Giải quyết "cơn đau đầu" của Nga chỉ có "viên thuốc thần kỳ" nằm trong tay Tổng thống Assad?

TRÙNG QUANG |

Nga-Mỹ-Israel đang cùng nhau giải quyết những lùm xùm xoay quanh sự hiện diện của Iran, nhưng cách giải quyết cuối cùng có thể nằm trong tay chủ nhà - Tổng thống Bashar Assad.

Giải quyết cơn đau đầu của Nga chỉ có viên thuốc thần kỳ nằm trong tay Tổng thống Assad? - Ảnh 1.

Nga đang gửi thông điệp đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng các cuộc không kích mới ở Idlib.

Các cuộc đụng độ ở Idlib đang trên đường phát triển thành một cuộc xung đột quốc tế liên quan đến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Syria. Đây là pháo đài quan trọng cuối cùng của phiến quân và việc chiếm giữ nó là điều cần thiết để hoàn thành sự kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của chính quyền Tổng thống Bashar Assad.

Các nhóm kháng chiến vẫn còn ở Hama và miền Nam Syria , với thách thức khó khăn nhất là lực lượng chính của phiến quân, khoảng 50.000 chiến binh liên kết với hàng chục nhóm dân quân, trong đó có các nhóm khủng bố cực đoan.

Chiến dịch lớn chống lại Idlib đã được lên kế hoạch từ một năm trước nhưng chưa thực sự bắt đầu. Trong vài ngày qua, lực lượng quân đội Syria đã chiếm các thị trấn từ tay khủng bố, trong khi máy bay Nga liên tục mở đợt không kích dữ dội.

Tuy nhiên, đây chỉ là những phát súng mở đầu nhằm gây sức ép với phiến quân, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, để họ phải lựa chọn đàm phán hoặc đối mặt với một chiến dịch quy mô lớn.

Nếu các trận chiến tiếp diễn, một làn sóng người tị nạn mới dự kiến ​​sẽ tiến vào Thổ Nhĩ Kỳ và gia nhập thêm vào 3,5 triệu người tị nạn đã có từ trước đó.

Đụng chạm lợi ích

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã có với nhau thỏa thuận vào tháng 9 năm ngoái. Theo đó, Ankara có trách nhiệm cách ly phiến quân cực đoan và giải giáp vũ khí hạng nặng, giao lại Idlib cho chính quyền Assad kiểm soát, hoặc ít nhất là biến nó thành một khu vực an ninh nằm dưới sự giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại trong nhiệm vụ của mình và các nhóm khủng bố đã từ chối hạ vũ khí.

Chiến dịch Idlib đang đi cùng với các kế hoạch của Nga trong soạn thảo hiến pháp mới cho Syria, tổ chức bầu cử, ổn định Chính phủ và bắt đầu tái thiết đất nước.

Từ trước đến nay, giới phân tích đều tin rằng Nga sẽ coi Syria như đòn bẩy để tiếp tục định hình ảnh hưởng ở Trung Đông.

Điều này sẽ bao gồm xây dựng các cầu nối với Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, tạo nên một liên minh kinh tế với Ai Cập, buôn bán vũ khí quân sự, nhằm thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời củng cố vị thế của mình trên toàn cầu.

Tuy nhiên, những nguyện vọng này của Nga không tương thích với Iran. Iran coi Syria không chỉ là một tiền đồn chiến lược sẽ bảo tồn ảnh hưởng của Iran ở Lebanon, mà còn là một tiền đồn khu vực để đối trọng với tham vọng của Saudi.

Tiền đồn này sẽ mở đường cho Iran vào Địa Trung Hải và hỗ trợ cho các liên minh mà nước này đã tạo ra với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được xem là mối đe dọa chiến lược không chỉ đối với Israel và Mỹ, mà cả Nga, theo Haaretz.

Các cuộc đụng độ địa phương gần đây giữa các dân quân thân Iran và dân quân do Nga hậu thuẫn cho thấy Nga đang hành động để ngăn chặn mối đe dọa đến từ Iran.

Iran đã bị Nga hai lần "hất gáo nước lạnh" vào tham vọng của mình. Một lần, khi Nga từ chối yêu cầu mua hệ thống phòng không S-400, và lần thứ hai khi Nga tiếp tục cho phép Israel tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria.

Mặc dù người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố rằng các suy luận về vấn đề này đã bị bóp méo, nhưng các nhà phân tích tin rằng, Nga coi việc bán các hệ thống S-400 cho Iran là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực.

Đối với Iran, đây là một thông điệp từ người Nga. Nó nói rằng Moscow sẽ không đứng về phía mình nếu bị Mỹ hoặc Israel tấn công, và hơn nữa, Nga có lợi ích trong việc giữ Iran bị cô lập.

Loại bỏ các lệnh trừng phạt từ Iran hoặc giảm bớt chúng không phải là lợi ích của Moscow, bởi vì khi tình hình trở lại bình thường, các nước châu Âu sẽ muốn đa dạng hóa nguồn dầu mỏ để tránh phụ thuộc vào Nga.

Kế hoạch đường ống dẫn dầu từ Iran đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ đã được thông qua và một phần đường ống đã được xây dựng.

Đồng thời, một đường ống dẫn khí đã được hoàn thành giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, có nghĩa là Nga đang dẫn đầu trong cuộc đua. Nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và Iran trở thành một "ông lớn" trong thị trường dầu mỏ một lần nữa, Nga có thể mất một phần thị trường châu Âu.

Lựa chọn của Tổng thống Assad

Giải quyết cơn đau đầu của Nga chỉ có viên thuốc thần kỳ nằm trong tay Tổng thống Assad? - Ảnh 2.

Tổng thống Assad sẽ là người nên quyết định Iran có nên rời Syria hay không.

Cuộc họp về lợi ích của Israel, Nga và Mỹ liên quan đến Iran sẽ diễn ra tại Israel trong tháng này. Theo các nguồn tin chưa được xác nhận, Nga hy vọng Mỹ sẽ công nhận chính quyền Assad và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với mình. Đổi lại, Nga sẽ hành động để đẩy Iran ra khỏi Syria.

Đây là một cuộc họp bất thường, trong đó ba cố vấn an ninh quốc gia Israel-Mỹ-Nga, Meir Ben-Shabbat, John Bolton và Nikolai Patrushev, sẽ thảo luận về sự phát triển của khu vực với tư cách là đối tác bình đẳng.

Một hội nghị thượng đỉnh như vậy ngay cả khi không mang lại kết quả cụ thể ngay lập tức, cũng sẽ truyền đạt thông điệp cho Iran và khu vực rằng trục Nga-Mỹ-Israel có thể là một trong những dự thảo lộ trình mới ở Trung Đông.

Ngoài việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga, một lựa chọn khác mà Mỹ có thể sử dụng là gây áp lực với chính quyền Assad để đưa lực lượng của Iran ra khỏi Syria. Với tư cách là người mời Iran vào, ông Assad có thẩm quyền để yêu cầu Iran rời đi.

Đổi lại, Tổng thống Assad có thể nhận được sự công nhận của Mỹ đối với chính quyền của mình và một lời hứa của Israel sẽ không tấn công ở Syria sau khi lực lượng Iran rời đi.

Ông cũng có thể nhận được một cam kết của Saudi để tham gia tài trợ cho sự tái thiết đất nước cùng với sự hậu thuẫn chiến lược của Nga. Những lợi ích này rõ ràng nhiều hơn so với những gì Iran có thể cung cấp.

Vấn đề của Tổng thống Assad là nếu ông đồng ý đẩy các lực lượng của Iran ra khỏi đất nước, ông sẽ phải giải thích cho Iran tại sao người ra đi là họ chứ không phải Nga.

Iran từ lâu đã hỗ trợ cho Damascus, với các khoản tài chính có thể lên đến 6-8 tỷ USD. Iran đã ở Syria từ khi cuộc chiến chưa bắt đầu và đã giúp đỡ quá nhiều cho chính quyền Assad.

Cuộc chiến chưa kết thúc và chưa có cám dỗ nào của Mỹ được đưa ra. Nhưng thời điểm này đang đến gần và Tổng thống Assad sẽ phải quyết định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại