Sáng 31/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức họp báo công bố quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước.
Tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi: "Những người được đặc xá năm 2022 đã thực hiện những hình phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền, trả lại tài sản là bao nhiêu?; Phạm nhân Phan Sào Nam (một trong 2 người cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ Rikvip) có được hưởng đặc xá lần này không?; Có bao nhiêu phạm nhân quốc tịch nước ngoài được đặc xá?".
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết tổng số tiền mà các phạm nhân, người nhà phạm nhân được đặc xá đợt này nộp khắc phục hậu quả là hơn 67 tỷ đồng, trong đó người nộp nhiều nhất là phạm nhân Huỳnh Tiến Dũng với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Theo ông Long, trong số các phạm nhân được đặc xá có 8 người trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho biết phạm nhân Phan Sào Nam không được hưởng đặc xá lần này.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin tại họp báo.
Tiếp đó, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, sau khi rà soát các hồ sơ, có 16 phạm nhân người nước ngoài đủ điều kiện được đặc xá lần này. Những người này bao gồm công dân các nước: Mỹ, Australia, Canada, Trung Quốc, Pháp…
Ngày 1/7, Chủ tịch nước ra quyết định đặc xá dịp 2/9 cho các phạm nhân gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù nhân chung thân được giảm xuống tù có thời hạn và người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Trong 7 điều kiện cần đáp ứng, đầu tiên là ý thức cải tạo tốt, được xếp loại từ khá trở lên; chấp hành án tù ít nhất 1/2 thời gian phạt hoặc 15 năm tù... Ai được giảm thời gian chấp hành án phạt tù không được tính là đã chấp hành. Phạm nhân còn phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là tiền.
Tuy nhiên, người bồi thường, khắc phục được một phần mà hoàn cảnh kinh tế đặc biệt không thể tiếp tục, cũng được xem xét. Riêng tội phạm tham nhũng cần thực hiện xong hết các nghĩa vụ này.
Người lập công, mắc bệnh hiểm nghèo, đau ốm thường xuyên, khuyết tật, từ đủ 70 tuổi trở lên, là lao động duy nhất trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nữ phạm nhân có thai hoặc có con dưới 3 tuổi đang ở cùng... sẽ được xem xét đặc xá nếu chấp hành ít nhất 1/3 hoặc 2/5 thời gian án tù, hay 13 năm với tù nhân chung thân được giảm xuống án tù có thời hạn.
Đặc xá năm nay không xét các trường hợp phạm nhân bị kết tội phản bội Tổ quốc, gián điệp, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá rối an ninh... Người trước đó đã được đặc xá, có hai tiền án trở lên, giết người có tổ chức, hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân, cướp tài sản có sử dụng vũ khí... không được xét đặc xá lần này.