Tên lửa Storm Shadow tại Triển lãm Hàng không Farnborough. Ảnh: AFP
Theo nguồn thạo tin, các quan chức trong Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang “thở phào nhẹ nhõm” trước quyết định gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine của Anh, bước đi mà Washington không muốn thực hiện.
Nhật báo NatSec của Politico nhấn mạnh quan điểm của Washington sẽ không thay đổi và Lầu Năm Góc sẽ không gửi Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) tới Ukraine, ngay cả khi London hy vọng dẫn đầu nỗ lực này.
Theo báo cáo ban đầu, Bộ Quốc phòng Anh đã “bày tỏ quan tâm” tới việc cung cấp loại vũ khí có khả năng tấn công trong phạm vi lên tới 300 km cho Ukraine. Đề xuất này được đưa ra trong một thông báo của Quỹ Quốc tế về Ukraine do Anh đứng đầu, tổ chức đóng vai trò như một phương tiện vận chuyển viện trợ quân sự cho Kiev.
Tập đoàn Quốc phòng châu Âu MBDA cho biết thông số kỹ thuật và năng lực mẫu vũ khí mà Anh nêu trong đề xuất giống với tên lửa hành trình Storm Shadow tối tân, có tầm bắn trên 250 km - vốn được nhà sản xuất vũ khí này chế tạo cho Quân đội Anh và Pháp.
Storm Shadow có vận tốc tối đa 1.000 km/h, đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250-560 km tùy biến thể. Không giống như ATACMS đạn đạo phóng từ mặt đất, Storm Shadow phải được bắn từ một bệ phóng trên không, nhưng có tầm bắn tương đương.
Kiev từ lâu đã kêu gọi các nhà viện trợ phương Tây cung cấp vũ khí có khả năng tấn công các mục tiêu từ xa, giúp họ tấn công các căn cứ quân sự và trung tâm hậu cần của đối phương ở sâu phía sau tiền tuyến. Ukraine đồng thời cam kết không tấn công lãnh thổ mà Mỹ và các đồng minh công nhận là của Nga.
Tên lửa Storm Shadow do Anh và Pháp chế tạo từ những năm 1990 và được sử dụng trong một số hoạt động quân sự của Anh, trong đó có cuộc tấn công ở Syria mà Mỹ, Anh và Pháp cùng tiến hành năm 2018 sau cáo buộc Damascus triển khai vũ khí hóa học ở Douma.
Tờ The Washington Post tiết lộ khả năng Anh gửi tên lửa tầm xa hơn tới Ukraine cũng đã được đề cập trong tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc.
Tuy nhiên, nguồn tin nhấn mạnh chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về việc cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine. Song đề xuất này được coi là bước quan trọng để Anh cung cấp tên lửa có tầm bắn xa nhất từ trước tới nay cho Ukraine.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hơn 1 năm trước, các nước phương Tây đã cung cấp cho Kiev nhiều loại vũ khí khác nhau - bao gồm tên lửa phòng không, hệ thống phóng rocket đa nòng, xe tăng, pháo tự hành và súng phòng không.
Trong đó, Anh là nước viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều thứ 2 sau Mỹ, với lượng vũ khí trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Giới chức Anh hồi tháng 1 thông báo chuyển 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, động thái mở đường cho Mỹ, Đức và một số quốc gia khác viện trợ xe tăng chủ lực cho Kiev.
Về phần mình, Moskva nhiều lần cảnh báo việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài xung đột mà không thay đổi kết quả gì.
Điện Kremlin cũng cảnh báo viện trợ quân sự gây ra nguy cơ leo thang căng thẳng hơn, đặc biệt nếu vũ khí phương Tây được sử dụng để tấn công các thành phố của Nga hoặc cố gắng chiếm lãnh thổ Nga.