Năm 2019, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HAX) ghi nhận có kế hoạch phân phối xe Nissan và VinFast. Trong ngắn hạn, lợi ích từ việc phân phối này vẫn chưa đáng kể, giới phân tích nhận định.
Đối với việc phân phối VinFast, một công ty con khác của HAX là CTCP Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Ô tô PTM đã đăng ký làm đại lý phân phối VinFast. VDSC đánh giá rằng VinFast cần thời gian để khẳng định vị thế của mình trên thị trường ô tô đầy cạnh tranh này nên việc phân phối VinFast của HAX được dự phóng chỉ đem lại khoản thu nhập không đáng kể cho doanh nghiệp trong năm 2019.
Tuy nhiên, đơn vị chứng khoán này tin rằng việc phân phối thêm hãng xe này cùng với Nissan vẫn sẽ "mở đường" cho sự tăng trưởng của HAX về dài hạn.
Với Nissan, công ty con của HAX là CTCP Cơ khí Ô tô Cần Thơ sẽ khai trương showroom vào tháng 12/2018. Hiện tại Nissan chỉ chiếm khoảng 1% thị phần của toàn thị trường với hơn 20 đại lý phân phối trên toàn quốc.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự phóng doanh số trung bình của mỗi showroom Nissan trong năm 2019 đạt khoảng 200 chiếc. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận từ việc phân phối hãng xe này của HAX ước đạt 105 tỷ đồng và 2 tỷ đồng trong năm 2019, đóng góp khoảng 2% vào doanh thu và lợi nhuận của Công ty.
Hưởng lợi từ sự khởi sắc của thị trường xe sang
Dự báo cho năm 2019, doanh số của HAX kỳ vọng tăng mạnh nhờ triển vọng tích cực của thị trường xe sang. Nguồn cung của phân khúc xe sang nhiều khả năng sẽ hồi phục mạnh trong năm sau khi hầu hết các xe CBU đều có thể nhập về Việt Nam bắt đầu từ cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, sức mua trong năm 2019 kỳ vọng vẫn duy trì ở mức cao do: (1) sự thiếu hụt về nguồn cung trong năm 2018 trong khi nhu cầu của thị trường vẫn đang ở mức rất cao; (2) Hiệp định Thương mại tự do EVFTA hứa hẹn sẽ kích thích sức mua cho dòng xe sang và (3) dân số thuộc tầng lớp "giàu có" được ước tính tăng trưởng kép 29% trong giai đoạn 2012-2020 (Báo cáo của Boston Consulting Group). Do đó, doanh số của HAX năm 2019 được kỳ vọng tăng 20% so với năm 2018.
Biên lãi gộp dự đạt đỉnh trong năm 2018
Ghi nhận, biên lợi nhuận gộp (BLNG) của lĩnh vực kinh doanh ô tô được hưởng lợi từ sự khó khăn chung của thị trường từ quý 2/2018. Nghị định 116 đã khiến dòng xe CBU không thể nhập vào thị trường Việt Nam kể từ tháng 1/2018, nhưng việc thiếu nguồn cung xe chỉ bắt đầu diễn ra từ quý 2.
Đối với HAX, trong quý 1/2018, các dòng xe từ năm 2017 vẫn còn một lượng tồn kho khá lớn, doanh nghiệp đã phải giảm giá để giải quyết. Tuy nhiên, kể từ quý 2/2018, cũng như các hãng xe khác, nguồn cung xe Mercedes không thể đáp ứng được lượng cầu lớn từ thị trường.
Vì vậy, trong quý 2 và quý 3, HAX không cần phải áp dụng các chính sách chiết khấu cho khách hàng để thúc đẩy doanh số. Kết quả là, từ quý 2/2018, BLNG của Công ty được cải thiện đáng kể, từ mức 2,6% và 5,8% trong quý 2 và quý 3 năm 2017 lên mức 5,6% và 6,1% tương ứng cùng kỳ năm nay.
Trong quý 4/2018, việc thiếu nguồn cung xe tiếp tục là bệ đỡ cho BLNG của lĩnh vực kinh doanh xe của HAX. Khi mà nguồn cung hiện tại của MBV chưa thể đáp ứng đủ cầu, HAX dự vẫn duy trì mức giá bán tốt như 2 quý vừa rồi.
Do đó, BLNG của hoạt động kinh doanh xe của HAX trong quý 4 này nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 5,6%. Theo VDSC, BLNG hoạt động phân phối ô tô của HAX được kỳ vọng sẽ đạt đỉnh trong năm 2018.
Biên lợi nhuận gộp theo quý của mảng kinh doanh ô tô
Nguồn: HAX, VDSC.
Tuy nhiên, nhiều khả năng chỉ tiêu này sẽ giảm trong năm 2019, bởi thị trường ô tô được dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt hơn do sẽ không còn tình trạng thiếu nguồn cung như năm 2018.
Do đó, các đại lý phân phối buộc phải giảm giá để duy trì thị phần. BLNG của HAX trong năm 2019 được dự phóng giảm còn 4% so với mức kỳ vọng 4.8% của năm 2018.