Phản hồi độc giả về bài viết: Những tử huyệt của tên lửa hành trình hay chuyện dùng súng trường bắn hạ Tomahawk

Đại tá Phan Văn Từ |

Thực tế cho thấy vũ khí thô sơ trong điều kiện cụ thể vẫn có thể thắng vũ khí hiện đại. Máy bay va vào chim có thể rơi. Nếu máy tính điện tử đấu với búa thì ta biết chắc ai thắng.

Sau khi bài báo "Những tử huyệt của tên lửa hành trình hay chuyện dùng súng trường bắn hạ Tomahawk’ được đăng, tác giả nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi. Xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành với sự quan tâm mà độc giả dành cho vấn đề được đặt ra trong bài viết.

Trong bài viết nói trên, chủ yếu tôi nêu những điểm yếu của tên lửa hành trình và chỉ nói qua về khả năng bắn hạ nó.

Mục đích là cho thấy tên lửa hành trình thực ra không hoàn hảo như các phương tiện truyền thông trước đó đưa tin và khi chúng ta nắm được đặc điểm tác chiến của nó thì sẽ sáng tạo ra vô vàn cách đánh như chúng ta đã từng đánh thắng chiến tranh phá hoại. 

Trong bài này, tôi xin chọn ra 3 ý kiến điển hình trong số các ý kiến, bình luận mà độc giả đã gửi về tòa soạn. Rất mong bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả có thêm thông tin về tên lửa hành trình cũng như cách khắc chế loại vũ khí hiện đại này.  

Với 2 ý kiến đầu tiên, tôi sẽ xin trả lời trong nội dung nêu các cách đánh.

Riêng về ý kiến thứ nhất có băn khoăn về việc có đem tài sản và tính mạng con người ra mạo hiểm không, thì tôi xin nói là không ai dám làm việc đó cả, khi chọn một phương án đánh trả mà ta cho là lạc hậu thô sơ thì ta dễ băn khoăn.

Nhưng thực tế chiến đấu đã cho thấy những vũ khí thô sơ trong những điều kiện cụ thể vẫn có thể thắng vũ khí hiện đại. Máy bay va vào con chim có thể rơi. Nếu máy tính điện tử đánh nhau với búa thì ta biết chắc là ai thắng.

1-  Độc giả có email quangth*****@gmail.com: Tôi đồng tình với chia sẻ về giải pháp phòng thủ theo một khía cạnh mà các bạn đã mô tả. Nhưng tôi có cảm giác quá mạo hiểm, theo tôi thời buổi phát triển như hiện nay từ cơ sở hạ tầng, thiết bị, vật chất được xây dựng và lắp đặt ở mật độ rất cao có giá trị rất lớn, tính mạng con người.

Trong khi đó, bản thân người chọn giải pháp phóng tên lửa là đảm bảo an toàn cho họ từ khoảng cách xa và bí mật thiết bị thì chúng ta chưa xác định. Theo tôi thời nay mà chọn giải pháp như đã nêu, liệu có đem tính mạng và tài sản để mạo hiểm với đối phương?

2- Độc giả có email vieta*****@gmail.comTên lửa hành trình được phóng đi vào ban đêm thì bộ binh gần như không thể bắn hạ... Pantsir-S2 có bắn hạ được không?

3 - Độc giả có email nguyenmanh******@gmail.com:

Vừa rồi tôi có đọc bài báo nói về việc dùng súng trường bắn chặn tên lửa hành trình Tomahawk, và tôi có 3 thắc mắc:

1. Về tốc độ bắn đón lõng được không khi tốc độ của Tomahawk là 800km/h?

2. Làm thế nào nắm được quỹ đạo bay của Tomahawk để chuẩn bị đón lõng và bắn đón lõng?

3. Giả sử có thể đón lõng bắn phá hủy, vậy tầm phá hủy của tên lửa Tomahawk là bao nhiêu? Thương vong sẽ như thế nào?

Trả lời:

Chúng ta không thể dùng hệ thống tên lửa phòng không hiện đại phát hiện mục tiêu và điều khiển hỏa lực bằng radar vì rất đơn giản, nó bay quá thấp, dưới tầm nhìn của radar, mà đã không phát hiện ra nó thì làm sao tiêu diệt được, hơn nữa làm gì có loại tên loại tên lửa hiện đại nào tác chiến ở độ cao mấy chục mét.

Vậy phải đánh như thế nào?

Vì nó bay từ xa tới với quỹ đạo đặt sẵn nên người ta có thể dễ dàng đoán trước đường bay của nó và có đủ thời gian để bố trí trận địa đón lõng hay bảo vệ những mục tiêu dự kiến bị tấn công, còn nó khác với máy bay là không thể phát hiện được trận địa mai phục của ta để lẩn tránh.

Khi phát hiện ra tên lửa bằng tai – vì động cơ của nó như động cơ máy bay, bằng mắt thì có thể bố trí lực lượng mai phục sẵn trên hành lang mà nó bay qua với các loại súng bộ binh từ súng trường, tiểu liên, trung liên, đại liên đồng loạt nổ súng bắn đón tạo thành một lưới lửa dày đặc mà nó lại không hề biết thì xác suất bị bắn hạ là rất cao.

Còn khi tên lửa bay vào ban đêm thì tất nhiên việc tác chiến sẽ khó khăn hơn, nhưng tên lửa khác với máy bay trực thăng là động cơ của nó phụt ra một luồng lửa nên rất dễ phát hiện về đêm và hơn nữa hiện nay, các lực lượng quân sự đã có súng trang bị kính ngắm nhìn đêm.

Có thể tiêu diệt nó bằng pháo phòng không tự hành, thí dụ như ZSU-23-4.  Đây là loại pháo 4 nòng có tốc độ bắn rất cao, hàng nghìn viên trong một phút, tích hợp trên xe bọc thép.

Phản hồi độc giả về bài viết: Những tử huyệt của tên lửa hành trình hay chuyện dùng súng trường bắn hạ Tomahawk - Ảnh 1.

Pháo tự hành ZSU-23-4 "Shilka".

Nếu biết trước hướng mục tiêu bay vào thì radar của nó có thể bắt được mục tiêu và người ta có thể bắn theo chế độ radar, còn không thì bắn theo chế độ kính ngắm.

Còn về khả năng của tổ hợp Pantsir rất hiện đại của Nga thì theo tôi nó có khả năng tiêu diệt tên lửa hành trình. Đây là một tổ hợp kết hợp cả pháo phòng không tầm thấp và tên lửa nên rất uy lực, pháo của nó có thể bắn hạ tên lửa hành trình.

Pantsir-S1 tiêu diệt mục tiêu. Nguồn: Army Recognition.

Về mặt lý thuyết, người ta cũng có thể bắn hạ tên lửa hành trình bằng tên lửa phòng không vác vai như Stinger, Igla theo cách bắn đuổi, nhưng khi nó bay quá thấp thì tốc độ góc của quỹ đạo rất lớn nên khả năng các đầu tự dẫn hồng ngoại không bắt được mục tiêu hoặc có thể bắt nhầm những nguồn phát hồng ngoại trên mặt đất và đánh vào nên rất nguy hiểm.

Tôi nói rõ một chút về tốc độ góc. Khi một  máy bay cao với tốc độ lớn, nhưng ta vẫn có cảm giác nó bay chậm, còn khi nó bay chậm nhưng sát trên đầu ta thì ta cảm giác nó bay rất nhanh và ta không kịp nhìn.

Đó là vấn đề tốc độ góc của quỹ đạo, nó tỷ lệ nghịch với cự ly của ta đến mục tiêu. Các thiết bị theo dõi mục tiêu cũng vậy, nó bị hạn chế bởi tốc độ góc.

Phản hồi độc giả về bài viết: Những tử huyệt của tên lửa hành trình hay chuyện dùng súng trường bắn hạ Tomahawk - Ảnh 3.

Về mặt lý thuyết, có thể bắn hạ tên lửa hành trình bằng tên lửa phòng không vác vai như Stinger, Igla nhưng có khả năng các đầu tự dẫn hồng ngoại không bắt được mục tiêu hoặc có thể bắt nhầm.

Khi tên lửa hành trình hiệu chỉnh quỹ đạo theo tín hiệu GPS thì người ta có thể tạo một hành lang nhiễu GPS ở nơi dự kiến nó bay qua. Tên lửa sẽ nhận sai quỹ đạo và có thể rơi.

Trên tên lửa hành trình có tích hợp 2 bộ đo cao, đo cao khí áp để đo độ cao tức thời của nó so với mực nước biển, bộ đo cao vô tuyến để đo độ cao của nó đến mặt đất mà nó bay qua. Nếu gây nhiễu bộ đo này thì tên lửa chỉ còn cách bay theo độ cao khí áp và có thể đâm vào núi.

Ngoài ra để bảo vệ mục tiêu, người ta có thể ngụy trang để làm thay đổi địa hình xung quang mục tiêu và gây khói để làm mù camera truyền hình.

Về câu hỏi thứ ba, tôi xin được lý giải: Các loại súng bộ binh, từ súng trường, tiểu liên, trung liên, đại liên thì tốc đô bay của đạn là rất lớn, vượt âm, nên việc bắn mục tiêu bay như máy bay thông thường không có vấn đề. Hơn nữa, đối với đại liên thì tốc độ bắn hàng nghìn viên trong một phút nên xác suất trúng đích là rất cao, nhất là khi người ta đồng loạt nổ súng, tạo một lưới lửa dày đặc trước mũi tên lửa.

Về quỹ đạo bay của tên lửa thì rất dễ đoán trước, vì nó bay từ xa tới nên thời gian bay lâu, khi đội trực chiến tiền tiêu phát hiện được nó thì có thể báo bằng điện thoại cho các đơn vị trực chiến phía sau về dự đoán vị trí đón lõng.

Điều này cũng đơn giản vì nó bay theo quỹ đạo lập trình sẵn.

Phản hồi độc giả về bài viết: Những tử huyệt của tên lửa hành trình hay chuyện dùng súng trường bắn hạ Tomahawk - Ảnh 4.

Quỹ đạo của tên lửa hành trình dễ đoán trước.

Về vị trí đón lõng thì ta chọn ở những nơi có địa hình đặc biệt, thí dụ như khe núi... và những vị tri trước khi nó tiếp cận mục tiêu ta cần bảo vệ.

Khi bị bắn rơi thì vì tên lửa hành trình rất bé so với máy bay nên tầm phá hủy không đáng kể so với máy bay. Nó lại bay bằng nên khi bị rơi nó không rơi thẳng đứng được mà rất có khả năng nó rơi ra ngoài trận địa.

Ta nên bố trí sao cho ngay sau trận địa không có khu dân cư đông đúc hay những công trình nhạy cảm.

Khi bị bắn thì đầu nổ của nó chưa bị kích hoạt, nên khả năng nó chưa nổ là rất cao, vậy nên khi nó bị rơi tuyệt nhiên chưa nên tiếp cận hiện trường ngay và phải để một thời gian nghe ngóng phòng khi nó nổ mà tập trung đông người thì không tránh khỏi thương vong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại