Phân khúc xe đang cực kỳ ‘ăn nên làm ra’ tại Việt Nam: Doanh số bứt phá trong 10 năm, gần 30 mẫu xe ‘chen chúc’ giành thị phần

Như Quỳnh |

SUV đô thị đang chứng kiến doanh số tăng trưởng ấn tượng sau 10 năm mẫu xe đầu tiên có mặt tại Việt Nam, tuy nhiên cạnh tranh cũng ngày một gay gắt khi những mẫu xe ở phân khúc này mọc lên "như nấm sau mưa".

Ảnh minh họa

Năm 2014, Ford đưa chiếc Ecosport về Việt Nam, mở ra một phân khúc thị trường hoàn toàn mới. Thời điểm đó, SUV trong mắt người dùng phải là những chiếc xe to lớn, rộng rãi. Một chiếc SUV kích thước nhỏ cho nhu cầu di chuyển trong đô thị là thứ không có trong từ điển của người dùng.

Mặc dù vậy, Ford Ecosport đã ghi nhận những thành công ngoài mong đợi với doanh số đều đặn khoảng 500 xe/tháng. 

Sau 10 năm, phân khúc này đang trở thành miếng bánh không thể bỏ qua của bất cứ nhà sản xuất nào muốn chiếm lĩnh thị phần. Những chiếc xe đô thị gầm cao cỡ nhỏ đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự nhỏ gọn, phù hợp đi lại hàng ngày cùng với mức giá hợp lý.

10 năm "nhộn nhịp" của SUV đô thị

Sau tiếng vang của Ford EcoSport tại thị trường Việt Nam, các hãng xe đã lần lượt đưa các mẫu SUV đô thị về thị trường Việt Nam nhằm tấn công phân khúc tiềm năng này. Năm 2015, Hyundai đã lần lượt đưa về Việt Nam mẫu xe Creta và i20 Active và sau đó là Hyundai Kona vào năm 2018.

Honda cũng không nằm ngoài cuộc đua mới mẫu HR-V, Chevrolet cũng góp mặt với mẫu Trax. Đến giai đoạn 4 năm trở lại đây, thị trường đã lần lượt ghi nhận thêm hàng loạt các mẫu SUV đô thị mới như Toyota Corolla Cross, Kia Seltos, MG ZS, Kia Sonet, Mazda CX-3, Mazda CX-30 hay VinFast cũng chính thức gia nhập đường đua vào năm 2021 với mẫu xe VF e34.

Theo sau là các mẫu xe Peugeot 2008, VinFast VF 5, Nissan Kicks, Volkswagen T-Cross, Toyota Yaris Cross, Hyundai Venue và VinFast VF 6.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, thị trường đã ghi nhận 5 mẫu xe SUV đô thị mới với Mitsubishi Xforce khai màn năm 2024. Đáng chú ý là sự xuất hiện của các mẫu xe đến từ Trung Quốc được đưa về thị trường Việt Nam là Link & Co 06, MG4 EV, BYD Atto 3, Omoda C5.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, thị trường đã đón nhận đến gần 30 mẫu xe trong cùng một phân khúc, tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết.

Doanh số ấn tượng – Cạnh tranh khốc liệt

Số liệu thống kê từ báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Motor - đơn vị lắp ráp và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam cho thấy trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ 2021, SUV đô thị duy trì sức hút khi liên tục là nhóm xe có tỷ lệ doanh số hàng đầu.

Vào năm 2021, trước những khó khăn của ngành ô tô và dịch bệnh, doanh số SUV đô thị đã đóng góp hơn 47.000 xe, chiếm gần 12% thị phần. Đến năm 2022, phân khúc này đạt gần 70.000 xe, chiếm hơn 14% và năm 2023 thị phần đã tăng lên 16% với gần 57.000 xe.

Đến hết tháng 10, SUV đô thị đã chứng kiến doanh số đạt hơn 57.000 xe, chiếm hơn 18% và tiếp tục tăng rất đều so với các năm trước đó và dự kiến sẽ là năm có doanh số bùng nổ nhất sau 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam.

Theo VAMA, Mitsubishi Xforce hiện đang là mẫu xe dẫn đầu phân khúc với hơn 11.000 xe bán ra trong 10 tháng. Nếu xét theo thương hiệu, ông lớn Nhật Bản Toyota đang là hãng xe dẫn đầu thị phần với hơn 17.000 xe, chiếm hơn 30% thị phần với 3 mẫu xe Yaris Cross, Corolla Cross và Raize.

Đi kèm với doanh số tăng trưởng ấn tượng, cuộc đua ở phân khúc này sẽ ngày một tăng lên khi các hãng sẽ liên tục mang đến nhiều mẫu xe trong thời gian tới, điển hình như Haval bắt đầu kế hoạch mở bán mẫu Jolion. Hay một thương hiệu con khác của Chery dự kiến cũng trình làng mẫu Jaecoo J7 cạnh tranh với Toyota Corolla Cross hay Kia Seltos.

Đây sẽ là áp lực không nhỏ đối với các hãng xe để duy trì vị thế và cải tiến sản phẩm, đồng thời người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn với mức giá ngày một cạnh tranh hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại