Tôm là mặt hàng thực phẩm dễ bị bơm hóa chất hay tạp chất nhằm tăng trọng lượng, giữ cho tôm có vẻ tươi lâu. Phần lớn các bà nội trợ biết về thực trạng này. Do đó, làm thế nào để phân biệt tôm bị bơm tạp chất là điều được rất nhiều người quan tâm.
Phân biệt tôm bị bơm tạp chất
Trên báo Sức khỏe & đời sống , PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, giải thích, việc bơm tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là khi chất đó không có trong danh mục các phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng, hoặc khi nó không được sản xuất để dùng trong thực phẩm.
Việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài có thể gây nguy hại cho đường tiêu hóa, nhẹ là ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nặng hơn là sự tích tụ chất độc, chất bẩn trong người, gây bệnh mãn tính.
Bạn cần biết cách phân biệt tôm bị bơm tạp chất để bảo đảm an toàn cho bữa cơm gia đình. (Ảnh: Dân Việt)
Tôm bị bơm tạp chất đa phần là tôm sú. Tạp chất được sử dụng thường là bột rau câu, tinh bột… hoặc tôm nhỏ, giá trị thấp được xay nhuyễn. Chúng được pha với nước thành dung dịch sền sệt để bơm vào tôm.
Nếu mua tôm không còn sống hoặc tôm đông lạnh, bạn có thể phân biệt tôm bị bơm tạp chất dựa vào những dấu hiệu sau:
- Nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Tôm bình thường có thân mềm và cong.
- Phần mang của tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng, trong khi mang của tôm thường mềm, phẳng.
- Tôm bơm tạp chất thường có phần thân mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.
- Tôm bơm tạp chất khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân tôm nhanh chóng rời nhau. Khi nấu chín, tôm sẽ bị ra nhiều nước, thịt teo lại. Thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường.
- Nếu là tôm bị bơm tạp chất, khi nấu chín, bạn bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để không mua phải tôm bơm tạp chất, nên mua tôm tươi sống còn nhảy tanh tách, thậm chí đang còn bơi. Nếu mua tôm không còn sống hoặc tôm đông lạnh, phải quan sát thật kỹ.
Nên mua tôm tươi sống để tránh mua phải tôm bị bơm tạp chất (Ảnh: AquaSnails)
Bạn nên chọn những con tôm có vỏ đậm màu, sáng bóng, thân mềm và gắn chặt với phần đầu, còn phần đuôi xếp đều nhau và cụp xuống. Đặc biệt là con tôm phải còn đầy đủ râu, càng, gai và các chân.
Trong trường hợp bất đắc dĩ phải mua tôm đông lạnh hoặc đã chế biến sẵn, bạn nên kiểm tra bằng cách cầm đầu và thân tôm rồi kéo thẳng ra một cách nhẹ nhàng. Nếu các khớp nối trên vỏ tôm khít nhau thì đó là tôm tươi sạch; còn nếu những khớp này không khít và đầu bị rời ra thì đó là tôm cũ và có thể bị bơm tạp chất.
Cách bảo quản tôm tươi
Nhiều người do bận rộn nên có thói quen tích trữ thực phẩm, mua tôm về bảo quản trong tủ lạnh. Khi được lấy ra chế biến,tôm thường bị đen đầu. Để tránh tình trạng này, nên chọn mua tôm đang tươi sống, cắt bỏ râu rồi rửa sạch sẽ, để ráo nước trước khi bảo quản.
Sau khi tôm đã ráo nước, bạn nên xếp vào hộp đựng thực phẩm rồi rắc vào một ít đường trắng, lắc đều. Cất tôm vào ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ đông để bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Khi đông đá, thịt tôm sẽ không bị các loại vi khuẩn tấn công gây biến chất. Đường trắng sẽ giúp đầu tôm không bị đen và các con tôm không bị dính vào nhau. Khi chế biến, bạn có thể lấy ra từng con tôm một cách dễ dàng.
Không nên bảo quản tôm quá lâu (tốt nhất là dưới 30 ngày) vì việc để lâu sẽ làm mất đi giá trị dinh dưỡng của tôm.