Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bắt tay với Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Victor Khrenin trong cuộc gặp ở Minsk, Belarus ngày 25/5. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/Reuters
Theo hãng thông tấn TASS, trong cuộc họp báo hôm 25/5, ông Miller đã chỉ trích thỏa giữa Moskva và Minsk về việc lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại một cơ sở ở Belarus.
“Nhưng chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh quan điểm hạt nhân chiến lược của mình hay nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Miller nói thêm. Đồng thời, ông nhắc lại cảnh báo sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” nếu vũ khí sinh học, hóa học hoặc hạt nhân được sử dụng trong xung đột.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng cho biết trong cuộc họp báo cùng ngày: “Chúng tôi vẫn giữ cam kết phòng vệ tập thể của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”. Bà Jean-Pierre cho biết Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.
Bình luận của giới chức Mỹ được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin đã ký kết các văn kiện xác định quy trình triển khai vũ khí hạt nhân của Nga tại một cơ sở đặc biệt trên lãnh thổ Belarus.
Theo ông Shoigu, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus là do căng thẳng gia tăng với phương Tây. “Trong bối cảnh leo thang cực kỳ nghiêm trọng các mối đe dọa ở biên giới phía Tây của Nga và Belarus, quyết định đã được đưa ra để thực hiện các biện pháp đối phó trong lĩnh vực quân sự - hạt nhân”, ông Shoigu nói.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh các biện pháp mà Moskva và Minsk đưa ra tuân thủ tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế hiện có.
Trước đó, hôm 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố theo yêu cầu của Minsk, Moskva sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông Putin nhấn mạnh quyết định này tương tự những gì Mỹ đã thực hiện từ lâu trên lãnh thổ của các đồng minh. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ quá trình xây dựng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus sẽ hoàn tất trước ngày 1/7 tới.
Nga đã cung cấp cho Belarus các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân và giúp Minsk tái trang bị máy bay quân sự mang vũ khí chuyên dụng. Đồng thời, phi công và lực lượng tên lửa của Belarus đã trải qua khóa đào tạo ở Nga.
Belarus có biên giới phía Tây giáp với ba thành viên NATO - gồm Ba Lan, Litva và Latvia. Minsk đã cho phép Moskva sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cáo buộc phương Tây “âm mưu xâm chiếm Belarus” và việc Nga bố trí vũ khí hạt nhân sẽ giúp bảo vệ nước này khỏi các mối đe dọa.