Phần tử làm loạn Quốc hội Mỹ vội vã xóa bằng chứng, phá điện thoại

Thùy Dương |

Ngày càng nhiều phần tử nổi loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1 đã bị cáo buộc che giấu hành vi bằng cách đập điện thoại, xóa bài trên mạng xã hội và đe dọa nhân chứng.

Người biểu tình xâm chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1. Ảnh: Getty Images

Người biểu tình xâm chiếm tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNN, hồ sơ của Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) cho thấy sau vụ bạo loạn tại Quốc hội Mỹ, khoảng 30 phần tử bạo loạn đối mặt với các cáo buộc tìm cách phá hủy bằng chứng hoặc dọn dẹp thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Hồ sơ tòa án cho thấy FBI đã lục soát điện thoại của nhiều bị cáo để tìm thêm bằng chứng, ảnh và video. Tuy nhiên, khi các điều tra viên tìm kiếm trên điện thoại thì không có gì cả.

Khi các điều tra viên tìm tới nhà Rachel Powell, một phần tử bị cáo buộc nhiều tội sau khi gây ra các hành vi phạm tội trong vụ bạo loạn, họ lục soát điện thoại người này và họ tìm thấy một số điện thoại bị đập vỡ trong nhà bà ta.

Còn một người tên là Joshua Black đã xóa nhiều thông tin trong điện thoại sau khi về nhà. Công tố viên liên bang cho biết sau khi Black được người quen bảo là ông ta đang bị FBI truy nã, ông ta đã xóa nhiều thứ trong điện thoại.

Sau khi nhiều kẻ bạo loạn lên mạng xã hội khoe khoang về việc có mặt trong tòa nhà Quốc hội ngày 6/1, một số người đã gỡ các bài đăng đó chỉ vài giờ hoặc vài ngày sau vụ việc khi thấy các điều tra viên truy tìm họ trên toàn quốc.

Khi điều tra viên FBI cho Kevin Lyons xem ảnh ông ta chụp tại vụ bạo loạn và đăng lên Instagram, ông ta ngạc nhiên vì mình chỉ đăng lên có một tiếng rồi xóa. Sau đó, người này buộc phải cung cấp cho FBI ảnh trong điện thoại.

Một người tên là Anthony Mariotto thì bị ai đó gửi ảnh chụp màn hình hồ sơ cá nhân trên Facebook cho FBI vì hồ sơ vừa bị xóa. Một bức ảnh bị xóa cho thấy ảnh Mariotto đang cười khi đứng trong phòng tranh Thượng viện.

Có người còn được gia đình hỗ trợ xóa dấu vết trên mạng xã hội.

Nhiều người đã nói dối điều tra viên FBI. Một người tên Diana Santos-Smith bị FBI thẩm vấn cho biết mình chỉ tham gia cuộc tuần hành của ông Trump bên ngoài Nhà Trắng nhưng không vào tòa nhà Quốc hội. Nhưng khi FBI cho Santos-Smith xem video ghi hình bà ta ở trong tòa nhà thì bà ta mới thừa nhận nói dối.

Một số phần tử bạo loạn đe dọa bất kỳ ai báo tin về họ cho điều tra viên. Guy Reffitt ở Texas bị cáo buộc cản trở nhân chứng sau khi đe dọa người thân trong gia đình anh ta.

Tuy nhiên, hành vi xóa bằng chứng này dường như không thể làm khó các điều tra viên vì họ đã được hỗ trợ nhiều khi có trong tay nguồn cung vô tận các đoạn video ghi lại hình ảnh vụ tấn công và thông tin từ bạn bè, đồng nghiệp của các phần tử gây rối. Ảnh và video do bản thân các phần tử bạo loạn chụp đang được sử dụng trong hồ sơ tòa án và trong phiên xét xử luận tội cựu Tổng thống Donald Trump. Nỗ lực can thiệp điều tra cũng có thể khiến người đó chịu thêm cáo buộc.

Ông Elie Honig, cựu công tố viên liên bang, nói: “Nếu Bộ Tư pháp đã đưa ra cáo buộc cụ thể trong hồ sơ tòa án thì có thể chắc chắn họ đã có bằng chứng thực tế”.

Bộ Tư pháp đã cáo buộc trên 215 người có liên quan tới vụ bạo loạn, trong đó một số người mới bị cáo buộc gần đây do liên quan tới hành vi tội phạm nghiêm trọng hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại