Khi nhóm cổ đông do Phạm Công Danh đứng đầu “tiếp quản” Ngân hàng Xây dựng từ người cũ, thanh khoản tức thì của nhà băng này khoảng 3% trong khi quy định của Ngân hàng Nhà nước là 15%. Trước đó, ngân hàng này nằm trong nhóm 9 tổ chức tín dụng được phê duyệt để tái cơ cấu. Ngân hàng Xây dựng ở tình trạng bị giám sát đặc biệt vì có hai nhóm nợ xấu tồn tại từ năm 2011, chiếm gần hết dư nợ.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Xây dựng được ví như một con bệnh nan y và có 3 lựa chọn cho việc cứu chữa. Thứ nhất, để mặc cho con bệnh chết. Phương án này không được chọn vì có thể gây ra bất ổn cho hệ thống tài chính và thông lệ từ trước là ngân hàng sẽ không có chuyện phá sản.
"Thầy lang" Phạm Công Danh cùng với Tập đoàn Thiên Thanh được "mời về" để chữa bệnh nan y cho Ngân hàng Xây Dựng. Ảnh: Trần Quang.
Thứ hai là cho đi bệnh viện với bác sĩ chuyên môn cao. Phương án này được hiểu là sẽ đưa ngân hàng này sáp nhập vào một nhà băng khỏe hơn và người khỏe sẽ cõng người yếu cùng vượt chứng bệnh nan y.
Tuy nhiên, điều này cũng khó khả thi vì trong bối cảnh khó khăn, không ngân hàng khỏe nào muốn rước thêm bệnh nặng vào người và cũng không có mấy ai muốn chuyển sang làm bác sĩ phụ trách một ca khó như vậy (trừ khi bị buộc phải làm).
Thứ ba là mời thầy lang để bốc thuốc, chữa bệnh. Phương án này từng áp dụng ở một số ngân hàng khác và khá thành công như Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và tiền thân của Ngân hàng cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Trên thực tế, theo tiết lộ của một chuyên gia có kinh nghiệm về tái cơ cấu ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, đây cũng là phương án duy nhất phù hợp.
Còn phương án để cho “con bệnh tự chữa” với nhóm cổ đông cũ đã bị loại trừ vì không khác nào “uống lá ngón”.
Vì sao thầy lang cho bệnh nhân nan y uống chất độc hại?
Nếu căn cứ vào các hồ sơ về sai phạm của Phạm Công Danh, những người liên quan tại Ngân hàng Xây dựng và Tập đoàn Thiên Thanh, cộng với tình trạng bị kiểm soát đặc biệt của nhà băng này, nhiều người sẽ đặt câu hỏi việc rút hàng nghìn tỷ như “con voi chui qua lỗ kim” mà sao dễ vậy, không ai ngăn chặn?
Điều này cũng giống như việc con bệnh nan y có người nhà ở đó, sao lại để thầy lang cho uống các thuốc linh tinh làm cho bệnh tình nặng thêm?
Nếu nói "thầy lang" Phạm Công Danh và các đồng phạm muốn phá hoại Ngân hàng Xây dựng thì không đúng. Nhưng trình độ, nhận thức cùng những hoàn cảnh, và vòng xoáy ma quỷ của việc thao túng quá dễ dàng khiến cho "thầy lang" trở thành "lang băm". Ảnh: Trần Quang.
Thực tế là không có ai muốn người nhà của mình đang bệnh nan y lại bị nặng thêm. Với cách chữa bệnh chuẩn mực thì không ai chữa rồi nên họ mới chấp nhận một cái gì đó hơi khác. Tất nhiên mức độ khác như thế nào để không biến thành thuốc độc và bệnh khỏi thì ít ai có thể tự tin khẳng định.
Vì thế, nếu qua khỏi thì người nhà được coi là chấp nhận rủi ro hợp lý, còn ngược lại họ sẽ trở thành người “bật đèn xanh” cho thầy lang ép bệnh nhân uống "lá ngón".
Trong trường hợp của Ngân hàng Xây dựng, việc xác định tổ giám sát cố tình làm ngơ cho sai phạm xảy ra hay họ kỳ vọng vào một linh động hợp lý có thể đem lại kết quả tốt hơn cho “bệnh ung thư” thì cần chờ phán quyết tại tòa án.
Nhưng rõ ràng, “người nhà” đã không giám sát đủ chặt nên “thầy lang” mới có cơ hội chích thuốc linh tinh và bỏ cả những chất không có lợi cho sức khỏe để người bệnh uống.
Còn với Phạm Công Danh và những người liên quan gây ra sai phạm, thầy lang “thích” cho bệnh nhân uống chất độc hai hay có lý do gì khác khiến họ làm như vậy?
Ở đây, nhìn lại những trường hợp ngân hàng đã tái cơ cấu hoặc vượt khó khăn thành công với các ông chủ không có gốc ngân hàng (Bầu Hiển với SHB, Đỗ Minh Phú – Chủ tịch DOJI với TPBank) thì thấy rằng, khi tiếp quản nhà băng, không ai mong muốn tình trạng xảy ra như Ngân hàng Xây dựng bây giờ.
Tuy nhiên, tình cảnh và trình độ của những ông chủ ngân hàng mới cùng với những người tư vấn của họ khác nhau sẽ dẫn tới những kết quả không giống nhau.
Một cựu lãnh đạo ngân hàng quốc doanh, có kinh nghiệm về quản trị và tái cơ cấu ngân hàng cổ phần yếu kém nói với chúng tôi: “Xảy ra cơ sự như Ngân hàng Xây dựng bởi ông chủ mới không lường hết được các khó khăn khi tiếp quản một di sản quá nặng nề của những cổ đông cũ.
Khi gặp khó khăn, họ phải xoay sở nhưng mọi việc bị vượt khỏi vòng kiểm soát và rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng. Chứ thực sự không ai muốn như vậy cả”.
Chuyên gia này ví sai phạm của Phạm Công Danh và những người liên quan giống như một anh học sinh thích ăn kẹo lạc nên vay tiền của bạn để mua nhưng sau đó không có tiền trả. Việc không trả chắc chắn sẽ bị bạn bè trách móc, mất mặt nên anh ta tìm cách xoay sở và cuối cùng là đi trộm gà của nhà hàng xóm để bán, lấy tiền trả nợ.
“Người ta ăn trộm gà không phải vì thích con gà đó mà vì chuyện khác, có thể là do túng quẫn quá. Rủi ro của việc bị bắt khi ăn cắp con gà theo họ nghĩ là 50%, còn rủi ro bị trách móc, mất mặt khi không trả nợ là 100% nên anh ta mới đi trộm gà.
Điều này do giới hạn bởi tư duy và tính toán của con người, nhưng vấn đề là làm sao để tư duy về việc trộm gà không diễn ra nữa thì không dễ”, chuyên gia này bình luận.