Li Fan, một sinh viên 21 tuổi, đang ngập trong nợ nần, lại bị mẹ từ mặt và phải chịu đựng tình trạng trầm cảm nặng nề. Viết một dòng tin ngắn lên Weibo ngay sau ngày Valentine, anh đã chuẩn bị từ bỏ cuộc đời này.
"Tôi không thể sống tiếp được nữa. Tôi sẽ từ bỏ hết." Không lâu sau đó, Li dần trở nên mê man, mất nhận thức.
Cách xa ngôi trường của anh tại Nam Kinh 8.000km, một chương trình chạy trên máy tính ở Amsterdam, Hà Lan, đã phát hiện ra tin nhắn của anh. Nó lập tức gắn cảnh báo tới thông điệp này và nhắc nhở các tình nguyện viên ở nhiều nơi tại Trung Quốc vào cuộc.
Cho dù họ không thể đánh thức Li từ xa, họ cố gắng cảnh báo cho cảnh sát địa phương về các lo ngại của mình. Thật may mắn, cuối cùng cảnh sát đã kịp thời đến chỗ ở của Li và cứu sống anh ta.
Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện thành công của nhóm giải cứu Tree Hole Rescue.
Nhóm giải cứu những người tự tử
Nhà sáng lập của nhóm là Huang Zhisheng, một nhà nghiên cứu cấp cao về trí tuệ nhân tạo tại đại học Free University Amsterdam. Trong 18 tháng qua, chương trình của ông đã được sử dụng 600 tình nguyện viên trên khắp Trung Quốc và giúp cứu được gần 700 người.
Ông Huang cho biết: "Nếu bạn chần chừ chỉ một giây thôi, rất nhiều mạng sống sẽ mất đi. Mỗi tuần chúng tôi cứu được khoảng 10 người."
Ông Huang Zhisheng, người lập nên nhóm Tree Holes Rescue.
Lần giải cứu đầu tiên diễn ra vào 29 tháng Tư năm 2018. Một sinh viên 22 tuổi, Tao Yue, ở tỉnh Sơn Đông Trung Quốc, đã viết lên Weibo về kế hoạch tự sát của mình vào 2 ngày sau đó.
Peng Ling, một tình nguyện viên tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, và nhiều tình nguyện viên khác nhanh chóng hành động. Dò trong các bài đăng trước, Peng tìm ra một số điện thoại của một trong những người bạn của sinh viên này, và chuyển thông tin đó cho trường.
"Tôi cố gắng nhắn tin cho cô ấy trước khi ngủ và nói với cô ấy rằng, tôi có thể xốc lại tinh thần cô ấy. Cô ấy đã kết bạn với tôi trên WeChat và cuối cùng đã bình tĩnh lại. Kể từ đó, tôi liên tục kiểm tra xem liệu cô ấy có chịu ăn hay không. Chúng tôi còn đặt mua cả một bó hoa cho cô ấy qua internet một tuần sau đó."
Sau thành công này, nhóm còn giải cứu được một người đàn ông khác đang chuẩn bị nhảy cầu và cứu một người phụ nữ khác định quyên sinh sau khi bị lạm dụng tình dục.
"Việc giải cứu cần cả may mắn và kinh nghiệm." Li Hong, nhà tâm lý học tại Bắc Kinh đã tham gia vào nhóm từ một năm trước, cho biết. Cô cùng các đồng nghiệp từng đi hỏi thăm 8 khách sạn ở Thành Đô để tìm một người phụ nữ định tự tử mà họ biết rằng đã đặt một phòng khách sạn nào đó.
"Tất cả nhân viên lễ tân đều nói rằng họ không biết người phụ nữ này." Cô Li nói. "Nhưng một trong số họ đã ngập ngừng đôi chút. Chúng tôi cho rằng nó phải là khách sạn này – quả thật đúng như vậy."
Nhà tâm lý học Li Hong, người cho biết đã giải cứu được 30 người.
Hệ thống này hoạt động như thế nào?
Chương trình chạy trên Java này sẽ giám sát các "hốc cây" (các tree hole) trên Weibo và phân tích các thông điệp đăng tải trên đó. "Hốc cây" là từ Trung Quốc để chỉ những nơi trên internet cho phép người dùng đăng tải các bí mật lên đó một cách ẩn danh và để người khác đọc.
Chương trình AI này sẽ tự động xếp hạng bài đăng đó theo thang điểm từ 1 đến 10 tùy theo mức độ khẩn cấp. Điểm 9 nghĩa là nhiều khả năng có một vụ tự tử sắp xảy ra ngay sau đó. Điểm 10 nghĩa là vụ việc có thể đang diễn ra rồi.
Trong trường hợp này, các tình nguyện viên sẽ cố gắng gọi trực tiếp cho cảnh sát hoặc liên lạc với những người liên quan hoặc bạn bè của người đó để cảnh báo.
Phần mềm của ông Huang tích cực tìm kiếm trong Weibo dựa trên các từ khóa nhất định.
Một trong những vấn đề mà nhóm thường gặp phải là sự thờ ơ của những người lớn tuổi đối với vấn đề trầm cảm. "Tôi biết rằng mình bị trầm cảm từ khi ở trung học nhưng mẹ tôi nói với tôi rằng điều đó tuyệt đối không thể - đừng có nghĩ đến nó nữa." Anh Li cho biết.
Một lần khác, chương trình AI này phát hiện bài đăng của một phụ nữ trẻ cho biết: "Tôi sẽ tự sát khi năm mới đến." Nhưng khi các tình nguyện viên liên hệ với mẹ cô ta, họ cho biết bà ấy chỉ khinh bỉ và nói: "Con gái tôi đang rất vui mà. Làm sao các người dám nói con tôi sắp tự tử được."
Ngay cả khi các tình nguyện viên cho bà ấy thấy bằng chứng về cơn trầm cảm của con gái, người mẹ đó cũng không tin. Chỉ đến khi cảnh sát ngăn chặn được đứa trẻ đó nhảy từ trên nóc nhà xuống, người mẹ đó mới chịu thay đổi suy nghĩ của mình.
Một hành trình dài
Bất chấp các thành công của mình, ông Huang vẫn phải thừa nhận các hạn chế của dự án.
"Bởi vì Weibo hạn chế các web thu thập các bài đăng của họ, chúng tôi chỉ có thể tìm kiếm trong khoảng 3.000 bài viết mỗi ngày. Vì vậy trung bình mỗi ngày chúng tôi chỉ có thể cứu từ 1 đến 2 người, và chúng tôi tập trung vào những ca khẩn cấp nhất."
Các tình nguyện viên còn phải dõi theo những người mới được giải cứu trong nhiều tuần hoặc tháng sau đó để bảo đảm họ không tự tử lần nữa.
Một vấn đề khác đối với các tình nguyện viên là họ buộc phải cam kết làm việc lâu dài.
Cô Li, nhà tâm lý học ở trên cho biết: "Những người đã được giải cứu hiện đang chiếm gần hết cuộc sống của tôi. Đôi lúc tôi rất mệt mỏi." Hiện cô đang giữ liên lạc với 8 người từng được giải cứu. "Tôi phải trả lời gần như ngay sau khi họ nhắn tin cho tôi."
Một số người khác cố gắng tìm ra cách giúp đỡ "offline" hơn. Ví dụ một giáo sư AI đã giúp một người bị mắc chứng rối loạn lo âu xã hội tìm được công việc dán nhãn dữ liệu.
Bởi vì không phải ai được giải cứu rồi cũng từ bỏ ý định đó. Cô Peng kể lại về một cô gái từng được nhóm giải thoát và sau đó cho biết "đã khá hơn sau mỗi ngày". "Cô ấy kể với tôi về một bức ảnh chân dung mới chụp vào hôm thứ Sáu." Tuy nhiên 2 ngày sau đó, người phụ nữ đó đã chết khi tự tử lần nữa.
Còn đối với anh Li Fan, hiện tại anh lại rất khỏe mạnh và đang làm việc tại một khách sạn. "Tôi thích công việc này vì tôi có thể giao tiếp với nhiều người khác nhau."
Anh cũng rất trân trọng công sức của nhóm giải cứu, và cuối cùng, anh cho rằng, giải pháp lâu dài là tùy thuộc vào mỗi người. "Mỗi người lại có những niềm vui và nỗi buồn khác nhau và một hoàn cảnh khác nhau. Bạn phải tự giải thoát cho chính mình."
Tham khảo BBC