Trong bài viết đăng tải trên NBC News hôm 12/10, tác giả David Axe cho rằng, dù thường xuyên ca ngợi về sức mạnh hạt nhân quốc gia nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như chưa thực sự hiểu các chiến lược về hạt nhân: mục đích, rủi ro hay chi phí.
Hồi tháng 8, khi chính quyền Bình Nhưỡng đe doạ phóng tên lửa đạn đạo đến đảo Guam (Mỹ) thuộc Thái Bình Dương, Tổng thống Trump giận đã dữ đáp trả trên Twitter: "Mệnh lệnh đầu tiên của tôi trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ là cải tiến và hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân quốc gia trở lên hùng mạnh hơn bao giờ hết ".
"Nhiều khả năng Mỹ sẽ không bổ sung thêm hàng chục nghìn đầu đạn hạt nhân mới. Nhưng những vũ khí hạt nhân hiện tại của Mỹ thực sự có "mạnh hơn" và hiện đại hơn bao giờ hết... Và thậm chí sức mạnh hạt nhân hiện tại liệu có hơn thời kì chiến tranh hạt nhân?", ông Axe đặt câu hỏi.
Chất lượng hơn số lượng
Hans M. Kristensen, Giám đốc dự án Thông tin hạt nhân tại Hội liên hiệp các nhà khoa học Mỹ nói với NBC: "Kho vũ khí của Mỹ ngày hôm nay hầu như giống với khi Tổng thống Trump nhậm chức".
Hãng tin Mỹ cho biết, trên thực tế hiện đại hóa hạt nhân dường như không nằm trong những ưu tiên chính sách của chính quyền Trump - đặc biệt là khi so sánh với người tiền nhiệm Barack Obama.
Ông Trump đã duyệt văn kiện Cuộc duyệt xét Vị thế Hạt nhân, một hành động thường lệ của các đời Tổng thống Mỹ. Ông kí ban hành vào ngày 27/1, một tuần sau khi nhậm chức. Nhưng sau đó, ông Trump cũng ban hành 10 sắc lệnh hành pháp lớn.
"Phát biểu trên Twitter của Trump đã bỏ qua vấn đề then chốt khi nói đến vũ khí hạt nhân: Để làm cho vũ khí hạt nhân hiệu quả hơn, quan trọng cần làm cho chúng trở nên "đáng tin cậy", chứ không phải là mạnh hơn", Axe bình luận.
Tổng thống Mỹ có quyền lực tối cao để quyết định xem liệu có nên sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này hay không. Ảnh: Reuters
Theo ông này, so với Mỹ, Triều Tiên vẫn đang thể hiện được "bản lĩnh" trong cuộc chiến hạt nhân dù nước này chỉ sở hữu với ước tính khoảng 60 (hoặc ít hơn) vũ khí hạt nhân loại nhỏ.
Will Saetren, chuyên gia về chính sách vũ khí hạt nhân của Viện nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ có trụ sở tại Washington cho biết:
"Bạn muốn các nước khác tin rằng nước mình có sức mạnh vũ khí đáng tin cậy có thể triển khai ngay khi cần. Nhưng Triều Tiên đang chứng tỏ được sức đe dọa, một quốc gia không phải cần đến con số 1.550 vũ khí hạt nhân, thậm chí ít hơn rất nhiều cũng có thể đạt được mục tiêu như vậy."
Hơn nữa, vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng cần được bảo trì. Kho vũ khí của Mỹ có tuổi thọ trung bình hơn 30 năm. Các thiết bị điện tử đã lỗi thời. Các động cơ tên lửa đang mất dần sức mạnh. Những nỗ lực hiện đại hóa trị giá 1 tỷ USD từ Lầu Năm Góc, bắt đầu dưới thời Obama, đã thay thế những đầu đạn hạt nhân, tên lửa, tàu ngầm, máy bay ném bom và máy bay chiến đấu phản lực cũ.
Tuy nhiên, thay vì cố gắng tăng sức mạnh cho từng đầu đạn hạt nhân, những nỗ lực hiện đại hóa nhằm mục đích bảo trì và dần dần thu nhỏ quy mô kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, đồng thời đảm bảo kho vũ khí có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ tới.
Linda Rojas, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc nói: "Hiện đại hoá vũ khí hạt nhân của Mỹ là rất quan trọng để đảm bảo khả năng có thể duy trì ngăn chặn các đối thủ một cách hiệu quả."
Theo Rojas, chi phí bảo trì lượng vũ khí hạt nhân hiện có của Mỹ có thể lên tới 14 tỷ USD mỗi năm. Việc bổ sung các đầu đạn hạt nhân, tên lửa, tàu ngầm và máy bay chiến đấu mới có thể tiêu tốn thêm 300 tỷ USD cho đến năm 2040. Tuy nhiên, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ vào tháng 8/2017 có quy mô nhỏ hơn so thời Obama và theo kế hoạch sẽ còn được thu nhỏ hơn.
Mỹ và Nga đã ký Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) dưới thời Obama năm 2010. Theo đó, cả hai nước sẽ cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống còn 1.550 vào năm 2018.
Tuy nhiên, theo Axe, Tổng thống Trump đang nỗ lực để có thể đàm phán nhiều hơn về vấn đề hạt nhân với Kremlin bởi theo ông, hiệp ước này là một thỏa thuận không có lợi cho Mỹ.
Trong khi quân đội Mỹ đang thiết kế những mẫu vũ khí hạt nhân mới, một số trong đó đã được thông qua trước đó bởi ông Obama, chuyên gia Saetren cho biết mục tiêu vẫn sẽ là “giảm quy mô của kho vũ khí 30%, xuống 1.000 đầu đạn hạt nhân."
"Điều này cho thấy vai trò chính của vũ khí hạt nhân, mà hẹp hơn được hiểu là chức năng răn đe – điều mà những phát ngôn khác của Trump đã thể hiện ông không hề đánh giá đúng vấn đề", Axe khẳng định, đối với các quốc gia, vũ khí hạt nhân chủ yếu chỉ đóng vai trò thị uy.
Tên lửa Minuteman III không mang đầu đạn được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg hồi tháng 8. Ảnh: Rueters
Saetren nói: "Hãy nhìn vào Triều Tiên. Họ có kho vũ khí ước tính khoảng 60 đầu đạn hạt nhân, trong đó không có bom H - mới đây Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom H, và những phương tiện vận chuyển (nếu có) thì còn rất thô sơ".
Nhưng Triều Tiên đã thành công trong việc ngăn chặn Mỹ thực hiện hành động quân sự - một điểm mà Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của Trump, đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với trang The American Prospect vào tháng 8.
Bannon nói: “Không có một giải pháp quân sự nào [với những đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên]. Hãy quên điều đó đi”.
Saetren nói rằng Bannon đã thừa nhận Triều Tiên đã "thành công trong việc ngăn chặn Mỹ, quốc gia sở hữu những vũ khí hạt nhân mạnh nhất trên thế giới."
"Những kho vũ khí hạt nhân có thể đe dọa đối thủ và ngăn cản một cuộc tấn công nhưng trên thực tế, chúng không có tác dụng. Một khi một quốc gia triển khai các vũ khí hạt nhân, cuộc chơi sẽ thay đổi", ông này nói.
"Nếu Trump hiểu đầy đủ về chiến lược răn đe hạt nhân, ông sẽ nói về độ tin cậy của kho vũ khí hạt nhân Mỹ chứ không phải về sức mạnh của nó. Và ông chắc chắn sẽ không yêu cầu mở rộng thêm nữa kho vũ khí hạt nhân của nước này", Axe nhấn mạnh.
Mỹ công bố hình ảnh một số vụ thử hạt nhân của nước này