương pháp điều trị, máy thở và đồ bảo hộ để giúp Ấn Độ vào thời điểm khủng hoảng mà người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mô tả là "hơn cả đau lòng".

Tình hình cũng không khá hơn tại Campuchia. Bộ Y tế nước này ngày 27-4 ghi nhận thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 82 trong khi tổng số ca mắc là 11.063, bao gồm 10.513 ca mắc liên quan sự kiện lây nhiễm cộng đồng hôm 20-2. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã khiến chính quyền Campuchia gia hạn phong tỏa thủ đô Phnom Penh và TP Kandal đến ngày 5-5.

Trong chỉ thị được Thủ tướng Hun Sen ký hôm 26-4, chính quyền nước này quyết định chia các khu vực phong tỏa trong thủ đô Phnom Penh thành "vùng đỏ", "vùng cam" và "vùng vàng" - tương ứng với mức độ nguy cơ lây nhiễm cao, trung bình và thấp. Người dân tại những khu vực nằm trong "vùng đỏ" sẽ bị cấm di chuyển và buộc ở nhà, trừ các lý do y tế như đến các điểm xét nghiệm, tiêm vắc-xin và các trường hợp khẩn cấp khác. Do các biện pháp phòng chống dịch khiến người dân sống trong nhiều khu vực phong tỏa không thể ra ngoài mua lương thực, chính quyền Campuchia ngày 27-4 đã huy động các cơ quan chức năng phân phát thực phẩm cho người dân.

Trong khi đó, Thái Lan ngày 27-4 ghi nhận 15 ca tử vong mới do Covid-19, lập kỷ lục về số ca tử vong trong ngày lần thứ 3 trong vòng 4 ngày, nâng tổng số người tử vong lên 163. Tổng số ca mắc Covid-19 đã tăng lên 59.687 sau khi có thêm 2.179 ca mới ngày 27-4. Đứng trước làn sóng dịch Covid-19 thứ 3, chính phủ Thái Lan buộc phải tăng cường các biện pháp phòng dịch mới, bao gồm lệnh phong tỏa tại thủ đô Bangkok và các khu vực có rủi ro cao khác. Chính quyền vùng đô thị Bangkok đã quyết định đóng cửa 31 loại hình kinh doanh trong 2 tuần kể từ ngày 26-4.

Chính phủ Thái Lan cũng chuẩn bị các biện pháp mới trị giá hơn 300 tỉ baht (tương đương 9,5 tỉ USD) để hỗ trợ người dân, kích thích tiêu dùng trong nước nhằm phục hồi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Trong ngày 28-4, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ gặp các nhóm công nghiệp, bao gồm Phòng Thương mại Thái Lan và Hội đồng Du lịch Thái Lan, để thảo luận về cách thức đẩy nhanh việc triển khai vắc-xin mà cho đến nay mới đạt dưới 1% dân số được tiêm phòng. Các doanh nghiệp cũng kêu gọi triển khai chiến dịch tiêm phòng vắc-xin nhanh hơn, trong đó khu vực tư nhân sẽ tài trợ một phần chi phí.

Pakistan nâng cao cảnh giác

Pakistan đã triển khai quân đội tới 16 thành phố lớn nhằm hỗ trợ chính quyền địa phương thực thi các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.

Giới chức Pakistan cũng cảnh báo hệ thống y tế đất nước sắp quá tải. Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết nếu rơi vào tình cảnh như Ấn Độ, nước này sẽ phải áp dụng lệnh phong tỏa. Pakistan hiện ghi nhận hơn 804.939 ca mắc Covid-19 và 17.329 ca tử vong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại